Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp ý tưởng và nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới. Do đó, việc định hướng cho sinh viên trong hoạt động khởi nghiệp đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp.
Cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học thành phố Đà Nẵng” là cơ hội để sinh viên tích lũy kiến thức đa ngành, vận dụng giải quyết những vấn đề thực tiễn. TRONG ẢNH: Ban tổ chức trao giải cho các sinh viên tham gia cuộc thi năm 2021. Ảnh: TUẤN ANH |
Thời gian qua, một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố đã có nhiều hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sinh viên như: thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp; tổ chức các cuộc thi, diễn đàn, tọa đàm dành cho giảng viên, sinh viên và doanh nghiệp về chủ đề khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Câu lạc bộ Khởi nghiệp Bách khoa hoạt động với mục đích tạo ra sân chơi chung cho các sinh viên, giảng viên có tinh thần khởi nghiệp. Tại đó, các thành viên được học hỏi, kết nối với các chuyên gia, doanh nhân, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng nghiên cứu khoa học, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng.
TS Nguyễn Quang Như Quỳnh, giảng viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trường Đại học Bách khoa cho biết, hiện trường đã thành lập các kênh mạng xã hội (Zalo, Facebook) để tiện trao đổi với sinh viên về những hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của nhà trường. Bên cạnh đó, trường cũng thường xuyên mời diễn giả, những người khởi nghiệp thành công trong các lĩnh vực công nghệ, tin học và tự động hóa để trao đổi với sinh viên, giúp sinh viên có kiến thức căn bản.
Em Nguyễn Đình Huy, sinh viên Khoa Xây dựng công trình thủy, Trường Đại học Bách khoa chia sẻ, sau khi tham gia và đạt giải thưởng tại các cuộc thi “Sinh viên khởi nghiệp công nghệ Đại học Đà Nẵng”, “Sinh viên nghiên cứu khoa học thành phố Đà Nẵng”, sản phẩm “Ứng dụng di động nông nghiệp sử dụng trí tuệ nhân tạo và viễn thám” của Huy đã được một số đơn vị liên hệ để hỗ trợ phát triển. “Sau gần ba năm học hỏi, cải tiến sản phẩm, ứng dụng của chúng em đã được công nhận. Thời gian tới, chúng em sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm, hoàn thiện theo kế hoạch và cho ra mắt thị trường”, Huy nói.
Từ năm 2017, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Thành Đoàn tổ chức cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học thành phố Đà Nẵng” nhằm nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ từ những ý tưởng mới, độc đáo. Đây cũng là cơ hội để sinh viên tích lũy kiến thức đa ngành, vận dụng giải quyết những vấn đề thực tiễn.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Vũ Thị Bích Hậu cho biết, năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn do Covid-19, ban tổ chức vẫn tổ chức cuộc thi dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến để duy trì ngọn lửa đam mê nghiên cứu và tinh thần đổi mới sáng tạo của sinh viên thành phố. Từ hơn 500 đề tài tham dự vòng thi cơ sở của các trường, đã tuyển chọn được 150 đề tài cho vòng thi cấp thành phố. Các đề tài này đều mang tính ứng dụng thực tế cao, thuộc các lĩnh vực như: công nghệ thông tin, điện, điện tử; cơ khí, năng lượng, môi trường; nông nghiệp, thực phẩm, y dược, hóa học, công nghệ sinh học; kinh tế, du lịch, văn hóa xã hội và giáo dục.
Theo bà Vũ Thị Bích Hậu, Sở Khoa học và Công nghệ đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Đại học Đà Nẵng về việc nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2022-2025 nhằm hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp và chuẩn bị đầy đủ các kỹ năng nghề nghiệp, tư duy khởi nghiệp cho sinh viên ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường.
Theo đó, từng bước chuyển đổi phương pháp giảng dạy từ “truyền thụ kiến thức” sang “phát triển kỹ năng”, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; kết hợp giữa “ba nhà”: nhà trường, Nhà nước và nhà doanh nghiệp nhằm bảo đảm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố và đất nước.
TUẤN ANH