Việc dạy, học của giáo viên và học sinh đang gặp khó khăn do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Để bảo đảm công tác giảng dạy, giáo viên nỗ lực gấp nhiều lần so với bình thường.
Học sinh học trực tiếp tại Trường THCS Trưng Vương. (Ảnh chụp ngày 14-2-2022). Ảnh: NGỌC HÀ |
Đến thời điểm hiện tại, các trường học trên địa bàn thành phố liên tục chuyển đổi hình thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến và ngược lại, gây áp lực cho giáo viên nhưng các thầy cô vẫn nỗ lực bám lớp, bảo đảm tiến độ chương trình năm học.
Gần một tháng nay, cô H.T.T.T, giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Liên Chiểu) ngày hai buổi đến trường dạy trực tiếp hai lớp 3/6 và 3/9. Mỗi buổi học, việc trước tiên của cô T. là rà soát danh sách, nắm bắt tình hình học sinh thuộc diện F0, F1 ở nhà học trực tuyến. Trên cơ sở đó, theo dõi, vận động phụ huynh cho con ra lớp khi hết thời gian cách ly và sức khỏe ổn định. Khi các em trở lại lớp, cô T. dành thời gian củng cố kiến thức…
Không riêng cô T., thời gian qua, nhiều giáo viên là F0, F1 cũng nỗ lực bám lớp thông qua dạy trực tuyến. Cô T.T.D.A, giáo viên Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Khê) có chồng và con là F0, trong giai đoạn cách ly, ngoài việc chăm lo cho gia đình, cô A. vừa đảm nhận bộ môn phụ trách vừa dạy thay cho đồng nghiệp là F0.
Theo cô Lê Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lai (quận Ngũ Hành Sơn), xác định dạy, học trong điều kiện bình thường mới, các trường bằng mọi cách thích nghi linh hoạt để tất cả học sinh đều có thể tham gia học tập. Hiện nay, hầu như giáo viên phải tăng ca, vừa dạy trực tiếp ở trường, vừa đảm nhận lớp trực tuyến ở nhà.
“Khác với cấp THCS, học sinh tiểu học rất khó tiếp thu khi dạy trực tuyến thông qua màn hình được lắp tại lớp học trực tiếp. Do đó, ngoài những lớp có số lượng F0, F1 nhiều chuyển hoàn toàn sang dạy trực tuyến, nhà trường cố gắng duy trì các lớp học trực tiếp. Bên cạnh đó, nhà trường hình thành mỗi khối lớp có 1-2 lớp học trực tuyến dành cho đối tượng F0, F1 rải rác ở các lớp. Điều này tăng thêm phần việc cho giáo viên nhưng giúp bảo đảm kiến thức học sinh trong bối cảnh hiện nay”, cô Yến cho hay.
Trong khi đó, Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh (quận Sơn Trà) linh động trong dạy, học kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp như bố trí phòng học trực tuyến tại trường bảo đảm học sinh học tại lớp và trực tuyến tại nhà. Ngoài ra, mỗi khối lớp thành lập một lớp học online cho học sinh F0, F1 vào các buổi chiều trong tuần. Riêng đối với môn Tin học và môn Tiếng Anh, học sinh F0, F1 được học bổ trợ kiến thức vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật.
“Nhờ sử dụng linh hoạt các hình thức nên dù tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng việc dạy học vẫn bảo đảm tiến độ, học sinh nắm được kiến thức để chuẩn bị cho kỳ kiểm tra cuối năm sắp tới đạt chất lượng. Điều đáng quý là nhiều giáo viên của trường tuy F0, F1 nhưng vẫn kiên trì với lớp dạy trực tuyến”, thầy Tạ Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh thông tin.
Tương tự, cô Nguyễn Trần Lê Hồng Trinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Liên Chiểu) chia sẻ, việc liên tục thay đổi hình thức dạy học gây khó khăn cho giáo viên trong truyền đạt kiến thức, khó nắm chất lượng học sinh. Đồng thời, giáo viên phải soạn giảng giáo án hai hình thức vừa trực tiếp, vừa trực tuyến, dạy tăng tiết ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng giờ dạy.
“Lúc này, sự chia sẻ của giáo viên với nhà trường là rất lớn. Ngược lại, ban giám hiệu cũng thường xuyên động viên các trường hợp giáo viên F0, F1. Nếu lớp học có giáo viên F0, F1 chuyển sang học trực tuyến, trong điều kiện giáo viên sức khỏe không bảo đảm đứng lớp có thể cho lớp nghỉ và dạy bù vào thời điểm thích hợp”, cô Trinh cho hay.
Thầy Nguyễn Thanh Ký, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Liên Chiểu) cho biết, chưa khi nào việc dạy và học khó khăn như hiện nay. Nhà trường luôn để mắt đến học sinh trong suốt thời gian các em ở trường với phương châm cố gắng tạo môi trường an toàn để học sinh học trực tiếp. Song dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh lớp nào cũng vắng, rồi giáo viên rơi vào trường hợp F0, F1. Để bảo đảm nền nếp, an toàn trong điều kiện phòng dịch, khi giáo viên F0, F1 dạy trực tuyến tại nhà, kết nối với lớp học trực tiếp, nhà trường vẫn bố trí giáo viên quản lý lớp trong các tiết học nên việc sắp xếp giáo viên dạy thay, quản lý lớp ngày càng gặp khó khăn. Khẳng định việc học sinh trở lại trường học là yêu cầu cấp thiết, cần triển khai, nhưng thầy Ký cho rằng, để làm tốt điều này cần giải pháp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong khi nhà trường nỗ lực giữ cho học sinh an toàn, giáo viên tích cực bám lớp, phụ huynh cần tăng cường hướng dẫn và rèn luyện con kỹ năng phòng, chống dịch, tuân thủ 5K, cho con tham gia đầy đủ buổi học trực tiếp để việc học đạt chất lượng.
NGỌC HÀ