Giáo dục
Quốc hội đề nghị nghiên cứu việc dạy học môn Lịch sử ở cấp trung học phổ thông
Theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV được ban hành, Quốc hội đề nghị nghiên cứu việc dạy và học môn Lịch sử trong chương trình trung học phổ thông sẽ gồm cả phần bắt buộc và lựa chọn.
Giảng dạy môn Lịch sử ở bậc trung học phổ thông. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
“Nghiên cứu ý kiến cử tri, Nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn Lịch sử trong chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh.”
Đây là một trong những nội dung được nêu rõ tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành.
Trước đó, môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới cấp trung học phổ thông là môn lựa chọn. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng nên đưa Lịch sử thành môn bắt buộc.
Chương trình môn Lịch sử mới sẽ được dạy trong các trường trung học phổ thông bắt đầu từ năm học 2022-2023.
Bên cạnh vấn đề về môn Lịch sử, Nghị quyết cũng đề cập đến các vấn đề quan trọng khác của giáo dục đang được dư luận quan tâm gồm: Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đại học; triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền về triển khai Chương trình này; đổi mới căn bản và toàn diện phương pháp dạy và học, đặc biệt môn học Lịch sử; kiểm soát chặt chẽ việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa.
Nghị quyết cũng yêu cầu bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá. Trước mắt, Chính phủ chỉ đạo các Bộ liên quan có biện pháp hạ giá thành sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa đối với học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định; nghiêm túc thực hiện đúng các quy định về tài liệu tham khảo, tránh lãng phí.
Theo Vietnam+