Hướng đến truy vết sâu, khoanh vùng hẹp trong trường học

.

Đến thời điểm hiện tại, các trường THPT, THCS trên địa bàn thành phố đã mở cửa đón học sinh trở lại học trực tiếp. Công tác phòng, chống Covid-19 được thực hiện kỹ lưỡng, chu đáo; tuy nhiên, tình trạng F0, F1 vẫn khá nhiều, ảnh hưởng công tác dạy và học. Do đó, vấn đề khoanh vùng hẹp F1 để không ảnh hưởng việc tổ chức lớp học trực tiếp được các trường quan tâm.

Học sinh lớp 6 Trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà) học trực tiếp tại trường ngày 14-2. Học sinh F0, F1 học trực tuyến qua màn hình lắp đặt tại lớp. Ảnh: NGỌC HÀ
Học sinh lớp 6 Trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà) học trực tiếp tại trường ngày 14-2. Học sinh F0, F1 học trực tuyến qua màn hình lắp đặt tại lớp. Ảnh: NGỌC HÀ

Phòng, chống dịch trong tình hình mới

Theo ghi nhận, hầu hết các trường đều chú trọng công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho học sinh khi đến trường. Trong đó, nhà trường chú ý thiết lập sơ đồ vị trí chỗ ngồi của học sinh, tăng cường công tác giám sát hoạt động của lớp, yêu cầu học sinh hạn chế giao lưu với các bạn trong lớp; không qua lại với các lớp khác trong trường. Đồng thời, hướng dẫn học sinh thực hiện nghiêm “5K”, nếu có ăn uống trong trường phải ngồi cách xa nhau, khuyến khích học sinh tự mang theo bình nước cá nhân để uống, nếu uống nước tại trường phải giữ khoảng cách…

Khi xuất hiện F0 trong trường học, các trường hiện xử lý theo hướng dẫn sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống Covid-19 trong trường học tại Quyết định số 406/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Theo đó, thông báo kết quả dương tính cho trưởng ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19, tổ an toàn Covid-19 của cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh; cách ly tạm thời F0, chuyển lớp học sang hình thức trực tuyến.

Đồng thời, các trường cũng đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống dịch, giúp giáo viên, học sinh hiểu sâu, đúng khái niệm “bình thường mới”, cơ chế lây truyền của virus, tránh tình trạng kỳ thị F0...

“Vẫn có tình trạng kỳ thị F0 khi các em trở lại lớp học như: né tránh khi đi qua chỗ ngồi, không tiếp xúc… Do đó, nhà trường phát sổ tay phòng, chống Covid-19 trong trường học, nói chuyện với các em về chống dịch trong tình hình mới, học sinh vắng mặt chỉ ghi chung chung, không nói rõ trước lớp là F0 hay F1”, thầy Bùi Minh Quảng, Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Trà chia sẻ.

Linh hoạt và thích nghi

Hiện nay, thống kê tại các trường học cho thấy, số lượng học sinh học trực tuyến tại nhà vẫn khá cao do là F0, F1 và ở tại địa phương có vùng dịch mức độ 4. Sau một tuần mở cửa trường học, Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Khê) hiện có 85 học sinh F0, 156 F1, 12 giáo viên F0 (tổng 103 giáo viên); Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu) hiện có 10 học sinh F0, 7 giáo viên F0; Trường THCS Lý Thường Kiệt có 40 học sinh F0; Trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà) có 3 giáo viên thuộc diện F1, 65 học sinh F0, 228 học sinh F1; Trường THPT Sơn Trà mỗi ngày vắng gần 200 học sinh thuộc đối tượng F0, F1, vùng dịch mức độ 4, chiếm 15-20% học sinh toàn trường…

Với những học sinh không được đến trường, nhà trường bố trí giáo viên dạy trực tiếp trên lớp, kết hợp sử dụng phần mềm và quay camera phần viết bảng của giáo viên ở trên lớp để các học sinh không thể đến trường vẫn theo dõi và học như trực tiếp trên lớp.

Tuy nhiên, theo cô Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt, học trực tuyến theo hình thức này không hiệu quả như trước đây. Vì trước đây giáo viên dạy trực tuyến cho cả lớp còn bây giờ các em học trực tuyến qua camera truyền từ lớp học về, chắc chắn sự tương tác giữa giáo viên và học sinh không nhiều. “Hình thức học trực tuyến này chỉ là giải pháp tạm thời cho học sinh trường hợp F0, F1 nhưng học lâu dài sẽ không ổn”, cô Minh khẳng định.

Theo thầy Bùi Minh Quảng, việc dạy - học trực tiếp rất quan trọng, nhất là với học sinh lớp 12 khi thời điểm thi thử tốt nghiệp THPT khá cận kề. Trong khi các hoạt động kinh tế, giao tiếp xã hội gần như hoàn toàn bình thường thì cũng nên thích ứng linh hoạt trong việc truy vết sâu, khoanh vùng hẹp nếu phát hiện F0 trong trường học. Không nên cứ xuất hiện F0 là cho cả lớp chuyển sang học trực tuyến.

Đồng quan điểm, thầy Phạm Thanh Bửu, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Lương Bằng cho biết, công tác phòng, chống dịch của nhà trường nghiêm ngặt nhưng cũng linh hoạt thích ứng.

Đối với học sinh khối 7, 8, 9 đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19, khi phát hiện học sinh là F0, nhà trường rà soát những học sinh F1 tiếp xúc gần có nguy cơ cao bị lây nhiễm mới cho nghỉ học trực tiếp để học trực tuyến, còn lớp đó vẫn học bình thường. Đối với lớp 6, khi phát hiện F0, phải điều tra kỹ, nếu F0 không ảnh hưởng đến lớp thì lớp đó không nghỉ học trực tiếp. “Việc khoanh vùng hẹp F1, cách ly F0 để lớp vẫn học trực tiếp thay vì chuyển sang trực tuyến là giải pháp phù hợp trong giai đoạn hiện nay”, thầy Bửu nêu ý kiến.

Trao đổi về điều này, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Mai Tấn Linh cho biết, việc trường học thích nghi dần với Covid-19 trong trạng thái bình thường mới sẽ tịnh tiến từ từ theo từng mốc thời gian. Dựa vào chủ trương của Bộ GD&ĐT cũng như tình hình thực tế dịch bệnh trên địa bàn thành phố, sở sẽ có tham vấn ý kiến của Sở Y tế, báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố để xin ý kiến và triển khai công tác dạy - học phù hợp với tình hình mới; không chủ quan, lỏng lẻo nhưng cũng không gây hoang mang thái quá cho phụ huynh.

Trong Công điện số 136/CĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT gửi các trường ngày 8-2-2022, bộ cũng khẳng định: không chủ quan xem nhẹ việc phòng dịch nhưng không thực hiện căng thẳng quá mức cần thiết, ảnh hưởng tới học tập và sinh hoạt của học sinh; tuyệt đối không kỳ thị với các trường hợp F0.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.