Trong lễ tốt nghiệp của ĐH RMIT diễn ra tại TPHCM mới đây, anh Alăng Thớ (34 tuổi, giảng viên ĐH Đà Nẵng) đã được trao tấm bằng Tiến sĩ Quản trị Nhân lực. Anh là người đầu tiên trong cộng đồng dân tộc thiểu số Cơ Tu trở thành tiến sĩ.
Alăng Thớ (bên phải) nhận bằng Tiến sĩ Quản trị nhân lực (ảnh: ĐH RMIT) |
Hiện anh Alăng Thớ là giảng viên của ĐH Đà Nẵng, giảng dạy các bộ môn về quản trị kinh doanh, quản trị nguồn nhân lực, tiếng nói của người lao động, sự khác biệt và quyền bình đẳng, lãnh đạo, các phương pháp nghiên cứu về người bản địa, marketing…
Alăng Thớ tốt nghiệp trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng và được trường giữ lại giảng dạy. Sau đó, anh hoàn thành chương trình đào tạo cao học tại Đài Loan vào năm 2012. Hành trình đạt tiến sĩ tại ĐH RMIT của Alăng Thớ bắt đầu khi năm 2013 anh nhận học bổng do chính phủ Úc trao tặng.
Trong quãng thời gian học Tiến sĩ, anh Thớ theo đuổi đề tài nghiên cứu về sự bình đẳng và quyền lợi của người lao động dân tộc thiểu số nhằm mang lại nhiều đóng góp tích cực cho họ và chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng một môi trường công sở bình đẳng thông qua việc thiết lập các chính sách công.
Anh Alăng Thớ đã diễn thuyết nghiên cứu của mình ở hơn 6 hội nghị và hội thảo quốc tế. Sự nỗ lực và thành tựu của anh đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng và tiếp thêm niềm tin cho những bạn trẻ người Cơ Tu để vượt khó và vươn lên nhiều hơn trong cuộc sống.
Alăng Thớ sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông nghèo khó tại xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Tại Việt Nam, cộng đồng người Cơ Tu có khoảng 100 nghìn người sống tập trung tại Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Ở tuổi 34, Alăng Thớ đã khiến đồng bào của mình vô cùng tự hào khi trở thành người đầu tiên trong cộng đồng dân tộc Cơ Tu trở thành Tiến sĩ.
Theo dantri.com.vn