Nam sinh Việt trúng tuyển Đại học New York: "Gia đình là số một"

.

Luôn đặt gia đình ở vị trí quan trọng nhất trong cuộc sống, Trần Dân Chí đã xuất sắc chinh phục đại diện tuyển sinh để giành một ghế trên giảng đường Đại học New York (NYU).

Thành tích và hoạt động nổi bật của Trần Dân Chí:

- Giải 3 cuộc thi Học sinh giỏi tiếng Anh cấp thành phố năm 2018

- Giải 3 cuộc thi Olympic Tiếng Anh cấp quận năm 2017

- Giải 3 cuộc thi học sinh giỏi tiếng Anh online cấp quốc gia năm 2017

- Giải Nhì cuộc thi học sinh giỏi tiếng Anh online cấp thành phố năm 2017

- Giải Nhì cuộc thi tiếng Anh cấp thành phố năm 2019
- Nhận Chứng chỉ âm nhạc của Đại học Trinity College London: Grade 6

- Thành lập và quản lý nhiều dự án phim cá nhân: Hollywood Moviegoers/The Take (blog bình luận film), “We need more time” (được chiếu tại Đại sứ quán Mỹ, Hà Nội), Goodbye Mom (dự án phim tài liệu ngắn).

- Tham gia nhiều dự án nghệ thuật: đạo diễn, nhà sản xuất âm nhạc, diễn viên chính tại English Performance 2019: ‘Facade The Musical’; trợ giảng hỗ trợ học sinh làm phim cá nhân tại TPD Center for Young Filmmakers; giảng viên hướng dẫn học sinh hoàn thành dự án quay phim tham dự liên hoan phim quốc tế The International Panasonic Film Program tại Panasonic Kids Witness News; trưởng bộ phận logistics và nhạc cụ tại CLB âm nhạc Glee Ams.

Đằng sau những thành tích ấn tượng trong học tập và nghệ thuật của cậu học trò trường Ams lạc quan, vui vẻ và nhiều tài lẻ là một nội tâm sâu sắc.

Trần Dân Chí - tân sinh viên Đại học New York.
Trần Dân Chí - tân sinh viên Đại học New York.

Góp công không nhỏ cho thành công của buổi nhạc kịch “Facade The Musical” trong chương trình English Performance của 100 em học sinh THPT Chuyên Hanoi - Amsterdam, Dân Chí là đạo diễn, kiêm diễn viên chính và giám đốc âm nhạc cho toàn bộ vở nhạc kịch này. Em cũng tham gia hàng loạt dự án phim và âm nhạc trong và ngoài nước…

Nhưng khi lựa chọn câu chuyện cá nhân để kể trong bài luận ứng tuyển, em lại chọn kể phóng sự ngắn của mình ghi lại việc mẹ đã vượt qua nỗi đau sau khi bà ngoại mất thay vì những thành tích tiêu biểu.

PV có cuộc trò chuyện với Dân Chí về trải nghiệm ứng tuyển vào NYU của em để hiểu lý do chàng trai Việt có thể thuyết phục hội đồng tuyển sinh ngôi trường danh tiếng…

PV: Chào Dân Chí, tại sao em lại không tập trung vào thành tựu tiêu biểu nhất của mình để thể hiện bản thân trong bài luận?

Trần Dân Chí: Buổi nhạc kịch tại English Performance cũng như cái giải thưởng khác là thành tựu mà em cố gắng làm được. Nó thể hiện phần nào đó tài năng của em.

Nhưng viết luận về nội dung phóng sự ngắn này lại cho thấy màu sắc thật của con người em - người sẽ luôn đặt gia đình và người thân lên hàng đầu. Với em, gia đình là số 1.

Em bắt đầu làm phim tài liệu ngắn này xuất phát từ việc bản thân muốn hiểu về mối quan hệ của bà với mọi người trong gia đình. Càng làm em càng cảm thấy rõ rệt hơn ảnh hưởng của việc bà ra đi đối với mẹ em: bà là người mà mẹ tôn trọng và yêu thương nhất.

Em hiểu được tất cả những gì từ trước tới nay mà mẹ có là do mẹ nhận được sự ủng hộ vô điều kiện của bà.

Em mất bao lâu để hoàn thành dự án này?

Sau hơn 100 ngày quay, bộ phim phóng sự đã trở thành một thước phim vô cùng ý nghĩa với gia đình em. Việc làm phim tài liệu ngắn này đã giúp mẹ em vượt qua những tâm sự khó nói của mẹ sau khi bà mất.

Bên cạnh đó, bộ phim này sẽ mãi là bức tranh tinh thần ghi những kỉ niệm xúc động của mẹ về, người đã góp phần tạo ra được mẹ em như bây giờ.

Con người em là con người luôn đặt gia đình lên trước. Nếu có gì khúc trắc trong cuộc sống xảy ra, em sẽ luôn biết tìm cách để giúp mọi người trong gia đình đi những khúc trắc đó. Tất cả tài năng đều là công cụ để phục vụ cho em thực hiện mong muốn trên.

Đặt gia đình ở vị trí quan trọng nhất trong cuộc sống, Chí thể hiện điều này vào bài luận gửi NYU.

Em có bao giờ lo lắng về việc đại diện tuyển sinh của NYU sẽ có thể không ấn tượng với khía cạnh mộc mạc của bản thân em đã lựa chọn trong bài luận ứng tuyển?

Chọn một khía cạnh mộc mạc để thể hiện bản thân, lúc đầu em cũng lo rằng con người em có thể không trùng với tuýp người mà đại diện tuyển sinh NYU nhắm đến.

Nội dung chính của bài luận này là về mẹ em – người đã không chỉ đồng hành mà mẹ còn luôn đặt hạnh phúc của em lên hàng đầu. Ngay cả việc chấp nhận chi trả mức học phí cao mà nhà trường yêu cầu, mẹ vẫn tạo điều kiện để cho em theo học ngôi trường mơ ước của em.

Toàn bộ những gì mà mẹ đã làm trong cả quá trình đưa em tới bước ngoặt này khiến cho em muốn được viết về mẹ - người quan trọng nhất trong cuộc đời em. Em thể hiện cho đại diện tuyển sinh thấy rằng mẹ em là đại diện cho tất cả những gì em sẽ cố gắng làm được cho thế giới sau này.

Hơn nữa, viết luận ứng tuyển là viết để đại diện tuyển sinh hiểu về con người mình chứ không phải để cho họ thấy được con người mình đang giả vờ trở thành.

Tình yêu của em với thành phố New York và cụ thể hơn là ngôi trường New York University đến từ rất sớm? Em yêu vẻ đẹp nào của New York và vì sao?

Em yêu thành phố New York vì cái nhịp điệu đặc thù của thành phố: mọi thứ đều diễn ra rất nhanh và hiệu quả. Bản thân em xử lý tốt cuộc sống nhanh và xô bồ nên em yêu bản sắc này của thành phố.

Vở nhạc kịch Facade The Musical được diễn tại đêm nhạc English Performance cũng lấy bối cảnh từ New York. Em có thể tóm tắt cho người đọc hiểu thêm về nội dung của vở kịch mà em cùng các bạn học sinh ở Ams biên đạo?

Đây là câu chuyện xoay quanh góc khuất nhưng luôn chan chứa giấc mơ và hi vọng của thành phố New York trong những năm 1920 và câu chuyện được kể lại qua những bản nhạc Jazz do chính người dân New York hát lên.

Bối cảnh về New York tương tự như chủ đề của vở nhạc kịch từng được phác hoạ lại qua bộ phim The Great Gasby (Gatsby Vĩ Đại) hay bộ phim Sweeney Todd.

Niềm đam mê nghệ thuật và điện ảnh còn thể hiện qua những bài viết đánh giá phim trên mạng xã hội trong suốt 6 năm. Em có thể chia sẻ thêm cách tiếp cận của em về điện ảnh?

Em luôn trân trọng công sức của đoàn làm phim mỗi khi họ xây dựng được ra một sản phẩm gì đó. Việc khác giả đón nhận ra sao thì điều đó là sở thích chủ quan của mỗi người xem mà thôi.

Em chỉ viết về những điều hay mà bộ phim lột tả để chia sẻ với mọi người, động viên người xem đón nhận bộ phim cởi mở hơn để cảm nhận.

Như đạo diễn Bong Joon Ho từng ví ngôn ngữ là rào cản 1 inch; vượt qua rào cản đó là mở ra cả một thế giới phim thì rào cản ở đây là về sự cởi mở đón nhận và trân trọng những thông điệp mà đoàn làm phim muốn gửi gắm hoặc tạo ra trong bộ phim đấy.

Ngoài khía cạnh phân tích về nội dung và tiết tấu câu chuyện của bộ phim, em cũng muốn cho mọi người có một cái nhìn tổng thể về việc làm phim bên cạnh diễn xuất và chỉnh sửa trong phòng máy.

Sự thành công của một bộ phim còn tương quan đến sự dàn dựng về ánh sáng, thiết kế trang phục, xây dựng bối cảnh, phân bổ lịch quay, tổng duyệt.v.v.

Điều đó có phải một phần tác động em lựa chọn ngành Communication & Media (Truyền thông và Điện ảnh) tại NYU?

Em chọn học về mảng truyền thông nhằm trang bị cho bản thân cách sử dụng công cụ này để mở rộng tầm nhìn vĩ mô hơn, góp phần làm nền tảng cho sau này bản thân khi bắt tay vào làm phim chuyên nghiệp. Còn về mảng điện ảnh thi em muốn hiểu hơn về vai trò của điện ảnh, truyền thông và giải trí.

Em có một ước mong sau này có thể làm ra được một sản phẩm nghệ thuật có ý nghĩa. Ngành học này có ý nghĩa rất riêng đối với em từ sau khi em nhận ra rằng nghệ thuật xuất phát từ tâm chứ không phải là những trào lưu.

Dân Chí là đạo diễn, nhà sản xuất âm nhạc, diễn viên chính tại dự án nghệ thuật English Performance 2019: "Facade The Musical" trường Ams.

Trải qua quá trình ứng tuyển vào NYU, em có thể chia sẻ một bài học mà em tâm đắc nhất?

Quá trình ứng tuyển đại học Mỹ là cơ hội để em nhìn lại bản thân mình một cách nghiêm túc và thực sự nghĩ về việc sau này mình sẽ làm gì.

Trong 7 năm đầu của cuộc đời, em biết là mình muốn làm phim nhưng không biết là sẽ làm cách nào? đi đâu? làm cái gì? Nhưng cho tới khi làm hồ sơ thì em nhận ra đam mê làm phim của mình cần phải sâu sắc và được nhìn nhận nghiêm túc hơn.

Quá trình viết luận là quá trình thực sự em phải nhìn nhận lại bản thân mình, tính cách của mình và nhìn về những gì mình có thể đem lại cho cộng đồng sau khi mình ra trường.

Lúc đó em mới hiểu được rằng những suy nghĩ của em về bản thân em từ trước tới nay chưa đủ sâu sắc, nó mới dừng lại ở bề mặt thôi.

Mình là ai? Đây là câu hỏi mà em cũng như rất nhiều bạn sợ phải làm. Quá trình ứng tuyển cho em cơ hội được đối diện với tất cả mọi thứ từ điểm yếu đến điểm mạnh của bản thân, về những tiêu chí thực tiễn khi chọn trường vừa phù hợp với tình hình thực tế của gia đình mà vừa sát với giấc mơ riêng của bản thân.

Vậy đâu là câu hỏi đầu tiên để em nhìn lại bản thân?

Em đã tự hỏi bản thân câu này: Nếu mà bỏ đi trường Ams, bỏ đi việc làm phim, bỏ đi tất cả những hình ảnh của em trên mạng xã hội, bỏ đi tất cả những gì mà em đã nói với bạn bè em – thì em là ai?

Bản thân em tự thấy em chỉ là đứa trẻ từ trước tới giờ chỉ muốn vào NYU nhưng chưa biết vào NYU để làm cái gì. Và khi em có câu trả lời đấy rồi thì em rất là sợ. Sợ khi nhận ra ước mơ của mình là vô hướng.

Nhưng khi em nhận ra được điều này thì tất cả những việc làm phim, những hình ảnh của em trên mạng xã hội, những điểm mạnh, điểm yếu hay sự thách thức đối với bản thân em dần kết nối lại như những mảnh ghép giúp em nhìn được bức tranh tổng thể và em hiểu mình được là ai và cũng lúc đó em hoàn thành được ý tưởng cho bài luận.

Và đó cũng là lúc em nhận ra mình cần làm gì để nỗ lực trong hành trình chạm tới giấc mơ phía trước.

Cảm ơn Chí, chúc em sớm hiện thực ước mơ của mình!

Theo Dân trí

;
;
.
.
.
.
.