Sẵn sàng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

.

Trao đổi với Báo Đà Nẵng, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Lê Thị Bích Thuận (ảnh) cho biết, tháng 9 năm 2020, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 (gọi tắt GDPT mới) của Bộ GD-ĐT chính thức được áp dụng cho lớp 1 trên phạm vi toàn quốc. Ngành giáo dục thành phố đang gấp rút mọi công việc nhằm thực hiện chương trình một cách hiệu quả.

* Thưa bà, chương trình GDPT mới sẽ áp dụng cho lớp 1 trong năm học 2020-2021, vậy đến nay, ngành GD-ĐT thành phố đã chuẩn bị như thế nào về cơ sở vật chất, trường lớp?

- Hiện tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày toàn thành phố là 97,04 % (còn 1 quận Liên Chiểu tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày: 69,3%).

Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh tiểu học được HĐND, UBND thành phố và các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm và đưa vào Nghị quyết của HĐND thành phố.

Với sự tham mưu của ngành GD-ĐT, trong thời gian qua, UBND thành phố, UBND các quận, huyện đã ưu tiên kinh phí để mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu theo Thông tư 05/2019 ngày 5-4-2019 của Bộ GD-ĐT cho các trường tiểu học.

Bên cạnh đó, để thực hiện chương trình GDPT mới đối với lớp 1 đạt hiệu quả, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo phòng GD-ĐT các quận, huyện, các trường phổ thông có cấp tiểu học xây dựng kế hoạch, dự kiến số học sinh, số lớp 1, chọn giáo viên, phân công giáo viên giảng dạy, ưu tiên phòng học để 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày. Nhìn chung, về mặt cơ sở vật chất của ngành, đến nay cơ bản đáp ứng được các yêu cầu để triển khai thực hiện chương trình GDPT mới.

* Tỷ lệ giáo viên hiện nay đã đáp ứng theo quy định? Để thực hiện tốt chương trình GDPT mới, lực lượng giáo viên phải chuẩn bị những gì?

- Năm học 2020-2021, thành phố dự kiến có 617 lớp/21.424 học sinh lớp 1, bình quân 34,7 học sinh/lớp. Theo quy định, tỷ lệ giáo viên/lớp là 1,5. Hiện tại, tỷ lệ giáo viên toàn thành phố ở bậc tiểu học năm học 2019-2020 là 1,498; biên chế chính thức đạt tỷ lệ 91,145%. Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện việc tuyển giáo viên bảo đảm số lượng và chất lượng. Khi thực hiện chương trình GDPT mới ở lớp 1, sẽ bảo đảm tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp, đủ để thực hiện chương trình dạy học 2 buổi/ngày.

Để thực hiện tốt chương trình, giáo viên cần phải thay đổi nhận thức. Cụ thể là phải chuyển từ cách truyền thụ tri thức sang cách tổ chức cho học sinh chiếm lĩnh tri thức. Coi trọng dạy học phân hóa cá nhân, biết sử dụng tối đa những nguồn tri thức trong xã hội, sử dụng công nghệ thông tin, phương tiện kỹ thuật dạy học...

Để thực hiện chương trình, giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng để hiểu rõ về sự cần thiết thay đổi chương trình; nắm bắt được chương trình tổng thể, chương trình các môn học ở tiểu học; những điểm mới của chương trình mới so với chương trình hiện hành; tập huấn về phương pháp dạy học, sử dụng sách giáo khoa, áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực để tổ chức các hoạt động dạy học và giáo dục.

Đến nay, Sở GD-ĐT đã cử cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán tham gia các lớp tập huấn về chương trình GDPT mới do Bộ GD-ĐT tổ chức. Sở GD-ĐT đã xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng giáo viên tiểu học năm học 2019-2020 thực hiện chương trình GDPT mới. Theo đó, 100% giáo viên giảng dạy lớp 1 năm học 2020-2021 được bồi dưỡng về tổng thể chương trình, sau đó sẽ tập huấn từng phần, về sử dụng sách giáo khoa...

* Đâu là những khó khăn, thách thức trong việc thực hiện chương trình GDPT năm 2018 đối với lớp 1 thời gian đến đối với ngành GD-ĐT?

- Thời gian để thực hiện các lớp tập huấn, bồi dưỡng giáo viên đại trà khá gấp gáp. Sở GD-ĐT thành phố không chủ động được trong kế hoạch, phải chờ các lớp tập huấn cốt cán của Bộ GD-ĐT, trong khi rất nhiều nội dung cần được tập huấn cho 100% giáo viên dạy học sinh lớp 1. Các lớp tập huấn thực hiện đồng thời với việc dạy học của giáo viên nên khó khăn trong việc phân công giáo viên dạy thay tại các trường; phải tập huấn vào các ngày nghỉ nên ảnh hưởng đến chế độ, quyền lợi của giáo viên.

Đà Nẵng đang nỗ lực để thực hiện chương trình GDPT mới lớp 1 năm học 2020-2021.  Trong ảnh: Một tiết học của học sinh lớp 1, Trường tiểu học Lê Lai, quận Hải Châu.
Đà Nẵng đang nỗ lực để thực hiện chương trình GDPT mới lớp 1 năm học 2020-2021. Trong ảnh: Một tiết học của học sinh lớp 1, Trường tiểu học Lê Lai, quận Hải Châu.

Thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa và chương trình quy định số tiết theo năm học sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên sáng tạo trong quá trình dạy học. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với các cán bộ quản lý, giáo viên trong khi một số giáo viên dạy lớp 1 đã lớn tuổi; vẫn còn bộ phận giáo viên còn ngại đổi mới, cách tiếp cận và thực hiện phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực chưa hiệu quả; chưa mạnh dạn trong việc xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt, trong sự điều chỉnh phù hợp với đối tượng học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Một số cán bộ quản lý chưa mạnh dạn thực hiện các giải pháp đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp giáo dục của cấp học; chưa tự tin trong quá trình triển khai thực hiện những chủ trương đổi mới của ngành; chưa tạo động cơ, khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo của giáo viên và năng lực còn hạn chế nên việc xây dựng kế hoạch nhà trường theo chương trình GDPT mới cũng là 1 thách thức.

Một số trường tiểu học có từ 3 đến 5 điểm trường như Trường tiểu học Hòa Bắc, Trường tiểu học Hòa Phú, Trường tiểu học số 2 Hòa Tiến, Trường tiểu học An Phước (huyện Hòa Vang) và Trường tiểu học Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) còn khó khăn trong việc tổ chức dạy học các môn Ngoại ngữ, Tin học. Tỷ lệ học sinh/lớp ở 1 số trường trung tâm khá cao so với sỉ số quy định là 35 cũng là 1 thách thức trong quá trình triển khai và thực hiện dạy theo chương trình GDPT mới.

* Để tiếp tục thực hiện chương trình GDPT mới những năm tiếp theo, ngành GD-ĐT thành phố cần chuẩn bị những gì?

 - Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông để giáo viên, học sinh và người dân nắm được các thông tin về chương trình GDPT mới nhằm tạo được sự đồng thuận trong xã hội.

Đà Nẵng đang nỗ lực để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 1 năm học 2020-2021.  Trong ảnh: Một tiết học tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu, Hải Châu. Ảnh: NGỌC PHÚ
Đà Nẵng đang nỗ lực để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 1 năm học 2020-2021. Trong ảnh: Một tiết học tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu, Hải Châu. Ảnh: NGỌC PHÚ

Thứ hai, cử cán bộ quản lý và giáo viên tham gia đầy đủ các lớp tập huấn của Bộ GD-ĐT cũng như phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ.

Thứ ba, tích cực tham mưu UBND thành phố tăng cường đầu tư, xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT mới. Trong đó, bảo đảm các trường có tỷ lệ một phòng học/lớp, có đủ phòng chức năng, thư viện, sân chơi, bãi tập, công trình vệ sinh; có đủ thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1. Từng bước bảo đảm sỉ số học sinh/lớp theo quy định và tổ chức dạy học hai buổi/ngày cho 100% học sinh toàn thành phố.

Thứ tư, đối với các địa phương có tỷ lệ giáo viên chưa bảo đảm, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với Sở Nội vụ để có phương án tuyển dụng nhằm bảo đảm việc thực hiện dạy học hai buổi/ngày...

* Xin cảm ơn bà!

Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu: Nhanh chóng xây dựng thêm trường học, phòng học

Năm học 2019-2020, toàn quận có 13 trường tiểu học với 15.163 học sinh/390 lớp. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học là 69,3%. Nguyên nhân cơ bản là do thiếu trường, thiếu phòng học. Vì vậy, để đáp ứng chương trình GDPT mới (học sinh học 2 buổi/ngày), đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng triển khai các gói kinh phí xây dựng đã được UBND thành phố phê duyệt để việc xây dựng phòng học, hệ thống trường, lớp được thực hiện kịp thời. Đồng thời, quan tâm, tạo điều kiện về quỹ đất để Liên Chiểu thực hiện Đề án số 13 về việc rà soát, quy hoạch mạng lưới GD-ĐT quận Liên Chiểu đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.

* Thầy Nguyễn Thọ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bắc (huyện Hòa Vang): Sớm bố trí giáo viên, trang thiết bị dạy học

Trường tiểu học Hòa Bắc nằm ở địa bàn miền núi, với 5 điểm trường ở cách xa nhau nên gặp nhiều khó khăn khi thực hiện chương trình GDPT mới. Hơn nữa, hiện nay các chế độ phụ cấp cho giáo viên miền núi không còn nên giáo viên cũng ít mặn mà. Hằng năm, vào năm học, nhà trường phải hợp đồng nhiều giáo viên để dạy, khi hết năm học họ lại nghỉ vì đường sá đi lại khó khăn. Một số giáo viên dạy lớp 1 đã nghỉ hưu nên nguồn giáo viên thiếu trầm trọng. Để thực hiện chương trình GDPT mới, thành phố cần bố trí sớm và đủ giáo viên cho nhà trường. Trường tiểu học Hòa Bắc hiện cũng chưa có phòng Tin học và Ngoại ngữ, chưa phủ sóng mạng internet, một số bàn ghế cũ, kích thước không phù hợp với quy định của Bộ GD-ĐT. Vì vậy, nhà trường mong muốn được đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện phục vụ dạy và học để thuận lợi trong triển khai chương trình.

NGỌC PHÚ thực hiện

;
;
.
.
.
.
.