Kiểm tra học kỳ tại nhà cần sự trung thực

.

ĐNO - Nhiều ý kiến trái chiều đã xuất hiện sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo (GĐ&ĐT) thành phố có văn bản hướng dẫn các trường tiểu học tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra đánh giá cuối học kỳ tại nhà. Tuy nhiên, đại diện Sở GD&ĐT cho rằng, đây là giải pháp tốt nhất hiện nay và kêu gọi sự phối hợp, chia sẻ của phụ huynh.

Trường Tiều học Lý Tự Trọng tổ chức cấp phát bài kiểm tra cho học sinh khá sớm, từ chiều 12-5. Ảnh: NGỌC HÀ.
Trường Tiều học Lý Tự Trọng (quận Hải Châu) tổ chức cấp phát bài kiểm tra cho học sinh khá sớm, từ chiều 12-5. Ảnh: NGỌC HÀ.

Chị M.T.N.N (phụ huynh học sinh lớp 2 của một trường tiểu học trên địa bàn quận Sơn Trà) cho rằng, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc học sinh không đến trường làm bài trực tiếp là điều bất khả kháng. Tuy nhiên, đối với bậc tiểu học, một bậc học không quá quan trọng về điểm số thì không cần thiết tổ chức kiểm tra đánh giá.

“Bài kiểm tra để xét lên lớp cho học sinh trong cùng một cấp học không cần phải quá cập rập như vậy. Nhà trường cùng với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn hoàn toàn có thể hoàn thành đánh giá học sinh theo đánh giá thường xuyên. Bởi qua cả một quá trình học, giáo viên biết rõ khả năng của từng học sinh. Trong khi làm đó, bài tại nhà, chúng ta không thể loại trừ khả năng phụ huynh can thiệp vào bài kiểm tra tại nhà của học sinh. Nếu như vậy, bài kiểm tra không còn khách quan, chỉ mang tính hình thức”, chị N. bày tỏ.

Ở quan điểm trái ngược, chị N.S.C (phụ huynh học sinh lớp 5 của một trường tiểu học trên địa bàn quận Hải Châu) lại cho rằng, văn bản hướng dẫn của sở là phù hợp với tình hình hiện nay.

“Tôi cho rằng cần kết thúc năm học chứ không thể kéo dài mãi được. Phương án kiểm tra tại nhà dù có bất cập nhưng phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là với bậc tiểu học, khi các em chưa sử dụng máy tính thành thạo để làm bài trực tuyến.

Bài kiểm tra cũng là cơ hội để học sinh hệ thống lại toàn bộ kiến thức, là cơ sở để đánh giá khả năng, sự tiếp thu của học sinh trong suốt quá trình học, đặc biệt là ở học kỳ 2. Qua đó, nhà trường, phụ huynh cùng dựa trên kết quả để có phương pháp kèm cặp, cải thiện cho con em tốt hơn vào năm sau. Quan trọng là phụ huynh phải gương mẫu, tập tính trung thực cho con mình trong khi làm bài, không can thiệp vào bài của con”, chị C. nêu quan điểm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng,  trong văn bản hướng dẫn, sở đã lưu ý rất kỹ các trường, giáo viên chủ nhiệm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, thông tin đầy đủ đến phụ huynh và học sinh về quy định đánh giá học sinh tiểu học.

Theo đó, đánh giá học sinh là cả quá trình, kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ; trong đó đánh giá thường xuyên là quan trọng, bài kiểm tra định kỳ chỉ là một điều kiện, không quyết định hoàn toàn việc đánh giá cuối năm đối với học sinh.

Trong khi kiểm tra tại nhà, học sinh phải tự giác, nghiêm túc tự làm bài, không có sự tham gia của cha mẹ, anh chị, người thân hoặc bạn bè. Nếu kết quả bài kiểm tra bất thường so với quá trình đánh giá thường xuyên thì giáo viên đề xuất với nhà trường cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh. Hiệu trưởng nhà trường và giáo viên chịu trách nhiệm về đánh giá kết quả giáo dục học sinh.

“Việc đánh giá ở bậc tiểu học đánh giá khác trung học, không nặng nề điểm số. Giáo viên chủ nhiệm theo sát các em suốt cả năm học nên đánh giá khá chính xác quá trình học tập của các em. Hơn nữa, chúng tôi yêu cầu các trường in những nội dung lưu ý và gắn vào trang đầu tập đề kiểm tra của học sinh để phụ huynh và học sinh hiểu rõ, nghiêm túc thực hiện.

Tôi nghĩ bên cạnh sự tuyên truyền mạnh mẽ của các trường, giáo viên, cần sự chia sẻ, phối hợp và cả sự trung thực của phụ huynh để đánh giá các con được chính xác, công bằng; làm cơ sở để giáo viên có biện pháp hướng dẫn, dạy dỗ các con phù hợp, đặc biệt là học sinh lớp 1 và lớp 5”, ông Trần Nguyễn Minh Thành nói.

Các trường tiểu học đã thông báo lịch kiểm tra

Theo ghi nhận, các trường tiểu học trên địa bàn thành phố đã thông báo đến phụ huynh lịch kiểm tra cho học sinh. Phụ huynh sẽ đến trường nhận bài kiểm tra. Nếu gia đình học sinh thuộc diện F0, F1, F2 và vùng cách ly y tế thì phụ huynh liên hệ trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm để giáo viên có hình thức khác gửi bài kiểm tra cho học sinh.

Với phần Tiếng Việt đọc tiếng, tùy theo từng trường sẽ có những hình thức kiểm tra khác nhau như giáo viên sẽ đánh giá kỹ năng đọc của học sinh trong quá trình dạy học ở lớp; phụ huynh quay clip gửi giáo viên; bỏ phần này mà cơ cấu bài kiểm tra Tiếng Việt với 3 phần: đọc hiểu, chính tả, tập làm văn... Với phần chính tả, phụ huynh sẽ đọc cho học sinh tự viết. Thời gian phụ huynh nhận bài kiểm tra bắt đầu từ 12-5 và nộp bài kiểm tra ngày 15-5 (tùy theo khối lớp).

NGỌC HÀ

 

;
;
.
.
.
.
.