Giáo dục
Sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học
Cô Hoàng Minh Thục Vân, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THCS Chu Văn An (quận Thanh Khê) có những đổi mới trong phương pháp dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Cô Vân được vinh dự là một trong 24 tấm gương nhà giáo tiêu biểu được thành phố tuyên dương nhân kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11).
Cô Hoàng Minh Thục Vân (giữa) cùng học sinh đội tuyển Văn cấp thành phố. (Ảnh chụp khi chưa có Covid-19) |
Ra trường từ năm 2001, cô Thục Vân về công tác tại Trường THCS Chu Văn An từ đó đến nay. Hai mươi năm trong nghề, cô tìm tòi các phương pháp dạy học thu hút học sinh đến với môn Ngữ văn, nhất là trong bối cảnh học sinh học trực tuyến thời gian dài.
Cô Vân chia sẻ, để tránh trường hợp học vẹt, học theo văn mẫu, cô chủ động đổi mới phương pháp dạy học, đồng thời sử dụng nhiều hình thức kiểm tra đánh giá để kích thích tinh thần học tập và đánh giá đúng năng lực của học sinh, từ đó giúp các em có định hướng trong việc chọn nguyện vọng vào trường THPT công lập.
Cụ thể, với phần đọc hiểu tiếng Việt, cô tìm các ngữ liệu bên ngoài để tích hợp kiến thức đã học và rèn kỹ năng đọc hiểu, sau đó kiểm tra bằng hình thức hỏi đáp trực tiếp hoặc gửi bài lên phần mềm trực tuyến để các em làm cá nhân, khuyến khích bằng điểm tốt. Với phần nghị luận xã hội, cô tìm các clip phóng sự để định hướng học sinh cách xây dựng một văn bản nghị luận xã hội. Kiểm tra phần này bằng việc cho các em làm các trang trình chiếu tư liệu hình ảnh tự thu thập, làm clip ngắn (như một phóng sự), viết các bài nghị luận xã hội làm tư liệu học tập cá nhân. Đối với nghị luận văn chương, cô chủ yếu luyện cách viết cho học sinh, mỗi bài cho học sinh làm nhóm phân tích một luận điểm bằng các phương pháp và kỹ thuật dạy học hợp tác, thực hành phân tích mẫu, đàm thoại gợi mở, vấn đáp gợi tìm, thu thập - xử lý - đánh giá thông tin, sơ đồ tư duy...
Ngoài ra, với vai trò Tổ trưởng Tổ bộ môn Ngữ văn, cô Thục Vân triển khai để các thành viên trong tổ thực hiện đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo từ các cấp của ngành giáo dục; xây dựng tập thể tổ chuyên môn đoàn kết và đồng đều. Do đó, chất lượng bộ môn Ngữ văn cuối năm toàn trường đạt tỷ lệ 96,32% trên trung bình; chất lượng bài thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT hằng năm của học sinh khối lớp 9 trong bộ môn Ngữ văn đạt tỷ lệ cao, xếp vào nhóm trường có chất lượng bài thi đạt điểm trên trung bình trong nhóm cao nhất của thành phố: 93,95% (năm 2020); 81,60% (năm 2021). Cô Vân cũng là giáo viên lập kế hoạch và triển khai tổ chuyên môn thực hiện cuộc thi “Viết thư quốc tế UPU”, có một học sinh đạt giải “Cây bút triển vọng” cấp quốc gia năm học 2019-2020.
Hằng năm, cô Vân tham gia công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của trường và đạt nhiều kết quả cao, mỗi năm học luôn đạt thành tích bồi dưỡng kép (đạt giải học sinh giỏi cấp thành phố và đỗ vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn). Đặc biệt, trong năm học 2020-2021, cô bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Ngữ văn đạt 6 giải, có 3 học sinh đỗ vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, trong đó có một học sinh là thủ khoa lớp chuyên Văn.
Cô Thục Vân còn có nhiều sáng kiến trong dạy học, được đánh giá cao như: nâng cao chất lượng tuyển sinh lớp 10 THPT công lập (2019-2020) được công nhận theo Quyết định số 1539/QĐ-UBND ngày 15-5-2020 của Chủ tịch UBND quận Thanh Khê; thu hút học sinh bằng cụm văn bản nhật dụng lớp 9 (2020-2021) được công nhận theo Quyết định số 1859/QĐ-UBND ngày 1-6-2021 của Chủ tịch UBND quận Thanh Khê.
“Nhiều học sinh không có hứng thú với môn Ngữ văn, vì vậy tôi trăn trở làm thế nào để truyền cảm hứng môn học này đến các em. Bằng tất cả nỗ lực của bản thân, tôi mong muốn không chỉ mang kiến thức đến cho các em mà còn thông qua Văn học giúp bồi đắp tâm hồn cho học sinh, làm giàu cảm xúc, giá trị nhân văn trong mỗi học sinh”, cô Vân chia sẻ.
NGỌC HÀ