Khi học đi đôi với hành

.

Đối với nhiều sinh viên hiện nay, học không chỉ dừng lại ở việc ngày ngày đến trường thu nạp kiến thức, học còn gắn liền với nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm khoa học, qua đó tự mở mang kiến thức và trau dồi kỹ năng mềm.

Nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng giới thiệu robot lau pin mặt trời.  (Ảnh: Trường Đại học Bách khoa cung cấp)
Nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng giới thiệu robot lau pin mặt trời. (Ảnh: Trường Đại học Bách khoa cung cấp)

Trong cuộc thi “IoT-AI Hackathon 2019 khu vực miền Trung-Tây Nguyên” do Khoa Công nghệ thông tin (Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng) tổ chức vào tháng 9-2019, nhóm sinh viên Võ Hoàng Nguyên Phương, Hồ Văn Cường, Lưu Thị Ngọc Lan, Nguyễn Tiến Đạt và Nguyễn Đắc Quy (Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng) đã giành giải nhất với dự án robot lau pin mặt trời. Đây là loại robot có thể được điều khiển từ xa, cài đặt chế độ và thời gian vệ sinh, kiểm soát hành trình và trạng thái thông qua ứng dụng. Robot cũng có khả năng nhận diện và thông báo những vết nứt, vết bẩn, biến dạng trên bề mặt pin.

Nguyên Phương - người đại diện nhóm chia sẻ, ý tưởng về robot lau pin mặt trời xuất phát từ những chuyến tham quan thực tế nhà máy điện mặt trời ở Ninh Thuận. Phương cho biết, hiện trên cả nước có khoảng 100 dự án nhà máy điện mặt trời, mỗi nhà máy có từ 150.000 đến 300.000 tấm pin luôn phải được kiểm soát tình trạng “sức khỏe” để đạt công suất tối ưu. “Các nhà máy thường kiểm tra bề mặt pin mỗi tháng; còn việc vệ sinh thì cứ 3 tháng 1 lần, mỗi lần cần khoảng 20 công nhân làm trong gần cả tháng, với chi phí tiêu tốn trên dưới 150 triệu đồng”, Phương nói. Từ đó, nhóm bạn quyết định xây dựng robot vệ sinh pin mặt trời giúp giảm nhân công, đồng thời cảnh báo sớm những vấn đề của pin nhằm giảm chi phí xử lý cho nhà máy.

Trong quá trình triển khai dự án, nhóm nghiên cứu tận dụng luôn hệ thống pin mặt trời áp mái đã được lắp đặt tại Trường Đại học Bách khoa làm nơi thử nghiệm sản phẩm. Đặc biệt, nhóm cũng được các doanh nghiệp ngành điện hỗ trợ trong việc tìm hiểu những vấn đề cần giải quyết, tìm mua nguyên vật liệu… Phương chia sẻ, nhờ vậy mà nhóm có động lực để hoàn thiện sản phẩm và giành giải cao trong cuộc thi.

Những năm gần đây, các trường đại học, cao đẳng ở Đà Nẵng đã tích cực tạo điều kiện để sinh viên nghiên cứu khoa học, tạo ra những sản phẩm từ chính kiến thức chuyên ngành của mình. Xuất phát điểm từ một nghiên cứu khoa học của nhóm sinh viên khoa Sinh - Môi trường (Trường Đại học Sư phạm), dự án chế phẩm sinh học từ phân chim cút đã được nâng quy mô thành một dự án khởi nghiệp, tham gia vào chương trình ươm tạo của Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng.

PGS.TS Lưu Trang, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm cho biết, hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong mục tiêu đào tạo và nghiên cứu của nhà trường. “Nghiên cứu giúp sinh viên luôn tư duy trong hành động, trong công việc, trong mọi hoàn cảnh sống; từ đó có cái nhìn sự việc một cách khoa học và khách quan ở nhiều khía cạnh”, PGS.TS Lưu Trang nói.

Bắt đầu từ năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học thành phố Đà Nẵng”. Qua 3 năm, các sinh viên dự thi đã có sự tiến bộ vượt bậc trong thực hành phương pháp luận nghiên cứu khoa học. Giữa tháng 11-2019, 27 công trình xuất sắc nhất đã được thuyết trình trước ban giám khảo cuộc thi, trong đó có những dự án có ý nghĩa thiết thực đối với nhu cầu của thành phố, mang tính khả thi cao như: phương tiện thu gom rác và cải tạo bề mặt bãi biển, xe quét rác đa năng cỡ nhỏ, ứng dụng cảnh báo ùn tắc và phân luồng giao thông giờ cao điểm… Dự kiến kết quả chung cuộc sẽ được công bố vào cuối tháng 11-2019.  

PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, các cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học các cấp mang lại nhiều cơ hội cho sinh viên, không chỉ về học tập mà còn cho công việc sau này.

PGS.TS Thọ nói: “Học mà không nghiên cứu, không vận dụng vào thực tế thì không thể gọi là học tốt. Việc nghiên cứu, ứng dụng bổ sung rất nhiều cho các kiến thức mà sinh viên thu nhận từ trường lớp. Ví dụ, để làm được một nghiên cứu, các em phải đi khảo sát, xây dựng quy trình thực hiện, đến các doanh nghiệp để tìm tài liệu hay phỏng vấn… Nhờ vậy, các em được cọ xát thực tế, tiếp xúc với các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư...

Bên cạnh đó, thông qua việc nghiên cứu, sinh viên cũng xây dựng được cho mình tư duy khoa học, đặc biệt là khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề”. Còn theo ThS Nguyễn Thị Bích Hằng (Khoa Sinh - Môi trường, Trường Đại học Sư phạm), một trong những lợi ích lớn mà các cuộc thi nghiên cứu khoa học mang lại cho sinh viên là cơ hội trau dồi kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết trình. “Chưa nói đến kiến thức, chỉ riêng việc có được những kỹ năng mềm này đã giúp các em ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng sau này”, ThS Bích Hằng nói.

PHONG LAN

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.