Xây dựng văn hóa học đường để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục

.

Ngày 22-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức hội nghị “Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Trần Nguyễn Minh Thành chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, xây dựng và phát triển văn hóa học đường phải được coi là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm và quan trọng của toàn ngành GD&ĐT, tại mỗi địa phương và ở từng cơ sở giáo dục. Ở đó, con người phải là trung tâm và phát triển con người phải được quán xuyến trong tất cả các hoạt động của nhà trường.

Đồng thời cho biết, ngành GD&ĐT đang triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tập trung phát triển phẩm chất và năng lực của người học, lấy việc dạy người làm nội dung trọng tâm. Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là giải pháp toàn diện để củng cố, gia tăng tố chất văn hóa và phát triển con người.

Trong đó, văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục người học trở thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, gia đình và cộng đồng.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn coi trọng và thường xuyên dành sự quan tâm đối với công tác xây dựng, phát triển văn hóa, con người.

Trong đó, văn hóa học đường là nền tảng để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, vì sự phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế. Xây dựng văn hóa học đường là một nội dung quan trọng để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao việc Bộ GD&ĐT xác định văn hóa học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ; tập trung chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, ứng xử văn hóa và kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh, sinh viên; đề nghị trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn ngành GD&ĐT tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò quan trọng của xây dựng văn hóa học đường và kiên trì tổ chức thực hiện, phấn đấu đạt các mục tiêu đề ra. Nghiên cứu, hoàn thiện lý luận, khoa học, thực tiễn và tăng cường tuyên truyền để tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động. Phát huy dân chủ và vai trò đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục, các thầy cô giáo xây dựng văn hóa học đường.

THIÊN DUYÊN

;
;
.
.
.
.
.