Giáo dục

Phát triển toàn diện giáo dục Đà Nẵng

13:54, 03/05/2022 (GMT+7)

Thành phố Đà Nẵng không ngừng đầu tư, tạo điều kiện phát triển giáo dục nhằm từng bước thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, hướng đến chất lượng, phát triển giáo dục theo chiều sâu.

Năm học 2021-2022, nhiều trường học được xây mới, tạo điều kiện cho việc dạy và học. TRONG ẢNH: Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) được xây mới và đưa vào sử dụng trong năm học 2021-2022. Ảnh: NGỌC HÀ
Năm học 2021-2022, nhiều trường học được xây mới, tạo điều kiện cho việc dạy và học. TRONG ẢNH: Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) được xây mới và đưa vào sử dụng trong năm học 2021-2022. Ảnh: NGỌC HÀ

Đột phá trong đổi mới giáo dục

Hai năm gần đây, mặc dù ảnh hưởng Covid-19 nhưng giáo dục toàn thành phố có những chuyển biến tích cực, đặc biệt, giáo viên chủ động, tích cực trong việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp giảng dạy... nên đã hoàn thành mục tiêu kép: vừa phòng, chống Covid-19 hiệu quả, bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; vừa hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch.

Đây cũng là giai đoạn ngành giáo dục tổ chức thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018, lần đầu xuất hiện những môn học mang tính tích hợp đối với lớp 2 và lớp 6 năm học 2021-2022 và lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022-2023.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực cho chương trình mới. Theo đó, cử cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông cốt cán tham gia đầy đủ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng do Bộ GD&ĐT tổ chức (các modul 4, 5, 9); đồng thời tổ chức cho giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý tự bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ thông qua hệ thống học tập trực tuyến (các modul 3, 4, 5, 9).

Từ đầu năm học 2021-2022, các đơn vị, trường học khuyến khích giáo viên tự làm và sử dụng đồ dùng dạy học; sử dụng và bảo quản đồ dùng, thiết bị dạy học... Ưu tiên cân đối ngân sách để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục thành phố để đáp ứng những yêu cầu của giáo dục chuyển đổi số.

Đến nay, 100% các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố thực hiện cập nhật dữ liệu, báo cáo thống kê trên cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT, 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử cho các lớp đầu cấp. Các trường học được đầu tư đồng bộ về hạ tầng công nghệ thông tin.

Việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh và đạt được những kết quả nhất định. Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2021 có 47/68 học sinh tham gia đoạt giải (tăng 2 giải so với năm học trước), tỷ lệ 69,1%. Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, thành phố có 1 giải Ba và 1 giải Triển vọng; cuộc thi Viết thư quốc tế UPU đoạt 1 giải Nhì và 1 giải Nhất; Hội thi Tin học trẻ toàn quốc đoạt 1 giải Nhì, 7 giải Ba và 7 giải Khuyến khích. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp tại kỳ thi THPT năm 2021 là 95,86%; trong đó có 6 trường có tỷ lệ 100% học sinh đỗ tốt nghiệp. Tháng 3 vừa qua, thành phố cũng tổ chức chu đáo kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 THCS và lớp 12  THPT năm học 2021-2022 để tiếp tục chọn ra đội tuyển thi cấp quốc gia.

Hướng đến phát triển chiều sâu

Nhằm tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng các hoạt động GD&ĐT những năm tiếp theo, UBND thành phố đã phê duyệt đề án Xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố, với mạng lưới 452 đơn vị, trường học, 339.315 học sinh. Trong đó, có 238 trường mầm non, mẫu giáo; 109 trường tiểu học; 64 trường THCS; 38 trường THPT và phổ thông liên cấp; 3 trung tâm giáo dục thường xuyên thành phố.

Ngành giáo dục tiếp tục triển khai các đề án được phê duyệt trong năm 2021 như: đề án đầu tư hệ thống nước sạch cho các trường mầm non, phổ thông, đề án mua sắm trang thiết bị giáo dục STEM cho các trường THCS, THPT; triển khai thực hiện chuyên đề Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021-2025; triển khai kế hoạch về việc thực hiện chương trình Sức khỏe học đường đến năm 2025 trên địa bàn thành phố... Bên cạnh đó, ngành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, kiểm tra, đánh giá và quản lý hoạt động giáo dục, quản trị nhà trường nhằm thích ứng với bối cảnh công nghiệp 4.0.

Ngoài giáo dục trong trường học, Sở GD&ĐT đã xây dựng dự thảo kế hoạch thực hiện Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” trình UBND thành phố ban hành. Theo đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan đã phối hợp hướng dẫn các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị, tiếp tục triển khai, tổ chức các hoạt động nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào xây dựng cả thành phố trở thành một xã hội học tập.

Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục, các thư viện đổi mới phương thức, mô hình hoạt động và cung ứng sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ học tập trên nền tảng công nghệ số; tăng cường hợp tác trong tạo lập và chia sẻ thông tin, dữ liệu hỗ trợ người dân học tập suốt đời. Ngoài ra, sở cũng phối hợp với Hội Khuyến học thành phố đẩy mạnh phong trào xây dựng các mô hình học tập trong cộng đồng; phát triển các tổ chức hội và hội viên ở các cộng đồng dân cư và các đơn vị hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp...

Học sinh Đà Nẵng tham gia giờ học ngoại khóa, tăng cường hiểu biết, kỹ năng.
Học sinh Đà Nẵng tham gia giờ học ngoại khóa, tăng cường hiểu biết, kỹ năng.

Theo bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT, nhờ sự đầu tư đồng bộ, ngành giáo dục và đào tạo thành phố đã đạt được một số kết quả nhất định. Đến năm học 2021-2022, toàn thành phố có 29,1% trường mầm non, 24,2% trường tiểu học, 24,56% trường THCS, 17,4% trường THPT và trường nhiều cấp học đạt chuẩn quốc gia. “Tỷ lệ trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia giảm do Đà Nẵng hướng đến 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày chứ không phải không được đầu tư.

Hiện nay, UBND thành phố đã chỉ đạo triển khai Quy hoạch mạng lưới trường lớp hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên để cập nhật vào Quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các chủ trương, chính sách, các đề án sẽ được xây dựng và triển khai trong thời gian tới nhằm phát triển giáo dục - đào tạo đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, hướng đến mục tiêu chất lượng, phát triển chiều sâu; chú trọng giáo dục tài năng, giáo dục mũi nhọn”, bà Thuận chia sẻ.

Tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng các chỉ số giáo dục của Đà Nẵng là con số mà các địa phương thuộc vùng khó khăn phải mơ ước, song so với tầm vóc, sức ảnh hưởng của một thành phố có bước phát triển mạnh mẽ và những mục tiêu, kỳ vọng trong tương lai, thì những chỉ số về giáo dục hiện nay của Đà Nẵng cần được cải thiện hơn nữa. “Đà Nẵng cần đặt mục tiêu phát triển giáo dục chất lượng, theo chiều sâu, với các chuẩn cao hơn cả nước và hướng tới chuẩn quốc tế.

Để đạt được mục tiêu này, thành phố cần sớm có quy hoạch phát triển giáo dục, đi kèm với đó là những dự báo về nhu cầu nhân lực cho các ngành kinh tế - xã hội của thành phố. Quy hoạch này phải có và tính đến mức chuẩn cao hơn. Ngoài giáo dục đại trà, Đà Nẵng cần quan tâm tới giáo dục mũi nhọn, giáo dục tài năng, giáo dục đặc biệt. Trong không gian dành cho giáo dục phải tính đến các không gian ngoài nhà trường, để mọi người dân có thể học tập ở bất cứ đâu. Mạng lưới các trường đại học với vai trò là các trung tâm đổi mới sáng tạo cũng phải được nằm trong quy hoạch này”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

NGỌC HÀ

.