Đại diện một số đại học uy tín cho biết, đã có phương án cụ thể, chi tiết để sẵn sàng tiếp nhận du học sinh về nước học tập trong đại dịch Covid-19.
Nội dung được chia sẻ tại toạ đàm trực tuyến “Sẵn sàng tiếp nhận du học sinh về nước học tập” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 23-7 với sự tham gia của các vị khách mời là bà Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), đại diện lãnh đạo các trường: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Ngoại thương.
Từ trái qua phải: PGS.TS Vũ Thị Hiền (Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội), PGS.TS Nguyễn Phong Điền (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) và GS.TS Nguyễn Tiến Thảo (ĐH Quốc gia Hà Nội) tham dự toạ đàm. |
Tình trạng lây lan và tỉ lệ tử vong của đại dịch Covid-19 tại nhiều nước tăng cao, cùng với đó một số nước tạm thời không tiếp nhận học sinh nước ngoài… đã khiến nhiều du học sinh Việt Nam mong muốn được trở về nước để học tập.
Thực hiện Thông báo kết luận số 238/TB-VPCP ngày 12-7-2020 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định hiện hành, để hỗ trợ các du học sinh và sinh viên quốc tế có nguyện vọng được học tiếp tại Việt Nam, ngày 15-7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đã ký công văn gửi các cơ sở giáo dục đại học về việc tiếp nhận các học sinh không tiếp tục học tập ở nước ngoài do dịch Covid-19.
Bộ GD&ĐT đề nghị các trường triển khai thực hiện một số công việc liên quan đến tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế. Bộ yêu cầu các trường xem xét, tiếp nhận các em có nhu cầu, có đủ điều kiện tiếp tục học tập vào các chương trình đào tạo quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh, các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.
Góp mặt tại chương trình, đại diện 3 trường đại học uy tín cả nước cho hay, đã sẵn sàng phương án tiếp nhận sinh viên về nước học tập.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Phó trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) chia sẻ: “Không chỉ dịch Covid năm nay, mà hàng năm có tỉ lệ tương đối lớn sinh viên quốc tế đến ĐHQGHN học trong các lĩnh vực khác nhau và ngược lại, sinh viên của trường cũng ra nước ngoài du học theo diện trao đổi. Do vậy, việc này cũng không quá bất ngờ hay khó khăn đối với nhà trường”.
Tuy nhiên, cùng Công văn 2582 của Bộ GD-ĐT, ĐHQGHN cũng đã có công văn 2092 chỉ đạo các trường đại học thành viên và các khoa trực thuộc xây dựng chương trình chi tiết hơn.
"Chúng tôi tiếp thu những yêu cầu do Bộ Giáo dục quy định, ngoài ra chúng tôi đề nghị các đại học thành viên, các khoa trực thuộc công bố từng chương trình đào tạo, từng loại hình đào tạo để cho sinh viên cả nước cũng như sinh viên quốc tế có thể theo dõi cập nhật.
Nhà trường cũng hướng dẫn thủ tục chi tiết, chỉ tiêu bao nhiêu, ngành nào đào tạo bằng ngôn ngữ gì, chương trình liên kết do ĐHQGHN cấp bằng hay đối tác liên kết cấp bằng; điều kiện về chứng chỉ đào tạo để các em có thể nộp hồ sơ… đã và đang thực hiện trong thời gian qua", ông nói.
PGS.TS Nguyễn Phương Điền – Đại diện Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, ngay sau khi có sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, nhà trường đã ở tư thế sẵn sàng tiếp nhận hỗ trợ du học sinh Việt Nam tại nước ngoài có nguyện vọng về nước học tập tại trường: "Chúng tôi có tổng số 12 chương trình dạy bằng tiếng Anh ở các ngành mũi nhọn (khoa học công nghệ) và 10 chương trình liên kết quốc tế với 4 ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức, Nhật…
Nhà trường lập tức triển khai kế hoạch chi tiết và hướng dẫn cụ thể cho các em về mặt thủ tục để các em có thể dễ dàng hiểu và thực hiện chuyển đổi chương trình ở trường.
Chúng tôi cũng cung cấp cho các lưu học sinh lựa chọn phong phú, cách thức học tại Bách Khoa Hà Nội như hình thức chuyển trường, hình thức thi tuyển đầu vào (theo các chứng chỉ đánh giá năng lực như SAT, ACT hay A-level) hoặc các em cũng có thể chỉ học ở trường Bách Khoa một thời gian hữu hạn như một học kỳ để nhận chứng chỉ hoàn thành môn học.
Trường có một số ngành mũi nhọn đã nằm trong top 350-500 của thế giới như toán học, cơ khí, cơ khí hàng không, điện – điện tử…".
PGS.TS Vũ Thị Hiền – Trưởng phòng Quản lý đào tạo ĐH Ngoại thương cho hay: Nhà trường có chương trình trao đổi sinh viên quốc tế, gửi các bạn sinh viên đi ra nước ngoài và đón sinh viên nước ngoài tới trường học được thực hiện thường xuyên hàng năm.
Mỗi năm, Đại học Ngoại thương tiếp đón khoảng 1.000 sinh viên quốc tế và gửi ra nước ngoài học (từ 1 học kỳ đến 1 năm) khoảng hơn 200 sinh viên…
Trên cơ sở kinh nghiệm sẵn có với hoạt động trao đổi quốc tế, với tinh thần chỉ đạo 2582 của Bộ GD-ĐT, nhà trường đã công bố rộng rãi cho sinh viên cả nước và du học sinh nước ngoài biết cơ hội học tập tại Đại học Ngoại thương và khắc phục hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid gây ra để các bạn có thể có chiến lược học tập cá nhân tốt nhất.
Nhà trường cung cấp cho các em hai cơ hội. Thứ nhất là cơ hội học tập ngắn hạn (1 kỳ cho đến 1 năm) tại ĐH Ngoại thương, các bạn tham gia 15 chương trình chính quy dạy bằng tiếng nước ngoài (Tiếng Anh, tiếng Nhật Bản, tiếng Pháp, tiếng Trung).
Ngoài ra, trường còn có 9 chương trình cử nhân và 5 chương trình thạc sĩ liên kết với nước ngoài. Như vậy, sau 1 kỳ, 1 năm các bạn có thể tích luỹ một lượng tín chỉ nhất định và thực hiện việc công nhận tín chỉ với các trường đại học mà bạn đang theo học tại nước ngoài để rút ngắn quá trình học tập và khi hết dịch bệnh, các bạn lại quay lại trường quốc tế để du học.
Thứ hai là cơ hội quyết định ở lại Việt Nam và theo đuổi lấy bằng hệ liên kết đào tạo tại Việt Nam. Khi bạn đã là sinh viên của một đại học nước ngoài thì bạn đủ điều kiện là sinh viên của chương trình liên kết nước ngoài tại Đại học Ngoại thương.
Nhà trường có hệ thống môn học trong toàn bộ các chương trình liên kết đào tạo được cung cấp. Các bạn tự xây dựng chiến lược học tập cá nhân mình để có thể đạt số lượng tín chỉ cao nhất trong thời gian học tập tại ĐH Ngoại thương. Sau đó, các bạn thực hiện quá trình công nhận tín chỉ môn học và tiếp tục lấy bằng ở nước ngoài nếu mong muốn.
Có thể nói, công tác chuẩn bị tiếp nhận du học sinh trở về Việt Nam cũng như các sinh viên quốc tế đang học tập và có nguyện vọng theo học các trường đại học Việt Nam diễn ra chu đáo, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Với câu hỏi về điều kiện tối thiểu để du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế đăng ký vào các trường đại học tại Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thu Thủy, quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) giải đáp: Dù du học sinh đã được tuyển đầu vào đại học ở nước ngoài, nhưng khi về Việt Nam học vẫn phải đáp ứng yêu cầu đầu vào không thấp hơn điều kiện trúng tuyển chương trình đào tạo tương ứng của trường xin chuyển đến.
Mặc khác, các trường đại học của Việt Nam cũng cần căn cứ vào chuẩn đầu ra, nội dung và yêu cầu của chương trình đào tạo tại trường và số tín chỉ, nội dung học tập, kết quả học tập mà người học đã tích lũy trong thời gian học ở cơ sở giáo dục nước ngoài để xem xét miễn giảm tín chỉ, học phần cho người học theo các quy định hiện hành.
GS.TS Nguyễn Thu Thủy, quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) chia sẻ về điều kiện các du học sinh đăng ký vào trường đại học Việt Nam. |
Theo đó, thủ tục khi cho du học sinh quay trở lại nước học tập đã ghi rất rõ trong thông tư 10/2014/TT-BGDĐT ban hành quy chế quản lý công dân Việt Nam học tập ở nước ngoài, tại điều 10, khoản 3. Du học sinh có thể căn cứ theo thông tư này để làm thủ tục.
PGS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho rằng, với các chương trình tiếp nhận du học sinh về nước học tập sẽ giúp cho nhiều bạn trẻ có thể đạt ước mơ lấy bằng đại học ở nước ngoài tưởng như bị dang dở vì Covid-19.
“Đây là cơ hội để các em học sinh nhìn nhận lại giáo dục Việt Nam. Tôi tin nhiều du học sinh từng muốn du học sẽ quyết định ở lại Việt Nam để học đại học. Bối cảnh này tạo ra những thách thức và cơ hội rất lớn cho các đại học trong nước”, ông chia sẻ.
Theo Dân Trí