Sinh viên ngành sư phạm được hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt

Cần giải quyết bài toán đầu ra

.

Từ năm học 2021-2022, sinh viên học ngành sư phạm sẽ được Chính phủ hỗ trợ mỗi tháng 3,6 triệu đồng để nộp học phí và chi phí sinh hoạt trong suốt thời gian học tập (mỗi năm hỗ trợ không quá 10 tháng) theo Nghị định 116/NĐ-CP của Chính phủ. Đây là chính sách nhân văn, tuy nhiên liệu thu hút được người tài vào ngành sư phạm hay không vẫn chờ câu trả lời trong thời gian đến.

Theo nhiều ý kiến, việc hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí chưa đủ để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm.   TRONG ẢNH: Một tiết học của học sinh Trường THPT Phạm Phú Thứ, huyện Hòa Vang.Ảnh: NGỌC PHÚ
Theo nhiều ý kiến, việc hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí chưa đủ để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm. TRONG ẢNH: Một tiết học của học sinh Trường THPT Phạm Phú Thứ, huyện Hòa Vang. Ảnh: NGỌC PHÚ

Phụ huynh hướng con theo ngành sư phạm

Anh Ngọc Phước (trú quận Liên Chiểu) năm nay có con bước vào lớp 12 cho biết sẽ hướng con vào học ngành sư phạm sau khi nắm thông tin về Nghị định 116/NĐ-CP của Chính phủ. Anh Phước cho rằng, trước đây, sinh viên sư phạm đã được hỗ trợ học phí nay lại được hỗ trợ thêm phí sinh hoạt, thực sự là ưu đãi rất lớn, vì vậy, gia đình anh Phước sẽ hướng con theo ngành sư phạm để đỡ đần gánh nặng chi phí cho gia đình suốt 4 năm học. Anh Phước tin tưởng với chính sách này của Chính phủ, khi con mình ra trường hy vọng sẽ có việc làm ngay.

Trong khi đó, anh Phan Cương (trú quận Cẩm Lệ) có con gái năm nay mới bước vào lớp 10 nhưng khi đọc Nghị định 116/NĐ-CP của Chính phủ, cũng cho biết sẽ hướng con vào ngành sư phạm. Anh Cương tâm sự: “Lương mình thấp, đủ chi phí cuộc sống hằng ngày nên khó có thể gồng gánh cho con học đại học trong 4 năm với chi phí cao. Hơn nữa, bản tính con mình khá phù hợp với ngành sư phạm nên mình sẽ hướng con theo nghề giáo viên”.

Không chỉ anh Phước, anh Cương, theo ghi nhận, nhiều ý kiến cho rằng, với chính sách hỗ trợ mới của Chính phủ, trong năm đến, khả năng học sinh ở địa bàn nông thôn sẽ vào học ngành sư phạm nhiều để giảm gánh nặng cho gia đình.

Cần giải quyết việc làm sau tốt nghiệp

Thầy Phạm Tấn Ngọc Thụy, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám cho biết, ngành sư phạm cần nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi để có thể thu hút người giỏi, người tài bởi đây là ngành đặc thù. “Hầu hết các trường THPT tốp đầu đều có nhiều lớp chuyên. Nếu những em này đi vào ngành sư phạm sẽ cho ra một thế hệ giáo viên có năng lực, chuyên môn.

Nhưng trên thực tế, các em lại lựa chọn theo học ngành kinh tế, kỹ thuật bởi khi ra trường có mức lương cao. Vì vậy, việc Chính phủ đưa ra các ưu đãi nói trên vẫn chưa thuyết phục các em có năng lực thi vào sư phạm”, thầy Thụy chia sẻ.

Thầy Nguyễn Đình Hòa, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Trần Phú cho rằng, băn khoăn lớn nhất của học sinh khi chọn ngành sư phạm là đầu ra chứ không phải là học phí hay các chi phí sinh hoạt khi theo học. “Công việc giáo viên hiện nay khá vất vả, giáo viên dạy cấp học càng thấp thì càng vất vả hơn, lại chịu áp lực từ nhiều phía, trong khi đồng lương còn khiêm tốn. Nhiều thầy cô vừa giảng dạy vừa phải bươn chải bán hàng online ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công việc chuyên môn”, thầy Hòa nêu lên thực tế.

Theo thầy Nguyễn Đình Hòa, trong tình hình hiện nay, nếu Nhà nước không có chỉ đạo sâu sát sẽ tiềm ẩn nguy cơ lãng phí khoản tiền 3,6 triệu hỗ trợ hằng tháng cho sinh viên sư phạm; đồng thời đầu tư không đúng người tài cho ngành giáo dục. “Nhiều em nhận tiền, học lấy bằng, tuy nhiên không xin được việc trong ngành hoặc tự ý bỏ việc.

Do vậy, nên đầu tư vào cơ sở vật chất, chương trình dạy học, lương cho đội ngũ giáo viên. Khi nghề giáo đủ sức hấp dẫn về môi trường làm việc lẫn thu nhập thì sẽ có nhiều người giỏi thi vào. Lúc đó, họ sẵn sàng bỏ ra chi phí đầu tư học (học phí, sinh hoạt phí) dù có thể lớn hơn các ngành khác”, thầy Hòa nói.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Hoa, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố cho rằng, phải có cơ chế tuyển dụng sinh viên sư phạm tốt nghiệp vào giảng dạy, đồng thời phải đổi mới cách tuyển dụng, như vậy mới nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh. “Đầu vào chất lượng thấp do người học không thấy tương lai phía trước trong khi những ngành nghề khác cho thu nhập cao. Tuyển dụng như hiện nay sẽ khó có người giỏi đăng ký thi vào ngành sư phạm”, thầy Hoa nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu cũng cho rằng, quan trọng không phải là kinh phí hỗ trợ hằng tháng mà là đầu ra có việc làm mới là điều quan trọng. “Hiện nay, giữa nhu cầu tuyển dụng và sử dụng ngành sư phạm có độ vênh rất lớn; nhất là khi áp dụng thêm quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 về kéo dài tuổi nghỉ hưu.

Vì vậy, bài toán chọn người cho ngành giáo dục hiện nay cần có nhiều giải pháp đồng bộ từ khâu xét chọn, thi tuyển, đào tạo, bố trí việc làm và chế độ tiền lương...”, bà Trần Thị Thúy Hà chia sẻ.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.