Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới: Đầu tư cơ sở vật chất, chuẩn bị tốt đội ngũ giáo viên

.

Chuẩn bị tốt đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất là những vấn đề cốt lõi để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với cấp tiểu học được các đại biểu đặc biệt quan tâm tại hội nghị triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và chương trình GDPT 2018 đối với cấp tiểu học do UBND thành phố tổ chức sáng 9-12.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: NGỌC PHÚ
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: NGỌC PHÚ

 Tăng các tiết học bắt buộc, tăng phòng học

Ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố cho biết, so với chương trình hiện hành, Chương trình GDPT 2018 có ít môn học do thực hiện chủ trương tích hợp cao ở các lớp dưới. Cụ thể, lớp 1, 2 có 7 môn học và 1 hoạt động bắt buộc, số tiết bình quân trên tuần là 25 (chưa tính môn tự chọn); lớp 3 có 8 môn học và 1 hoạt động bắt buộc, số tiết bình quân trên tuần là 28 tiết (chương trình hiện hành có 10 môn và 24 tiết/tuần); lớp 4 và 5 có 10 môn học và 1 hoạt động bắt buộc, số tiết bình quân trên tuần là 30 tiết (chương trình hiện hành có 11 môn và 26 tiết trên tuần).

Như vậy, xét tổng thể Chương trình GDPT năm 2018, đối với bậc tiểu học tăng 525 tiết/năm. Việc tăng này chủ yếu các môn học bắt buộc là Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất và Tự nhiên - Xã hội; trong đó môn Toán giảm 35 tiết.

Theo ông Trần Nguyễn Minh Thành, Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng.

Đặc biệt, đây là chương trình mở, theo đó địa phương, nhà trường, giáo viên có nhiều quyền và trách nhiệm hơn trong quá trình phát triển, triển khai chương trình giáo dục cho phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn. Tuy nhiên, việc tăng thêm 2 môn Ngoại ngữ, Tin học và Công nghệ thành hai môn bắt buộc cũng là một thách thức không nhỏ cho đội ngũ giáo viên, nhất là trong tình hình tinh giản biên chế hiện nay.

Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Lê Thị Bích Thuận cho biết, Chương trình GDPT 2018 thực hiện dạy 2 buổi/ngày. Như vậy, để thực hiện việc dạy 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học thì tỷ lệ phòng học phải đạt 1 lớp/1 phòng học.

Trong khi hiện nay, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày trên toàn thành phố đạt 97,78%, trong đó tại quận Liên Chiểu chỉ đạt 79,6%. Về giải pháp, bà Lê Thị Bích Thuận cho rằng, các địa phương tập trung lồng ghép các nguồn lực nhằm xây dựng bổ sung phòng học, phòng chức năng; mua sắm trang thiết bị phục vụ việc dạy và học.

Tại địa bàn quận Liên Chiểu, những năm qua, dân số cơ học tăng nên tỷ lệ học sinh tăng hằng năm đáng kể. Dự kiến, trong năm học 2020 - 2021, toàn quận có 13 trường với 414 lớp và 16.082 học sinh, tăng hơn 800 học sinh, trong đó 3.372 học sinh lớp 1 với 92 lớp. Để bảo đảm nâng tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày theo Chương trình GDPT cần có trên 600 giáo viên, tăng gần 50 giáo viên.

Về vấn đề này, bà Lữ Thị Kim Hoa, Trưởng phòng GD-ĐT quận Liên Chiểu cho biết, Phòng GD-ĐT đã tham mưu UBND quận, chỉ đạo các trường học sắp xếp rà soát đội ngũ giáo viên, điều tra số lượng học sinh dự kiến học lớp 1 năm học 2020 - 2021, nhằm bảo đảm 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày, có 138 giáo viên sẽ tham gia giảng dạy khối lớp 1 (trong đó 102 giáo viên văn hóa, 36 giáo viên dạy bộ môn). Bên cạnh đó, Phòng GD-ĐT phối hợp với Phòng Nội vụ quận báo cáo nhu cầu giáo viên về Sở Nội vụ thẩm định, bảo đảm biên chế giáo viên phục vụ cho công tác giảng dạy năm học mới.

Ngoài vấn đề giáo viên, ngành GD-ĐT quận tiếp tục tăng cường công tác phối hợp tham mưu các cấp, các ngành xây dựng mạng lưới trường lớp để bảo đảm cho việc học chương trình phổ thông mới. Theo đó, trong năm 2020, UBND thành phố, Sở GD-ĐT cũng như quận Liên Chiểu đầu tư cho ngành giáo dục quận trên 60 tỷ đồng nhằm sửa chữa, xây dựng cơ bản dãy phòng học 4 tầng tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi; xây thêm 2 phòng học tại Trường tiểu học Bùi Thị Xuân; xây thêm phòng học tại Trường tiểu học Nguyễn Đức Cảnh; cơ sở 2 của Trường tiểu học Duy Tân, Âu Cơ, Hải Vân, Lương Thế Vinh… và mua sắm trang thiết bị dạy học để phục vụ việc thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Hạ tiêu chí để tuyển dụng giáo viên

Cũng như quận Liên Chiểu, để thực hiện Chương trình GDPT mới lớp 1 năm học 2020-2021, quận Sơn Trà cần 115 giáo viên cho 74 lớp 1. Hiện nay, với những quy định và tiêu chí tuyển dụng, quận Sơn Trà còn thiếu 15 giáo viên để đạt tiêu chí 1,5 giáo viên/lớp theo quy định. Vì vậy, ông Võ Trung Minh, Trưởng phòng GD-ĐT quận Sơn Trà đề nghị  Sở GD-ĐT cũng như thành phố, bên cạnh lộ trình tuyển dụng theo yêu cầu số lượng cần quan tâm đến tiêu chí trên.

“Hiện tiêu chí với giáo viên ngoại tỉnh phải xuất sắc là rất khó, nên nghiên cứu hạ xuống; trong khi những giáo viên có hộ khẩu Đà Nẵng không đủ để tuyển”, ông Võ Trung Minh kiến nghị. Về giáo viên bộ môn, ông Minh cho biết đáp ứng được nhu cầu giảng dạy, trong đó giáo viên Tiếng Anh lớp 1 đạt 100%.

Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, vấn đề giáo viên luôn được đặt lên hàng đầu. Trong ảnh: Một tiết dạy học sinh tiểu học tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (quận Sơn Trà).
Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, vấn đề giáo viên luôn được đặt lên hàng đầu. Trong ảnh: Một tiết dạy học sinh tiểu học tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (quận Sơn Trà).

Bà Phạm Hồ Quỳnh Trang, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hòa Vang cho biết, những năm qua, địa phương thiếu giáo viên trầm trọng, mặc dù Sở GD-ĐT đã giao chỉ tiêu nhưng địa phương không có nguồn để tuyển.

Vì vậy, các trường thậm chí hợp đồng cả giáo viên tốt nghiệp bậc trung cấp để dạy. Do đó, theo bà Phạm Hồ Quỳnh Trang, Sở GD-ĐT nên tham mưu cho UBND thành phố có kế hoạch, hoặc chọn những giáo viên tốt nghiệp cao đẳng các môn Toán, Văn sau đó bồi dưỡng phương pháp dạy học tiểu học để đủ nguồn khi thực hiện Chương trình GDPT mới.

Ông Đặng Chí Thanh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố cho rằng, Chương trình GDPT 2018 có nhiều thay đổi, đặc biệt đối với cấp tiểu học, tăng 525 tiết/năm, bắt buộc phải có một lượng giáo viên để đáp ứng cho chương trình.

Hiện Sở Nội vụ phối hợp cùng Sở GD-ĐT tiến hành rà soát, nắm lại tình hình đội ngũ giáo viên, đặc biệt là tiểu học để có giải pháp cụ thể, nhằm bổ sung để thực hiện chương trình.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh giao Sở Nội vụ, UBND các quận, huyện ngay bây giờ có phương án chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cố gắng tổ chức tuyển dụng sớm.

Đặc biệt, về một số tiêu chuẩn quá cao, khác với quy định cần phải thay đổi gấp, như tuyển dụng giáo viên ngoại tỉnh, yêu cầu trình độ đối với giáo viên tiểu học. Sở GD-ĐT khẩn trương làm việc với Sở Tài chính về nguồn kinh phí để mua sắm trang thiết bị, kỹ thuật phục vụ chương trình; hướng dẫn quy trình chọn sách giáo khoa; phối hợp với Trường Đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) tổ chức tập huấn tốt cho giáo viên. Đối với cấp trường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh yêu cầu cần xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, tuyên truyền cho giáo viên nhận thức đầy đủ về chương trình GDPT 2018…

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.