Ông nội tôi

.

Nếu không có tình thương yêu và nỗ lực phi thường của ông nội tôi, cuộc đời tôi đã khác rất nhiều... 

GS. Trần Văn Thọ phát biểu trong buổi gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với cộng đồng người Việt  tại Nhật Bản ngày 23-11-2021.
GS. Trần Văn Thọ phát biểu trong buổi gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với cộng đồng người Việt tại Nhật Bản ngày 23-11-2021.

Năm 1996, ở cuối Lời nói đầu của cuốn sách xuất bản tại Nhật, tôi viết như sau: “Ngẫu nhiên năm nay nhằm dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông nội tôi Trần Văn Hoanh. Tôi sinh ra tại một vùng nông thôn của miền Trung Việt Nam, nếu không có tình thương yêu và nỗ lực của ông nội thì con đường học vấn của tôi đã không suôn sẻ. Nhưng ông nội tôi mất sau khi tôi sang Nhật du học nên tôi không còn cơ hội để báo hiếu. Với lòng cảm tạ và nhớ về bao kỷ niệm, tôi xin thành kính dâng tặng cuốn sách này cho ông nội tôi”.

Như những cuốn sách khác, cuốn sách này cũng gửi tặng cho nhiều bạn bè và đồng nghiệp người Nhật. Trong thư cảm ơn được tặng sách, nhiều người nói là rất cảm động với Lời nói đầu và nói thêm là lâu lắm mới nghe lại chữ “báo hiếu”. Thật ra, trong khuôn khổ của lời nói đầu trong một cuốn sách thì chỉ viết đơn giản là “con đường học vấn của tôi không suôn sẻ”. Đúng ra là không có nỗ lực phi thường và bền bỉ của ông nội tôi, có lẽ học lực của tôi chưa hết bậc tiểu học.

Vào cuối thập niên 1950, ở làng tôi (thuộc quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, sau này quận đổi thành huyện, nay là thị xã) cũng như hầu hết nông thôn miền Trung chưa có trường tiểu học chính quy. Trẻ em như bọn tôi, con gái đa số thất học, con trai thì học “trường làng” là trường do một số người có học mở dạy vỡ lòng và các lớp thấp của bậc tiểu học, tương đương các lớp 1, 2 và 3 bây giờ. Đại đa số con trai học hết lớp 2 hoặc lớp 3 tiểu học thì nghỉ làm nông hoặc học nghề, chủ yếu là thợ mộc, thợ nề, thợ may.

Hồi nhỏ tôi học khá, ham đọc sách, tuy ở nông thôn Quảng Nam thời đó sách rất khan hiếm, chủ yếu chỉ có vài cuốn sách giáo khoa và truyện Tàu, hầu hết phải mượn mới có đọc. Cậu tôi làm việc ở ty công chánh tỉnh thường mang về các tạp chí in rất đẹp, nhiều bài viết kể chuyện đời sống các miền ở Việt Nam và các nước. Tôi rất thích, mỗi lần thăm nhà cậu, tôi xin cậu cho đọc hết.

Tôi cũng phải giúp cha mẹ trong việc đồng áng nhưng chậm chạp và không thạo việc. Ông nội tôi thấy tôi ham học, lại không tháo vát công việc tay chân, dáng người gầy yếu, vóc nhỏ so với tuổi nên thường nói: “Thằng này lớn lên không thể làm ruộng, cũng không thể làm nghề chân tay được đâu, chỉ có thể sống bằng chữ, bằng sách”. Tuy ông nội tôi nghĩ như thế, nhưng tình trạng khách quan về giáo dục ở nông thôn miền Trung thời đó hầu như không cho phép thực hiện như ý muốn. Nhưng không ngờ, ông nội tôi đã phấn đấu và đã làm thay đổi cuộc đời của tôi.

Thời đó, bậc tiểu học bắt đầu từ lớp Năm và chấm dứt khi xong lớp Nhất. Khi tôi học xong lớp Ba (năm 1958) ở trường làng, rất may xã Kỳ Ngọc (bây giờ là Điện Phước) nơi tôi ở bắt đầu mở trường tiểu học chính quy cho hai lớp cuối tiểu học, bắt đầu bằng lớp Nhì. Nhưng số người đã xong lớp Ba và muốn học tiếp lên lớp Nhì đông hơn lớp sắp mở, nên trường đã tổ chức thi nhập học. Lúc có kết quả không ngờ tôi bị trượt. Dĩ nhiên tôi buồn. Nhưng ông nội tôi còn buồn hơn.

Ông cuống quýt lên và dẫn tôi đi gặp người trách nhiệm thi nhập học, hình như là người sẽ làm hiệu trưởng trường tiểu học sắp khai giảng và nài nỉ xem xét lại hoặc vớt điểm để tôi được nhập học. Ông nội tôi còn đem các cuốn vở tôi học lớp Ba có bút phê của thầy cô giáo để chứng minh tôi vốn là học trò giỏi. Nhưng người phụ trách vẫn không thay đổi. Ông nội tôi kiên trì đến gặp ông ấy nhiều lần. Cuối cùng, ông ấy đem kết quả bài thi của tôi cho ông nội tôi xem, cho thấy tôi làm sai bài toán trong kỳ thi. Đúng là “sai con toán bán con trâu”!

Ông nội tôi đành bỏ cuộc ở đây. Thông thường những trẻ em như tôi lúc đó xem như chỉ học xong lớp Ba tiểu học và bắt đầu làm nông chuyên nghiệp hoặc đi học nghề thợ mộc, thợ nề, thợ rèn hay thợ may… Chú tôi làm nghề thợ may nên gia đình có nghĩ đến phương án cho tôi theo chú tập sự, vì nghề này có vẻ thích hợp với vóc người nhỏ yếu của tôi.

Nhưng bất ngờ, vài tuần sau đó, ông nội tôi bảo theo ông đi gặp hiệu trưởng trưởng tiểu học ở xã khác. Đó là Trường cộng đồng dẫn đạo Kỳ Lam, cách nhà tôi khoảng 3 km. Tôi còn nhớ buổi gặp ông hiệu trưởng. Ông  bảo phải nộp gấp hồ sơ còn kịp. Hồi đó lần đầu tiên nghe chữ “hồ sơ” tôi không hiểu, hỏi nhỏ ông nội tôi thì ông chỉ vào những giấy tờ trên bàn ông hiệu trưởng và giải thích. May là tôi được nhận vào học trường này.

Hồi đó đối với trẻ em trên dưới 10 tuổi mà hằng ngày phải đi học tới 3 cây số là rất xa. Nếu thi đậu ở trường xã chỉ đi khoảng 500 mét. Hằng ngày tôi đi bộ chân đất vừa đi vừa về 6 cây số và mang theo cơm trưa. Bây giờ tôi vẫn không biết là ông nội tôi đã tìm hiểu như thế nào để phát hiện ra trường tiểu học ấy. Ở xã tôi chỉ có tôi đi học xa như vậy. Những bạn thi rớt ở trường xã đều bỏ học sau đó. Như thế, tôi học hết bậc tiểu học vào năm 1960. Nhưng ông nội tôi chưa yên tâm vì sau đó làm thế nào để cho tôi học lên trung học? Rất may là Trường Trung học Nguyễn Duy Hiệu vừa mở hai năm trước đó ở Vĩnh Điện, quận lỵ của Điện Bàn, cách nhà tôi khoảng 5 cây số, có thể đi về hằng ngày được dù phải đi bộ.

Nhưng đây là trường bán công, học phí tuy không cao nhưng đối với gia đình nông dân tự cung tự túc, ít có thu nhập, thì tiền học phí mỗi tháng là vấn đề nan giải. Ông nội tôi rất lo! Ông nghe nói hằng tháng có xổ số kiến thiết quốc gia, ông quyết mua vé số để mong trúng có tiền cho tôi đi học. Cha mẹ tôi hoặc các cô chú thỉnh thoảng biếu tiền để ông uống rượu, nhưng ông dành dụm để mua vé số. Thời đó, muốn mua vé số phải lặn lội đi bộ 5 cây số xuống thị trấn Vĩnh Điện. Đến ngày xổ số lại đi bộ xuống Vĩnh Điện để dò. Từ lúc còn học tiểu học, tôi và ông nội hằng tháng đi bộ một vài lần xuống Vĩnh Điện để mua hoặc dò vé số. Cứ thế kéo dài nhiều năm nhưng rất tiếc là chưa bao giờ trúng số cả.

Xong tiểu học, ông nội tôi thuyết phục cha mẹ tôi cho tôi học tiếp và tôi vào học trung học ở Trường Nguyễn Duy Hiệu. Vấn đề học phí hằng tháng phải đóng chưa giải quyết, nhưng lúc đó xem như tới đâu hay tới đó và ông nội tôi tiếp tục mua vé số cầu may. Vé số không bao giờ trúng, nhưng có một điểm rất may, là để khuyến khích học sinh học tập, đồng thời giúp học sinh nghèo, Trường Nguyễn Duy Hiệu có chế độ mỗi tháng phát biểu thành tích học tập, học sinh ở trong top 5 được miễn học phí. Tôi cố gắng để hầu như tháng nào cũng lọt vào top 5 và cứ thế học hết 4 năm trung học cơ sở. Hồi đó, để tốt nghiệp trung học cơ sở phải thi đỗ trong kỳ thi toàn miền Nam. Tôi được đỗ hạng ưu, người mừng nhất là ông nội tôi.

Sau đó tôi được tuyển thẳng vào học Trường THPT Trần Quý Cáp ở Hội An. Đây là trường công không phải đóng học phí nhưng lại xa nhà, phải ở trọ. Lúc đầu, tôi ở nhờ nhà chú họ, sau đó đi dạy kèm ở các nhà khá giả và không phải lo tài chánh cho việc học. Lúc này, ông nội thấy tôi tiếp tục học và tự lập được nên không phải lo, không mua vé số nữa. Thời đó, học hết lớp Đệ Nhị (lớp 11 bây giờ) phải đỗ kỳ thi toàn quốc (toàn miền Nam) gọi là tú tài 1 mới có thể học lên lớp cuối và sau đó phải đổ tú tài 2 mới được xem là tốt nghiệp. Đối với nông thôn miền Trung thời đó, tú tài 1 và/hoặc 2 được xem là có trình độ khá cao trên đường học vấn. Ông nội tôi an tâm là tôi có thể “sống bằng chữ, bằng sách” rồi.

Ông nội tôi vốn làm nông và không biết chữ quốc ngữ nhưng ông lại giỏi chữ Nho. Trong nhà có cuốn Truyện Kiều, viết bằng chữ Hán Nôm, không biết có từ lúc nào. Đến ngày Tết, nhiều người đến nhờ ông bói Kiều. Thời đó, bói Kiều là một trong những sinh hoạt ngày Tết ở nhiều vùng nông thôn miền Trung. Người muốn được xem bói đến gặp nhà Nho và được cho giở một trang trong cuốn Truyện Kiều bằng chữ Nôm và chỉ vào một câu nào đó. Nhà Nho sẽ đọc lên và bình giải về vận may, về đường tình duyên…

Tuy ở trong nhà và năm nào cũng ngồi nghe ông nội bình giải với người đến bói Kiều, nhưng tôi không bao giờ xin ông bói Kiều trong dịp Tết. Chỉ có một lần, lúc học ở Trường Nguyễn Duy Hiệu, tôi băn khoăn không biết cuối tháng đó tôi có được nằm trong top 5 để được miễn học phí hay không. Tôi thưa với ông nội là muốn bói Kiều thử xem. Thành tích tháng trước xếp thứ 3 được miễn học phí rồi, tháng này không biết sẽ ra sao. Ông nội tôi lấy cuốn Truyện Kiều ra, bảo chỉ một câu trong một trang nào đó. Tôi chỉ đúng câu “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”. Ông bảo “chắc là giống như tháng trước, không phải lo”. Cuối tháng đó, thành tích học tập của tôi cũng đúng như thế. Tuy khó tin nhưng đúng là một ngẫu nhiên thú vị.

Mùa thu năm 1967, xong tú tài, tôi chưa biết tính sao thì người anh kết nghĩa ở Hội An đã vào Sài Gòn trước 2 năm bảo tôi cứ vào, có thể vừa đi dạy ở trường tư vừa học đại học. Tôi vào Sài Gòn, vừa dạy giờ ở một trường trung học cơ sở, vừa ghi danh học Văn khoa, định năm sau thi vào đại học sư phạm, trong tương lai mong thành giáo viên dạy văn ở một trường trung học. Một ngày trong tháng 10 năm ấy, đi trên đường tình cờ thấy có thông báo về kỳ thi tại Đại sứ quán Nhật Bản để Chính phủ nước này cấp học bổng du học, tôi có đủ tiêu chuẩn (về tuổi và về kết quả thi tú tài 2) nên nộp đơn thử. Cuối cùng được trúng tuyển trong kỳ thi ở Đại sứ quán Nhật và tháng 4-1968. Tôi sang Tokyo du học.

Ông nội tôi là người vui mừng nhất về sự kiện này. Đối với ông, việc tôi được đi du học với học bổng của Chính phủ Nhật là báo hiếu lớn nhất vì đã làm ông toại nguyện về con đường học vấn của tôi. Nhưng ông nội tôi mất chỉ một năm sau khi tôi sang Nhật, tôi buồn và thương tiếc vô cùng! Tôi không còn cơ hội được báo hiếu như đã thổ lộ trong Lời nói đầu cuốn sách xuất bản năm 1996. Tôi đã dùng tiền nhuận bút cuốn sách mở một học bổng lấy tên ông nội tôi để khuyến khích các cháu nội, ngoại của ông cố gắng học tập.

Nếu không có tình thương yêu và nỗ lực phi thường của ông nội tôi, cuộc đời tôi đã khác rất nhiều...  

“Ông nội tôi mất chỉ một năm sau khi tôi sang Nhật, tôi buồn và thương tiếc vô cùng! Tôi không còn cơ hội được báo hiếu như đã thổ lộ. Tôi đã dùng tiền nhuận bút cuốn sách mở một học bổng lấy tên ông nội tôi để khuyến khích các cháu nội, ngoại của ông cố gắng học tập”

GS. TRẦN VĂN THỌ

;
;
.
.
.
.
.