Tập trung đổi mới căn bản, toàn diện ngành giáo dục

.

ĐNO - Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) với 63 điểm cầu tại 63 tỉnh/thành phố sáng 31-10.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan. Phó Bí thư Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh và Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Bích Thuận chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020, điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: THANH TÌNH
Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020, điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: THANH TÌNH

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương, ghi nhận những kết quả đạt được của ngành GD&ĐT trong năm học 2019-2020 dù ngành trải qua năm học đầy biến động, khó khăn. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; giáo dục không tách rời khỏi điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tập trung ưu tiên hơn nữa cho giáo dục, đầu tư nhiều hơn vào văn hóa và giáo dục.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhìn nhận, đổi mới giáo dục là một quá trình rất khó nên phải làm kiên định, làm từng bước, làm từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới; ngành GD&ĐT phải đi trước một bước, các trường dạy học không được nhồi nhét, học phải tương tác. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, giáo dục có phát triển thì đất nước mới có tương lai, toàn thể hệ thống chính trị - xã hội cần chung tay vào cuộc thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, năm học 2019 - 2020 là năm học đặc biệt, đầy khó khăn, thách thức đối với ngành giáo dục khi phải đối mặt và chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19. Bộ GD&ĐT đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch năm học 2 lần và thời điểm kết thúc năm học chậm gần 2 tháng so với những năm học trước. Cũng vì thế, thời gian tổ chức hội nghị toàn ngành muộn hơn so với các năm trước.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, dù vậy nhưng được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trực tiếp là Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố; sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, sự cố gắng, nỗ lực của các em học sinh, sinh viên, toàn ngành giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học 2019 - 2020 với nhiều kết quả tích cực.

Cần tập trung ưu tiên hơn nữa cho giáo dục. Trong ảnh: Học sinh Đà Nẵng trao đổi bài vở sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: THANH TÌNH
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cần tập trung ưu tiên hơn nữa cho giáo dục. Trong ảnh: Học sinh Đà Nẵng trao đổi bài vở sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: THANH TÌNH

Trong hơn 4 tháng giãn cách vì Covid-19, cả nước có gần 50% trường đại học tổ chức dạy học trực tuyến, tỷ lệ học sinh phổ thông được học qua internet đạt 79,7%. Đối với công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng các trường đã chủ động, linh hoạt thay đổi phương án tuyển sinh để phù hợp với tình hình Covid-19, thể hiện trách nhiệm xã hội và đặt quyền lợi của thí sinh lên trên. Đặc biệt, trong năm học qua, toàn ngành GD&ĐT đã nỗ lực đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng ngày càng thực chất…

Định hướng giai đoạn 2021-2025, Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ tập trung thực hiện việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục; rà soát chính sách và công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đẩy mạnh triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong GD&ĐT…

THANH TÌNH

;
;
.
.
.
.
.
Ielts process The IELTS Workshop