Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) thành lập tháng 7-1975, tiền thân là khoa Kinh tế thuộc Viện Đại học Đà Nẵng với 2 chuyên ngành đào tạo. Trải qua 45 năm hình thành và phát triển, ngôi trường đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ, nguồn nhân lực cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
PGS, TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng (trái) và PGS, TS. Nguyễn Mạnh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (phải) khen thưởng 2 tân thủ khoa kỳ thi tuyển sinh năm 2020. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Với truyền thống năng động, sáng tạo, cùng sự nỗ lực, tâm huyết, phấn đấu không biết mệt mỏi của nhiều thế hệ cán bộ, lãnh đạo quản lý, công chức, viên chức, học viên, sinh viên qua các thời kỳ, suốt chặng đường 45 năm qua, nhà trường tự hào đạt được một số thành quả đáng trân trọng. Trong đó, bộ máy và đội ngũ giảng viên, viên chức của nhà trường không ngừng được củng cố, kiện toàn và có những bước phát triển vượt trội cả về số lượng lẫn chất lượng, đáp ứng được yêu cầu giảng dạy theo xu hướng hội nhập khu vực và thế giới.
Đến nay, trường đã xây dựng được đội ngũ hơn 400 cán bộ, giảng viên, trong đó có 4 giáo sư và 20 phó giáo sư và 30% giảng viên có trình độ tiến sĩ. Phần lớn cán bộ, giảng viên được tu nghiệp tại các trường đại học uy tín trên thế giới. Chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao, quy mô đào tạo được mở rộng, thu hút người học.
Trong 45 năm qua, trường đào tạo gần 100.000 cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, trong đó có nhiều sinh viên, học viên đến từ nước bạn Lào. Bên cạnh đó, Trường Đại học Kinh tế tự hào là một trong những cái nôi phát triển, nuôi dưỡng ý tưởng của người trẻ đam mê khởi nghiệp tại miền Trung và Tây Nguyên.
Hoạt động nghiên cứu khoa học và học thuật trong đội ngũ giảng viên và sinh viên nhà trường có những bước phát triển đáng kể với nhiều đề tài mang tính ứng dụng cao, giải quyết các vấn đề thực tiễn của ngành, ngày càng phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tích đáng biểu dương. Giai đoạn 2015-2020, cán bộ, viên chức của trường đã đăng ký thực hiện 2 đề tài cấp Nhà nước, 4 đề tài Nafosted, 17 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, 10 đề tài liên kết địa phương, 45 đề tài cấp Đại học Đà Nẵng và 72 đề tài cấp trường.
Công tác hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học luôn được nhà trường đặc biệt quan tâm. Ngoài các đối tác quốc tế truyền thống như: Hiệp hội các Trường Đại học Pháp ngữ (AUF), Viện Nghiên cứu Quản lý Lille, Đại học Marne-la-Vallée, Học viện Công nghệ châu Á (Canada), Đại học California (Mỹ)..., trường đã tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế với nhiều trường đại học khác của Nhật, Úc, Anh, Mỹ, Hà Lan, Phần Lan, Thái Lan... thông qua các hội thảo khoa học, trao đổi giảng viên, sinh viên và nhiều hoạt động hợp tác phong phú khác. Chính nhờ nỗ lực đẩy mạnh hợp tác quốc tế như vậy, đến nay, Trường Đại học Kinh tế đã bắt đầu từng bước vươn ra tầm quốc tế.
Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật của các khu giảng đường đã được trang bị mới và hiện đại, 100% các phòng học đã được trang bị máy chiếu. Nhà trường đã đầu tư và nâng cấp phòng thực hành kế toán - kiểm toán, phòng thực hành pháp lý, các phòng tự học cho sinh viên và nhiều phòng tự quản thực hành máy tính trong các khu giảng đường.Hệ thống thư viện được mở rộng và tạo ra nhiều không gian thông thoáng, hiện đại giúp việc nghiên cứu và học tập của giảng viên và sinh viên ngày càng tốt hơn.
Một cột mốc đáng nhớ trong 45 năm trưởng thành của Trường Đại học Kinh tế là triển khai thực hiện thí điểm đề án tự chủ từ năm 2017. Sự phối hợp giữa Đảng ủy - Hội đồng Trường và Ban Giám hiệu đã tạo ra những chủ trương hết sức đúng đắn, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của nhà trường.
Đến nay, Trường Đại học Kinh tế là đơn vị đầu tiên và duy nhất trong số các trường thành viên thuộc các đại học quốc gia, đại học vùng thực hiện thí điểm tự chủ và đã đạt được những thành công quan trọng. Đề án tự chủ đại học chính là tiền đề để nhà trường triển khai đề án thí điểm đổi mới tổ chức và hoạt động theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Trên cơ sở đó, trường đã phân quyền mạnh mẽ cho các khoa về công tác quản lý quyền tự chủ và quản lý chất lượng đào tạo, từ đó phát huy được thế mạnh của từng bộ phận, thể hiện sự linh hoạt và đổi mới sáng tạo trong chủ trương chung của nhà trường.
Có được những thành quả trên, nhà trường luôn tri ân và trân trọng đóng góp của các thế hệ lãnh đạo, của tập thể cán bộ, viên chức, của các khoa sinh viên đối với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của trường. Các thế hệ tiếp nối sẽ tiếp tục gìn giữ, phát huy những thành tựu mà nhà trường đã đạt được, cùng nhau xây dựng Trường Đại học Kinh tế phát triển toàn diện.
THẢO NGUYÊN