Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, có 53/63 tỉnh, thành phố cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học bắt đầu học trực tiếp từ ngày 7-2 đến ngày 14-2.
Học sinh Trường Tiểu học Phượng Mao, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh thực hiện giãn cách phòng dịch Covid-19. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN |
Tối 7-2, theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến thời điểm này, 63-63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh khối mầm non và khối tiểu học đi học trực tiếp trong tháng Hai.
Trong số đó, có 53/63 tỉnh, thành phố cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học bắt đầu học trực tiếp từ ngày 7-2 đến ngày 14-2.
Ở khối trung học cơ sở, 63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh đi học trực tiếp trong tháng Hai, trong đó có 57-63 tỉnh, thành phố cho 100% số học sinh đi học trực tiếp từ ngày 8-2.
Ở khối trung học phổ thông, 63-63 tỉnh, thành phố đã cho học sinh đi học trực tiếp vào 7-2.
Với khối đại học, 100% các cơ sở giáo dục đại học đã có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp bắt đầu từ ngày 14-2.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 283-BGDĐT-GDTC gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình dịch tại địa phương (tính đến địa bàn cấp xã-phường) chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, sinh viên trước ngày 14-2.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, các ban, ngành liên quan hướng dẫn các cơ sở giáo dục về phương án, kịch bản phù hợp xử lý tình huống xảy ra dịch trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp tại trường học.
Các cơ sở giáo dục tổ chức tuyên truyền, tập huấn, diễn tập cho giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận cho trẻ em mầm non, học sinh đến trường, đảm bảo an toàn; chỉ đạo các địa phương (cấp huyện, cấp xã) hỗ trợ nhà trường, gia đình học sinh để có phương án dạy và học phù hợp đối với từng địa bàn, từng đối tượng cụ thể (học sinh bị bệnh nền, hoàn cảnh khó khăn, sống xa cha mẹ...).
Các cơ sở giáo dục tổ chức hoạt động tư vấn tâm lý, tăng cường hoạt động thể chất, giáo dục kỹ năng, củng cố, bù đắp kiến thức trước khi dạy kiến thức mới, phân nhóm học sinh để hỗ trợ hiệu quả trong những ngày đầu học sinh quay trở lại trường; tiếp tục tăng cường những yếu tố tích cực của dạy học trực tuyến để hỗ trợ dạy học trực tiếp; tiếp tục triển khai giảng dạy các nội dung chương trình cốt lõi theo hướng dẫn của Bộ, đồng thời sớm xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết thúc năm học phù hợp.
Theo TTXVN-Vietnam+