Nỗi lo học phí

.

Ngày 2-6-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 954/2020/UBTVQH về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, từ ngày 1-7-2020, mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế thu nhập cá nhân sẽ được điều chỉnh từ 9 triệu đồng/ tháng lên 11 triệu đồng/tháng; điều chỉnh tăng từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc.

Theo lý giải của Bộ Tài chính, mức giảm trừ gia cảnh như trên sẽ giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế, trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với thời điểm năm 2013. (Năm 2013, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng). Thông tin này đối với hàng triệu người lao động ăn lương là một tin vui, nhất là trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19.

Thế nhưng, niềm vui chưa được bao lâu thì thông tin hàng loạt trường đại học thông báo mức học phí chuẩn bị cho năm học mới 2020-2021, chẳng khác “gáo nước lạnh” đối với gia đình những học trò nghèo trên cả nước. Đi đầu trong nhóm trường tăng học phí theo chiều “dựng đứng” này là Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. Ở niên học 2019-2020 trở về trước, Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh thu theo quy định trong nghị định của Chính phủ với tất cả các ngành là 13 triệu đồng/năm, thế nhưng năm học đến sẽ là con số rất “khủng” từ 30 - 70 triệu đồng/năm (tùy ngành).

Chưa hết, theo thông báo của các trường đại học, con số này chỉ áp dụng cho năm học 2020-2021, còn những năm sau dự kiến sẽ tăng thêm 10%... Cá biệt, như ngành Răng-hàm-mặt thuộc khoa Y của Trường Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có học phí lên 88 triệu/năm. Như vậy, chỉ tính riêng học phí 6 năm đại học đã lên 528 triệu đồng, cùng với rất nhiều chi phí khác như tiền ăn, tiền nhà trọ, tàu xe, sách vở... thì tính sơ sơ để cầm tấm bằng bác sĩ Răng-hàm-mặt phải hết cả tỷ đồng. Con số này với con em gia đình của hàng triệu công chức Nhà nước, nông dân, ngư dân, những người lao động phổ thông... thì quả thực quá khó.

Không ở mức chót vót như Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng nhiều trường khác cũng đã công bố mức học phí làm phụ huynh càng thêm lo lắng. Ví dụ như Đại học Tài chính Marketing có mức học phí từ 18,5 đến 55 triệu đồng/năm; Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cũng ở mức từ 18 triệu đến 49,5 triệu đồng/năm...

Trong khi đó, các trường đại học ở thành phố Đà Nẵng đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin chính thức về việc điều chỉnh mức học phí cho năm học 2020-2021 sắp đến, nhưng theo thông tin “hành lang” từ chính những trường này cũng đang dọn đường cho mức học phí cao hơn những năm trước. Để giải thích cho việc sau một năm học phí lại tăng cao, đặc biệt trong năm học 2020-2021, hầu hết chỉ gói gọn trong cụm từ “tự chủ tài chính”. Vì là tự chủ tài chính nên các trường phải cân đối đủ thu chi, vì là cân đối tài chính nên trường phải đầu tư nâng cao chất lượng nên cần nguồn kinh phí, giữ chân giảng viên giỏi, đầu tư trang thiết bị giảng dạy hiện đại...

Lý do các trường đưa ra thì nhiều và luôn rất hợp lý. Nhưng với phụ huynh khó khăn, điều họ lo lắng nhất là, với mức học phí cao ngất ngưỡng đó, có lẽ con họ đành phải gác lại giấc mơ làm bác sĩ, kỹ sư, luật sư... đã ấp ủ bao năm.

Trong đại dịch Covid-19, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới bị ảnh hưởng trầm trọng, khi gần như tất cả hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, khó khăn bủa vây tất cả từ người công chức ăn lương, đến người nông dân, lao động tự do. Chính vì vậy Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19, nhằm hỗ trợ, giúp người dân vượt qua khó khăn phục hồi kinh tế ổn định cuộc sống. Việc nhiều trường đại học trong cả nước đồng loạt tăng mức học phí trong năm học tới liệu có hợp lý trong bối cảnh hiện nay là vấn đề lớn đang cần được trả lời thỏa đáng. 

 THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.