Từ năm học 2022-2023, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (gọi tắt giáo dục phổ thông mới) của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ áp dụng cho lớp 10 THPT. Ngoài các môn bắt buộc, học sinh sẽ tự chọn 5 môn để học. Để tránh tình trạng “nhất bên trọng, nhất bên khinh”, học sinh cần có sự định hướng phù hợp của nhà trường và gia đình.
Việc học môn tự chọn sẽ tạo sự thích thú cho học sinh, nhưng cần có định hướng từ nhà trường. TRONG ẢNH: Một tiết học Ngoại ngữ tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, huyện Hòa Vang. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Tạo hứng thú cho học sinh
Theo Sở GD&ĐT thành phố, từ năm học 2022-2023, thay vì 13 môn như hiện nay, học sinh sẽ chỉ học 12 môn, gồm 7 môn bắt buộc và 5 môn tự chọn. 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. 5 môn học được chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm có ít nhất 1 môn), đó là nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật); nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Thầy Nguyễn Đình Hòa (Giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú, quận Hải Châu) cho rằng, việc lựa chọn môn học sẽ giúp học sinh cảm thấy thích thú hơn khi học môn học mà mình thích; giúp học sinh thêm năng nổ, thêm cơ hội chạm đến ước mơ của mình. Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Trâm (Giáo viên Sinh học, Trường THPT Phạm Phú Thứ, huyện Hòa Vang) cho rằng, chương trình học sẽ tạo điều kiện cho việc ôn thi đại học của học sinh đúng chuyên ngành mình chọn. Đồng thời, giáo viên được dạy những em yêu thích bộ môn của mình; được sáng tạo, mở rộng nội dung dạy học theo chủ trương của Bộ GD&ĐT, tạo sự hào hứng, khí thế hơn trong mỗi tiết dạy.
Em Mai Phương (học sinh lớp 8, Trường THCS Trần Hưng Đạo, quận Hải Châu) cho biết, em là lứa học sinh đầu tiên học Chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD&ĐT. Việc được lựa chọn môn học tạo cảm hứng khi học môn em yêu thích. Tuy nhiên, trong quá trình lựa chọn, em phải tự chọn các môn phục vụ quá trình thi đại học, phù hợp với ngành nghề sẽ theo đuổi sau này. Còn chị Nguyễn Thị Hải Thùy (phụ huynh Trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu) cho rằng, việc học theo môn tự chọn sẽ tạo sự hứng khởi cho học sinh nhưng gia đình, nhà trường cần phải định hướng phù hợp. Không vì chọn các môn học nhẹ nhàng mà bỏ các môn học quan trọng, đặc biệt là các môn học nằm trong chương trình xét tuyển và thi đại học sau này của các em.
Cần định hướng từ nhà trường
Mặt trái của việc chọn môn học tự chọn mà theo nhiều giáo viên hiện nay đang lo lắng là sẽ tạo ra sự mất cân bằng giữa các môn học trong một trường, dẫn đến tình trạng “nhất bên trọng, nhất bên khinh”, tạo tâm lý cho giáo viên.
Cô Nguyễn Thị Trâm cho rằng, đối với học sinh có lực học các môn tự nhiên còn yếu sẽ có xu hướng chọn các môn dễ học, nhất là môn xã hội. Hiện nay đã có sự phân hóa như vậy nên giáo viên dạy môn xã hội rất áp lực. Trong khi đó, giáo viên dạy một số môn tự nhiên lại ít học sinh. Giáo viên sẽ cảm thấy môn học của mình bị “xem nhẹ”. Nguyên nhân có thể do môn học đó nhàm chán hoặc quá khó đối với học sinh; giáo viên khắt khe hoặc cho điểm khó khăn; môn học không phục vụ cho nhu cầu thi tốt nghiệp và đại học của học sinh. Một nhóm học sinh lực học yếu sẽ chọn theo xu hướng đám đông (môn học không yêu cầu cao, giáo viên dễ tính...).
Cô Trâm còn lo lắng việc tự chọn môn học sẽ tạo ra sự mất cân đối trong ý thức hệ và cả trong nhu cầu vị trí việc làm của xã hội trong tương lai. Ví dụ, nếu học sinh không chọn môn Sinh học, các ý thức hệ như bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nghiên cứu sinh học phân tử và công nghệ sinh học vào thực tiễn đời sống... sẽ bị bỏ ngỏ. Hệ thống giáo viên trong tương lai sẽ có sự thay đổi để phù hợp với nhu cầu của học sinh. Nhu cầu vị trí việc làm trong tương lai sẽ thay đổi theo hướng mất cân đối, một số giáo viên sẽ thất nghiệp.
Để không xảy ra hiện tượng coi nhẹ các môn học, thầy Nguyễn Đình Hòa cho rằng, cần có sự định hướng tốt từ nhà trường. Ngoài ra, các trường đại học có kế hoạch, phương án tuyển sinh cố định ít nhất là 3 đến 5 năm để học sinh yên tâm đầu tư các môn học ngay từ lớp 10, tránh việc lớp 10 chọn môn này (để thi đại học) đến 12 lại phải chọn môn khác. Bản thân giáo viên cần chắt lọc kiến thức để truyền đạt một cách hấp dẫn khoa học để thu hút học sinh.
Thầy Nguyễn Bá Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ cho rằng, trước khi triển khai chương trình, mong Bộ GD&ĐT cũng như Sở GD&ĐT có những chỉ đạo kịp thời. “Nhà trường sẽ định hướng để học sinh lựa chọn môn học một cách phù hợp. Tuy nhiên, các giáo viên phải tự thay đổi, tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực, truyền cảm hứng tốt để học sinh không “bỏ” môn học của mình”, thầy Hảo nói.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, đây là xu thế tất yếu trong giáo dục, nhất là khi Chương trình giáo dục phổ thông mới học theo hình thức thực hành, trải nghiệm. Tuy nhiên, việc chọn môn học cũng phải phụ thuộc vào cơ sở vật chất, con người của từng trường. Ông Linh đưa ra ví dụ, nếu cơ sở vật chất, con người chỉ đáp ứng được 60% môn học tự chọn, nhưng học sinh chọn đến 70-80% thì nhà trường phải điều chỉnh, định hướng. Gia đình cũng phải vào cuộc cùng với nhà trường.
NGỌC PHÚ