Trước tình hình Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các trường đại học trực thuộc Đại học Đà Nẵng điều chỉnh kế hoạch dạy học trực tiếp sang hình thức dạy trực tuyến, bảo đảm vừa phòng, chống Covid-19, vừa hoàn thành chương trình đào tạo.
Từ đầu năm 2020 đến nay, sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố đã có 2 đợt học trực tuyến. Trong ảnh: Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng tổ chức dạy học trực tuyến. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Từ ngày 4-8, Trường Đại học Sư phạm có thông báo triển khai đào tạo trực tuyến học kỳ 1 năm học 2020-2021 cho sinh viên hệ chính quy. T.S Nguyễn Thị Ngọc Anh, Phó phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm cho biết, nhà trường triển khai đào tạo trực tuyến thông qua phần mềm Microsoft Teams (MST) với tất cả các lớp học, bao gồm các lớp học phần lý thuyết, đồ án môn học, khóa luận tốt nghiệp.
Hai tháng qua, sinh viên các ngành học đã đăng ký tín chỉ học kỳ 1 năm học 2020-2021. Bắt đầu từ ngày 10-8, khóa 2017, 2018 và 2019 bắt đầu học trực tuyến qua phầm mềm MST; khóa 2020 sẽ học từ ngày 5-10. Kết thúc mỗi buổi dạy học, giáo viên lưu trữ minh chứng để phục vụ cho việc thanh tra, quản lý đào tạo trực tuyến. Ngoài việc dạy trực tuyến cho sinh viên chính quy, Trường Đại học Sư phạm sẽ tổ chức dạy cho hệ đại học vừa học vừa làm.
Theo T.S Nguyễn Thị Ngọc Anh, việc triển khai dạy trực tuyến lần này có nhiều thuận lợi, do trong đợt dịch đầu tiên, nhà trường đã triển khai dạy và đạt kết quả khả quan. Bên cạnh đó, việc giảng dạy và tiếp cận kiến thức chỉ thay đổi từ hình thức trực tiếp sang gián tiếp, giảng viên và sinh viên vẫn linh động kết nối trực tuyến để chuyển tải tư liệu, bài giảng, hướng dẫn bài tập học phần như thường ngày lên lớp.
Cũng như Trường Đại học Sư phạm, trước diễn biến phức tạp của Covid-19, ngày 24-7, lãnh đạo Trường Đại học Bách khoa tổ chức cuộc họp để điều chỉnh kế hoạch học tập của học kỳ hè năm học 2019-2020, dù học kỳ này còn 2 tuần nữa là kết thúc. Cụ thể, trong học kỳ hè có khoảng 1.400 sinh viên đăng ký học và toàn bộ học phần lý thuyết và đồ án sẽ được chuyển sang học trực tuyến trên công cụ DUT_LMS (Hệ thống hỗ trợ giảng dạy trực tuyến Trường Đại học Bách khoa). Sinh viên và giảng viên sẽ tương tác với nhau trên các công cụ hỗ trợ là MS Team và Office 365. Trong 2 tuần qua, nhà trường vừa nỗ lực phòng, chống Covid-19, vừa triển khai dạy trực tuyến, bảo đảm kết thúc chương trình đúng kế hoạch.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa cho biết, để chuẩn bị cho học kỳ 1 năm học 2020 - 2021, chiều 10-8, lãnh đạo nhà trường đã có cuộc họp bàn về kế hoạch triển khai học trực tuyến tất cả các học phần lý thuyết, đồ án và các vấn đề liên quan. “Để bảo đảm tốt kế hoạch học tập theo phương châm “chất lượng, bền vững và lâu dài”, giữa tuần này, giảng viên có thể tiếp cận hệ thống, đưa bài giảng lên hệ thống DUT_LMS để tuần sau (ngày 17-8), sinh viên có thể học trực tuyến. Hy vọng dịch bệnh sẽ qua nhanh và sinh viên sẽ tập trung về trường để tiếp tục học tập theo phương thức truyền thống”, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải cho hay.
Trường Đại học Kinh tế cũng đang triển khai dạy học trực tuyến với khoảng 600 lượt sinh viên năm cuối tham gia nhằm bảo đảm tốt nghiệp đúng thời hạn. PGS.TS Đoàn Ngọc Phi Anh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế cho biết, đây là giải pháp hữu hiệu nhằm phòng, chống Covid-19, đồng thời bảo đảm kế hoạch giảng dạy của nhà trường. Thời gian đến, nếu tình hình dịch tiếp tục phức tạp, nhà trường sẽ nghiên cứu giảng dạy online cho sinh viên học kỳ I năm học 2020-2021. “Năm cuối đại học rất quan trọng nhưng dịch bệnh căng thẳng nên hình thức dạy học thay đổi. Nhà trường đã tổ chức dạy học trực tuyến nên cũng bảo đảm được tiến trình học tập. Đây là lần thứ 2 trong năm học, nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến cho sinh viên vì Covid-19”, Xuân Nhã, sinh viên khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế chia sẻ.
Tính đến nay, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố đều đang lên phương án để dạy học online kỳ 1, năm học 2020-2021 trước diễn biến phức tạp của Covid-19. Theo đánh giá của Đại học Đà Nẵng, việc giảng dạy online trong khi dịch diễn biến phức tạp là giải pháp tối ưu, vừa phòng chống dịch, vừa bảo đảm chương trình giảng dạy của từng trường.
NGỌC PHÚ