Chuẩn bị nguồn lực cho chương trình giáo dục phổ thông mới

.

2022-2023 là năm học đầu tiên các khối lớp 3, 7 và 10 sử dụng sách giáo khoa (SGK) theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì vậy, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) thành phố lựa chọn SGK khá cẩn trọng, phù hợp với học trò và điều kiện dạy học của địa phương.

Giáo viên Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) tập huấn sử dụng sách giáo khoa. Ảnh: NGỌC HÀ
Giáo viên Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) tập huấn sử dụng sách giáo khoa. Ảnh: NGỌC HÀ

Chọn sách giáo khoa chặt chẽ, đúng quy trình

Năm 2022, Bộ GD&ĐT phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 3 gồm 43 sách giáo khoa của 11 môn học và hoạt động giáo dục; lớp 7 gồm 40 sách giáo khoa của 12 môn học và hoạt động giáo dục; lớp 10 gồm 44 sách giáo khoa của 14 môn học và hoạt động giáo dục. Ngay sau khi bộ công bố danh mục sách, ngành giáo dục thành phố khởi động quy trình tuyển chọn SGK theo quy định Thông tư 25 ngày 26-8-2020 của Bộ GD&ĐT, phổ biến đến các phòng GD&ĐT và đơn vị trường THPT trên địa bàn thành phố.

Theo thầy Phan Trần Duy Lam, Hiệu phó Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu), trên cơ sở tiêu chí lựa chọn SGK do UBND thành phố ban hành, nhà trường thành lập ban chọn sách nhà trường, chỉ đạo các tổ bộ môn nghiên cứu bản PDF trên trang điện tử và bản mềm các bộ SGK đã được phê duyệt. Sau đó tiến hành thảo luận, bỏ phiếu kín lựa chọn ít nhất một bộ SGK cho mỗi môn học, trên cơ sở các bộ SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Tương tự, cô Lê Thị Bắc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (quận Thanh Khê) cho hay, việc lựa chọn SGK đối với chương trình lớp 3 của nhà trường cơ bản vẫn theo các đầu sách thuộc nhà xuất bản đã được chọn với SGK lớp 1 và lớp 2 thuộc chương trình giáo dục phổ thông 2018 hai năm trước.

“Việc lựa chọn SGK lớp 3 chặt chẽ, bảo đảm nội dung, chất lượng và dựa trên tiêu chí lựa chọn SGK của thành phố với cơ sở giáo dục tiểu học là phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội của thành phố và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại các cơ sở giáo dục tiểu học”, cô Bắc nói.

Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, sau khi cơ sở giáo dục tổ chức họp với thành phần theo quy định xem xét, lựa chọn trên cơ sở danh mục do tổ chuyên môn đề xuất và lập danh mục SGK gửi về phòng GD&ĐT để báo cáo sở (đối với lớp 3, lớp 7), trường THPT gửi về sở (lớp 10). Trên cơ sở đề xuất của các phòng GD&ĐT và trường THPT, Sở GD&ĐT tổng hợp kết quả lựa chọn, xếp theo thứ tự SGK được lựa chọn từ cao xuống thấp chuyển cho hội đồng chọn sách do UBND thành phố thành lập.

“Hiện hội đồng chọn SGK thành phố đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND thành phố để ban hành bộ SGK cho thành phố”, ông Linh thông tin.

Tăng cường năng lực cho giáo viên

Theo ông Mai Tấn Linh, để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông 2018, Sở GD&ĐT chủ động xây dựng kế hoạch, bồi dưỡng giáo viên; trong đó, những giáo viên dạy ở khối lớp đang theo lộ trình được tập huấn chuyên sâu hơn. Dự kiến, sau khi UBND thành phố phê duyệt danh mục SGK, Sở GD&ĐT xây dựng và triển khai kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên sử dụng SGK đã được lựa chọn để tổ chức dạy và học cho lớp 3, lớp 7, lớp 10 trong năm học 2022-2023 trên địa bàn thành phố.

Với tập huấn sử dụng SGK của chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên mong muốn đại diện các nhà xuất bản không chỉ dừng lại ở giới thiệu cấu trúc của sách. Theo cô Trần Thị Thúy Kiều, giáo viên môn Toán Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu), trong tập huấn sử dụng SGK sắp tới, đại diện nhà xuất bản cần chỉ ra những điểm mới so với SGK của chương trình hiện hành.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên lớp 2 Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) cũng cho biết, khi tập huấn các mô-đun, tập huấn SGK, giáo viên vẫn chưa hình dung hết được sẽ áp dụng vào thực tế giảng dạy như thế nào. Chỉ khi dạy học thực tế, giáo viên mới biết được những vướng mắc, khó khăn trên từng bài học cụ thể. Chẳng hạn, một số nội dung trong SGK có thể không phù hợp hoặc xa lạ với học sinh tại địa phương do người biên soạn không thuộc vùng, miền. Do đó, giáo viên cần nắm rõ cấu trúc, nội dung chương trình, trao đổi với người biên soạn để tìm giải pháp thay thế bằng một số nội dung gắn liền với địa phương, giúp học sinh dễ tiếp thu khi triển khai dạy.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.