Chương trình điện thoại học đường?

.

Mấy ngày nay, dư luận xã hội có nhiều ý kiến trái chiều về Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó cho phép học sinh dùng điện thoại trong giờ học nhưng chỉ phục vụ học tập, với sự đồng ý của giáo viên.

Việc cho phép sử dụng điện thoại trong lớp học nên hay không nên, đến nay vẫn còn đang tranh luận để tìm ra giải pháp tốt nhất trước khi đưa chính sách đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, việc học sinh sử dụng điện thoại sẽ có hai mặt tốt và xấu.

Chính vì vậy, không chỉ phụ huynh lo lắng mà ngay cả giáo viên cũng tỏ ra lúng túng khi tiếp nhận thông tin này. Thực tế cho thấy, việc cấm học sinh dùng điện thoại sẽ rất khó bởi cái gì càng cấm thì các em lại càng muốn được khám phá. Không nhất thiết phải cấm dùng điện thoại nhưng vấn đề nhiều phụ huynh quan tâm, lo lắng là việc lạm dụng thiết bị công nghệ khiến học sinh mất tập trung, không chịu khó động não suy nghĩ, giết chết tư duy sáng tạo, giảm thị lực và hại sức khỏe, trong khi cái cần trang bị là kỹ năng sống, văn hóa đọc trau dồi ngôn ngữ và kiến thức thì không chú trọng...

Công nghệ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình giáo dục. Nên chăng với những thay đổi cởi mở này, ngành giáo dục có thể biên soạn tài liệu hướng dẫn học sinh các kỹ năng sử dụng điện thoại. Khi triển khai, các trường làm thế nào linh hoạt để cân bằng giữa lợi ích và rủi ro của công nghệ theo cách tốt nhất cho học sinh. Nhà trường cung cấp những cảnh báo về việc sử dụng điện thoại quá mức sẽ nguy hại như thế nào cả về thể chất lẫn tinh thần đối với giới trẻ. Các thầy cô có những nhắc nhở kịp thời để học sinh bảo đảm được việc học, tránh bị ảnh hưởng bởi điện thoại...

Việc cho hay không cho phép học sinh dùng điện thoại trong lớp là vấn đề gây tranh cãi ở nhiều nước, ngay cả ở những nước tiên tiến với nền giáo dục phát triển. Môi trường giáo dục lý tưởng nhất là làm sao để học sinh ý thức trong cách dùng điện thoại hợp lý mới là điều quan trọng. Chính vì vậy, trước khi đưa một chính sách đi vào đời sống, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục, phải cân nhắc thận trọng để làm sao phát huy được mặt tốt và hạn chế được mặt xấu, bởi xu thế giáo dục trong thời kỳ hiện đại không thể tránh khỏi.

Việc đưa một chính sách vào đời sống giáo dục liên quan đến hàng triệu học sinh một cách vội vàng khiến cho dư luận có quyền hoài nghi, chất vấn! Câu trả lời thỏa đáng và chính xác nhất xin dành cho tư lệnh ngành giáo dục.

PHẠM SÔNG THU

 

;
;
.
.
.
.
.