Giáo dục

Giám sát đổi mới chương trình sách giáo khoa

09:06, 28/12/2022 (GMT+7)

Ngày 27-12, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng do ông Trần Chí Cường, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố làm Trưởng đoàn đã giám sát tại Trường THPT Thái Phiên (quận Thanh Khê) và THCS Nguyễn Văn Linh (quận Cẩm Lệ) về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát tập trung trao đổi về một số ưu điểm, thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và những giải pháp trong việc thực hiện hai nghị quyết như: đội ngũ; khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; việc lựa chọn sách giáo khoa; việc đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá…

Theo trao đổi của các trường, việc lựa chọn sách giáo khoa đối với chương trình Giáo dục phổ thông 2018 diễn ra khá nghiêm ngặt, đúng quy trình. Tuy nhiên, khi đi vào thực tế giảng dạy, nhiều sách giáo khoa có những sai sót về kiến thức, gây khó khăn cho giáo viên. Ngoài ra, việc thiếu thiết bị dạy học, thiếu hướng dẫn kiểm tra, đánh giá chung... cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Kết luận buổi giám sát, ông Trần Chí Cường, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố đánh giá cao nỗ lực của các trường trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đồng thời, chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của các trường.

Với những kiến nghị của các trường học, Đoàn giám sát sẽ tiếp thu, tổng hợp, rà soát, báo cáo với thành phố và Quốc hội trong thời gian tới; trong đó, lưu ý những vấn đề cấp bách như: thiết bị dạy học, quy mô trường lớp, sách giáo dục địa phương.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố đề nghị các trường khắc phục những hạn chế, trong đó mỗi thầy giáo, cô giáo cần tích cực đổi mới phương pháp dạy học; bảo đảm học sinh nắm chắc kiến thức, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế theo yêu cầu của Nghị quyết số 29-NQ/TW. Theo lộ trình được quy định tại Nghị quyết 51, sau 2 năm nữa (năm học 2024-2025) sẽ hoàn thành chu trình đầu tiên đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở toàn bộ các cấp học phổ thông.

NGỌC HÀ

.