Có thể nói rằng, ngày hôm nay là một ngày đầy cảm xúc đối với chúng ta. Học trò hướng đến chúng ta với tất cả niềm mến yêu, thành kính và biết ơn. Xã hội hướng đến chúng ta với niềm tôn vinh vị trí cao cả của người thầy.
Trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 ngập tràn hoa. Rồi thiệp hoa, lời hoa, điện hoa của học trò cũ từ muôn phương ùa về. Ai bảo nghề giáo là nghề bạc bẽo? Nếu chỉ lấy vật chất làm thước đo, có lẽ điều đó sẽ đúng phần nào. Nhưng ý kiến đó chắc chắn bị bác bỏ hoàn toàn nếu lấy tình người để soi xét, để cảm nhận. Mỗi năm, chúng ta chỉ có một ngày để xã hội tôn vinh, nhưng chúng ta lại có rất nhiều ngày trong lòng học trò của mình. Cũng như chính chúng ta đây, trong lòng của mỗi người lúc này, dù già hay trẻ, đều lưu lại chí ít cũng là dấu ấn một người thầy của mình.
Là người làm công tác giáo dục, hơn ai hết chúng ta hiểu rất rõ quy luật tình cảm vừa giản đơn vừa nghiệt ngã của con người. Đó là “Có đem tặng cả cuộc đời/ Mới mong nhận được của người trái tim”. Bởi vậy con đò mà chúng ta đưa học trò qua sông đâu chỉ là con đò tri thức mà đó còn là con đò của đức hạnh, con đò của nghĩa tình. Con đò ấy nặng biết bao nhưng cũng đẹp biết bao! Ta phải lái nó bằng cả cuộc đời mình, bằng cả trí, cả tâm và cả lực. Nhẫn nại, mềm mại, linh hoạt, khéo léo và cũng thật kiên cường. Và trên hành trình nhọc nhằn mà cao cả đó, ta đừng bao giờ vì những phút giây chán nản, buồn bực nhất thời mà phó mặc buông xuôi hoặc áp cả nỗi trống rỗng, thất vọng của mình lên học trò và cũng chớ bao giờ vì chút lợi riêng, cỏn con trước mắt mà đánh mất chính mình.
Học trò dù ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, nhưng các em cũng có những cảm nhận âm thầm mà sâu sắc về thầy cô của mình. Cái tốt nhớ lâu mà cái xấu nhớ cũng rất lâu. Tâm hồn của các em vốn sáng trong như một tờ giấy trắng, người lớn vẽ lên thứ gì nó sẽ hiện lên thứ ấy. Bởi vậy, chúng ta - nếu thực sự là những người thầy chân chính - những người xứng đáng được xã hội tôn vinh là “Biểu tượng của tri thức và đức hạnh”, thì phải biết vẽ lên trên những trang giấy trắng ấy những nét vẽ ngay thẳng, tử tế, nhuốm màu chân - thiện - mỹ và cũng phải biết cách và kiên trì giúp các em tẩy đi những vết bẩn lỡ bị vấy vào.
Vẽ lên cái đẹp và chỉnh lại cái chưa đẹp trong tâm hồn các em là cả một nghệ thuật và là một sự khổ công của người thầy.
Với thâm niên hơn 30 năm đứng trên bục giảng, ngẫm đi ngẫm lại tôi vẫn thấy nghề giáo là nghề có hậu nếu người thầy thẩm thấu được thiên chức cao quý của mình là trồng người, là thiết kế và xây dựng nên những tâm hồn, những nhân cách. Chữ thầy rất quý, nhưng nhân cách của thầy còn quý hơn rất nhiều. Chúng ta xuyên qua dạy chữ để dạy các em làm người. Mà trong giáo dục, không gì hiệu quả bằng tự giáo dục. Một trăm lời nói hay không bằng một hành động đẹp. Một người thầy không thực sự là tấm gương sáng thì làm sao dạy dỗ, thuyết phục được học trò của mình.
Biển học thì vô bờ, thầy không giỏi làm sao giúp trò đến được bến bờ tri thức. Biển đời mênh mông, tốt rất nhiều mà xấu cũng lắm, ranh giới giữa thiện - ác, xấu - tốt đôi lúc mong manh, thầy dạy thế này mà sống như thế kia thì trò biết tin vào đâu đây? Có câu nói của một nhà giáo dục đáng để ta suy ngẫm: “Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện, châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác”.
Tôi xin lấy thêm một ý kiến nữa để chốt lại điều mà mình muốn chuyển tải đến các thầy cô trong thời điểm này: “Dạy học là đặt vết tích của một người vào sự phát triển của một người khác. Và chắc chắn học trò là ngân hàng nơi bạn có thể gửi kho báu quý giá nhất của bạn. ( P.Bertin)
Vậy đó, nghề giáo là nghề có hậu hay là nghề bạc bẽo là do quan niệm và cách hành xử của mỗi chúng ta.
Trần Thị Xuân Thu