Đồng hành học sinh trước mùa thi

.

Năm nay, không chỉ áp lực thi cử mà tình hình dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh khi bước vào các kỳ thi quan trọng. Do đó, phụ huynh, nhà trường cần hỗ trợ, đồng hành cùng con em.

Trước ảnh hưởng của Covid-19, các học sinh cuối cấp đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng trong mọi tình huống cho mùa thi sắp tới. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Phan Thành Tài trong giờ kiểm tra. (Ảnh chụp trước thời điểm Covid-19 tái bùng phát)Ảnh: NGỌC HÀ
Trước ảnh hưởng của Covid-19, các học sinh cuối cấp đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng trong mọi tình huống cho mùa thi sắp tới. TRONG ẢNH: Học sinh Trường THPT Phan Thành Tài trong giờ kiểm tra. (Ảnh chụp trước thời điểm Covid-19 tái bùng phát). Ảnh: NGỌC HÀ

Quan tâm, động viên

Chị Phạm Bích Hạnh (SN 1980, trú đường Lê Văn Hiến, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) hiện có con chuẩn bị thi vào lớp 10 cho biết, theo kế hoạch, chưa đầy một tháng nữa là bước vào kỳ thi lớp 10. Đây là giai đoạn nước rút khá quan trọng nhưng do tình hình Covid diễn biến phức tạp, con chỉ học trực tuyến nên phụ huynh lẫn học sinh đều lo lắng.

“Không chỉ đặt mục tiêu vào trường có điểm đầu vào khá cao, con tôi còn quyết định thi vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nên cháu rất nỗ lực học tập. Ngoài học ở trường, tự học, cháu còn học tại các trung tâm, nhìn lịch học của con mà thương vô cùng. Gia đình không ép con phải đỗ trường này, trường kia nhưng con đã quyết tâm nên mình tôn trọng. Tình hình dịch bệnh phức tạp, không thể ôn luyện trực tiếp với thầy cô, cháu có vẻ lo lắng. Tôi không biết gì hơn ngoài động viên, nhắc nhở con ăn ngủ, học hành đúng giờ giấc để bảo đảm sức khỏe”, chị Hạnh chia sẻ.

Em Nguyễn Hồng Minh (học sinh Trường THPT Thái Phiên, quận Thanh Khê) kể, xác định thi vào Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng nên em có sự chuẩn bị những môn học cần thiết ngay từ khi học lớp 11. Giai đoạn nước rút này, dù Covid-19 có ảnh hưởng, làm xáo trộn việc học một chút nhưng thầy cô bộ môn đốc thúc, ôn tập kỹ lưỡng thông qua mạng xã hội, dạy trực tuyến… nên em cũng yên tâm phần nào.

Để đồng hành với học sinh, bên cạnh việc dạy học trực tuyến, gửi nội dung ôn tập, các thầy cô không ngừng động viên, chia sẻ. Trường THPT Nguyễn Hiền (quận Hải Châu) thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường hỗ trợ học sinh trong suốt mùa thi, từ tư vấn hướng nghiệp đến giải tỏa tâm lý, áp lực thi cử cho các em. Tổ tư vấn tâm lý của nhà trường, ngoài đại diện Ban giám hiệu, còn có sự tham gia của giáo viên chủ nhiệm, Bí thư Đoàn trường và giáo viên tư vấn tâm lý.

Cô Nguyễn Thị Minh Huệ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Tổ tư vấn tâm lý của trường tổ chức các hoạt động tư vấn mùa thi cho học sinh khối 12 theo đơn vị lớp, bảo đảm chất lượng tư vấn. Ngoài phổ biến quy chế thi, quy chế tuyển sinh đại học, giáo viên tâm lý còn giúp học sinh giải tỏa áp lực thi cử, cân bằng tâm lý mùa thi.

Sẵn sàng tâm thế chuẩn bị

Theo TS. Nguyễn Thị Hằng Phương, giảng viên Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, cho đến thời điểm này, chưa ai biết chắc sắp tới, cách thi cử diễn ra thế nào, trực tiếp, trực tuyến hay chỉ xét tuyển? Chắc hẳn học sinh lo lắng về con đường học tập của mình. Nhưng có vẻ việc lo lắng không đem lại nhiều ý nghĩa trong thời điểm này; thay vào đó, hãy luôn trong tâm thế, bình tĩnh sẵn sàng đón nhận dù thi lúc nào và thi bằng hình thức nào.

TS. Hằng Phương khuyên các sĩ tử hãy tận hưởng những ngày trước thi theo cách vui vẻ nhất có thể. Quan tâm sức khỏe là việc của bản thân, vậy phải vui vẻ để “ăn khỏe, ngủ ngon”. Trong bối cảnh Covid-19 phức tạp, mỗi cá nhân cần tuân thủ các yêu cầu của Nhà nước về phòng, chống dịch nhưng cũng cần giữ liên lạc với bạn bè, thầy cô, các mối quan hệ xung quanh để có cảm xúc tích cực.

Về kiến thức, đây là sự đặc biệt của từng học sinh, là “gia tài riêng” của mỗi người. Mỗi học sinh đã tích lũy kiến thức 9 năm, 12 năm. Cuộc thi là việc đưa các “tài sản” đó ra để đáp ứng với yêu cầu của bài thi. Vậy thí sinh không nên quá căng thẳng mà hãy thư giãn đầu óc. Tuy nhiên, học sinh hoàn toàn có thể sử dụng những ngày sắp thi để ôn tập lại, kiểm tra lại hệ thống kiến thức mình đã có, để rà soát hoặc khơi lại, bổ sung thêm một số kỹ năng làm bài.

“Nhiều bạn sử dụng những ngày trước khi thi hiệu quả vì các bạn cho rằng đây mới là lúc “hết sức tập trung”, não như có “nam châm” với kiến thức, nên các bạn chăm chỉ học tập hơn, làm nhiều bài tập, dạng đề để phục vụ việc thi. Tuy nhiên, cũng có bạn dành thời gian này để thư giãn, hồi tưởng lại kiến thức. Cách nào phù hợp với bản thân hơn hoàn toàn phụ thuộc vào đặc điểm tâm lý của mỗi người nên học sinh cần cân nhắc lựa chọn”, TS. Hằng Phương lưu ý.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích