Giáo dục
Tuyển sinh đại học 2022-2023: Lo ngại mất cân bằng giữa các ngành học
Mùa tuyển sinh 2022-2023, các ngành được xem là “hot” những năm qua như: công nghệ thông tin, marketing, công nghệ ô-tô… tiếp tục thu hút thí sinh nên điểm đầu vào khá cao. Tuy nhiên, theo các nhà quản lý giáo dục, thị trường vẫn đang cần nguồn nhân lực lớn ở một số ngành hiện gặp khó về tuyển sinh.
Sinh viên tìm việc làm tại Ngày hội việc làm do Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức tháng 8 vừa qua. Ảnh: NGỌC HÀ |
Nhiều ngành học đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0
Theo công bố điểm chuẩn đối với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022, những ngành học đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0 của các trường thành viên Đại học (ĐH) Đà Nẵng nằm ở mức cao.
Điểm chuẩn cao nhất của ĐH Đà Nẵng là 26,65 điểm rơi vào ngành công nghệ thông tin (đặc thù - hợp tác doanh nghiệp) của Trường ĐH Bách khoa. Ngoài ra, những ngành hot của trường ĐH Bách khoa như công nghệ thông tin (đặc thù, ngôn ngữ Nhật), kỹ thuật máy tính… đều có điểm chuẩn cao hơn 0,5 điểm so với năm 2021. Tương tự, ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật có điểm chuẩn là 24,6 điểm (cao hơn năm trước 0,35 điểm).
Với đặc thù đào tạo, nghiên cứu chuyên sâu các lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông và kinh tế số, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU) tuyển sinh 1.500 chỉ tiêu cho 14 ngành/chuyên ngành. Theo số liệu thống kê của nhà trường, có hơn 20.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển ở tất cả các phương thức, thông qua hệ thống xét tuyển trực tuyến và lọc ảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo; điểm chuẩn đầu vào VKU theo hình thức xét kết quả học tập THPT từ 24 đến 25 điểm và xét theo hình thức điểm thi tốt nghiệp THPT từ 20,5 đến 25 điểm (tăng từ 2-3 điểm so với năm 2021). Tính đến ngày 29-9, nhà trường đã hoàn thành thủ tục nhập học cho 1.500 tân sinh viên, đạt 100% chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022.
PSG.TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn cho rằng, các ngành đào tạo của nhà trường phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, đáp ứng được nhu cầu của xã hội nên được thí sinh quan tâm. Cụ thể, năm học 2021-2022, nhà trường đã có khóa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp ra trường với tỷ lệ gần 95% có việc làm.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa nhận định, các ngành đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn “hot”. Các báo cáo về thị trường lao động cho thấy nhu cầu nhân lực trong ngành này rất lớn nên thu hút thí sinh là điều tất yếu.
Cần làm tốt công tác hướng nghiệp
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải chỉ ra rằng, một số ngành nghề sinh viên có việc làm ngay khi ra trường nhưng thí sinh lại ít quan tâm. Dẫn chứng các ngành đào tạo của nhà trường như: công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng, kỹ thuật hệ thống công nghiệp, kỹ thuật tàu thủy, kỹ thuật môi trường, kỹ thuật công trình thủy, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, kỹ thuật cơ sở hạ tầng… đều rơi vào tình trạng khó tuyển sinh. Nhưng đầu ra của các ngành này luôn bảo đảm, thậm chí nhà trường không đủ nhân lực để cung cấp cho các doanh nghiệp tuyển dụng.
“Điều này dẫn đến tình trạng đội ngũ cán bộ kỹ thuật các ngành này càng ngày càng thiếu. Nếu nhà trường không duy trì tuyển sinh và đào tạo thì khoảng 5 -10 năm nữa, sẽ không có lao động, trong khi đây là những ngành trọng yếu”, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải nói.
PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng cho biết, chỉ có khoảng 80% số thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các ngành khối kỹ thuật như cầu đường, môi trường, công nghệ hóa học-môi trường. Tâm lý chung là học sinh và phụ huynh đều chạy theo những ngành nghề thời thượng. Các nghề nghiệp có tính chất nặng nhọc hoặc điều kiện làm việc hơi vất vả, không tập trung tại các thành phố lớn như địa chất, môi trường, cầu đường… thì ít học sinh lựa chọn hơn dù đầu ra sau tốt nghiệp rất thuận lợi.
Tương tự, với hệ cao đẳng, ngành hàn, điện tử công nghiệp, điện - tự động hóa là những ngành mà nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động rất lớn; nhưng người học lại không mặn mà đăng ký theo học. Ông Nguyễn Văn Như, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và giới thiệu việc làm, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng dẫn chứng, ngành hàn, mỗi năm chỉ có khoảng 15 sinh viên theo học/40 chỉ tiêu tuyển sinh, ngành tự động hóa công nghiệp chỉ tuyển được 50-60 trong tổng số 120 chỉ tiêu. Gần như sinh viên các ngành này đều có việc làm khi vừa hoàn thành đợt thực tập tốt nghiệp tại doanh nghiệp.
Để giải quyết tình trạng trên, các nhà quản lý giáo dục cho rằng cần làm tốt công tác hướng nghiệp, ngoài ra cần có những chính sách đặc thù của Nhà nước với những ngành khó tuyển sinh. “Ngoài những nỗ lực của cơ sở giáo dục đại học như đổi mới, cập nhật chương trình đào tạo, liên kết với doanh nghiệp để cam kết về đầu ra sau khi sinh viên tốt nghiệp thì cần có những chính sách đặc thù của Nhà nước với những ngành khó tuyển sinh. Chính sách tiền lương, đãi ngộ cho người lao động là những hấp lực để người học lựa chọn gắn bó lâu dài với ngành nghề”, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải chia sẻ.
NGỌC HÀ