Phát triển văn hóa đọc trong trường học

.

Phát triển văn hóa đọc học đường được các trường học chú trọng, nhờ đó nhiều học sinh tiếp cận với sách và hình thành thói quen đọc.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Thị Hội An trao giải Nhất cho em Đậu Hà Nhi tại cuộc thi “Đọc sách mỗi ngày”. Ảnh: NGỌC HÀ
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Thị Hội An trao giải Nhất cho em Đậu Hà Nhi tại cuộc thi “Đọc sách mỗi ngày”. Ảnh: NGỌC HÀ

Tăng cường đầu tư cho thư viện trường học

Nhiều năm qua, cùng với đầu tư phòng học, phòng chức năng, thư viện của các trường học cũng được quan tâm đáng kể. Năm học 2021-2022, Trường THCS Trưng Vương (quận Hải Châu) đưa vào sử dụng sau khi xây mới hơn 83 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Điều mà thầy trò nhà trường vui mừng hơn cả là cơ sở vật chất của thư viện theo đó cũng được trang bị đầy đủ, hiện đại.

Thầy Hồ Ngọc Hưng, Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương cho hay, những năm qua, nhà trường luôn chú trọng việc phân bổ nguồn ngân sách để mua sách, làm phong phú nguồn sách tại thư viện. Đồng thời, học sinh nhà trường cũng được cung cấp mã đăng nhập thư viện điện tử của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hải Châu nên có thể vào tìm thông tin từ thư viện trường mình hoặc thư viện trường bạn.

“Hiện nay cơ sở vật chất thư viện được đầu tư khang trang hơn, chúng tôi có kế hoạch giao cho một số giáo viên lựa chọn những nguồn sách, đầu sách hay bổ sung thêm cho thư viện trong thời gian tới”, thầy Hưng cho biết.

Tương tự, cô Nguyễn Dương Cẩm Sa, thủ thư Trường THCS Trần Quang Khải, huyện Hòa Vang chia sẻ, thư viện nhà trường hiện có hơn 17.000 đầu sách các loại phục vụ học sinh như sách tham khảo, sách giáo khoa, kỹ năng sống, truyện... Ngoài sách tham khảo phục vụ học tập, học sinh quan tâm nhiều đến sách về chủ đề kỹ năng sống, phát triển bản thân, sách văn học, lịch sử...

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đến nay, bậc tiểu học có 94/99 thư viện đạt chuẩn quy định của Bộ GD&ĐT, tỷ lệ 94,95%; bậc THCS có 56/60 thư viện đạt chuẩn, tỷ lệ 93,33%. Nhờ được quan tâm đầu tư cho thư viện nên học sinh dần có thói quen đến đọc sách.

Điển hình như em Đậu Hà Nhi (học sinh lớp 7/7, Trường THCS Trần Quang Khải, huyện Hòa Vang), luôn đến thư viện nhà trường trong giờ ra chơi để tìm sách đọc. Dần dần, thư viện trở thành nơi lui tới thường xuyên của Hà Nhi mỗi khi rảnh rỗi. Quen đến nỗi, không đọc sách, em phụ cô thủ thư sắp xếp sách trên kệ...

Mới đây, Hà Nhi tham gia cuộc thi “Đọc sách mỗi ngày” do Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng tổ chức và đoạt giải Nhất với cảm nhận về tác phẩm “Mẹ điên” của tác giả Vương Hằng Tích (Trung Quốc) do Trang Hạ dịch. Ban giám khảo cuộc thi khá bất ngờ khi Hà Nhi tìm đọc tác phẩm này khi còn là học sinh lớp 5.

“Việc thích đọc sách của em xuất phát từ thói quen đọc sách từ thư viện nhà trường. Biết được em thích đọc sách, các cô động viên đi thi. Cuộc thi “Đọc sách mỗi ngày” là lần đầu tiên em tham gia. Em mong có nhiều sân chơi bổ ích cũng như thư viện nhà trường được đầu tư thêm nhiều đầu sách thú vị, bổ ích để truyền cảm hứng đọc sách cho chúng em”, Hà Nhi chia sẻ.

Đổi mới, sáng tạo trong phát triển văn hóa đọc

Theo cô Lê Thị Trang, giáo viên dạy văn Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Ngũ Hành Sơn), bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, nhà trường chú trọng lan tỏa phong trào đọc sách trong học sinh. Mỗi tuần, mỗi tháng, tùy theo chủ đề, chủ điểm, giáo viên phát động việc đọc sách trong học sinh; các em đọc và giới thiệu quyển sách đó.

Không chỉ học sinh, giáo viên cũng được phát động đọc sách và sau đó chia sẻ nội dung quyển sách lên trang fanpage do nhà trường thành lập. “Nhờ đó, ở cuộc thi “Đọc sách mỗi ngày”, nhà trường có số lượng bài của học sinh dự thi nhiều nhất. Tôi cho rằng cần khuyến khích học sinh đọc sách bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có sự noi gương của giáo viên, phụ huynh”, cô Trang nói.

Mới đây, Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) hình thành “Thư viện hạnh phúc” ngay trong khuôn viên nhà trường. Với những vật liệu như lốp xe, thùng sơn, tấm thiếc, sắt, nhựa, cao su, gỗ… nhà trường tái chế, thiết kế các tủ truyện, kệ truyện, bàn ghế ngồi, lọ hoa; xung quanh trồng cây, cỏ; vẽ tranh dân gian trên tường... Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Chúng tôi chọn tên “Thư viện hạnh phúc” với mong muốn, từng ngày một, thầy trò được đón nhận sự an nhiên, hạnh phúc tại thư viện. Để từ đó, chồi cây mang tên niềm mê sách lớn dần”.

Bên cạnh trường học, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng cũng chung tay phát triển văn hóa đọc trong học sinh. Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng Lê Thị Bích Phượng cho biết, đối với học sinh, đơn vị duy trì tổ chức cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, hội thi kể chuyện theo sách, cuộc thi “Đọc sách mỗi ngày”...

“Thành phố phê duyệt đề án phát triển hệ thống thư viện công cộng thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở để chúng tôi phát triển mạng lưới thư viện công cộng rộng khắp, linh hoạt, phù hợp các địa bàn dân cư, xây dựng thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc sâu rộng trong cộng đồng, nhất là học sinh, sinh viên”, bà Phượng nói.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.