Giáo dục

Tuyển sinh 2023: Sẵn sàng đào tạo các ngành trí tuệ nhân tạo

12:54, 20/02/2023 (GMT+7)

Trí tuệ nhân tạo (AI), robot, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa là những ngành học được các trường thành viên Đại học (ĐH) Đà Nẵng đón đầu nhằm đáp ứng xu thế công nghệ 4.0. Việc chủ động gắn kết, hợp tác với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên được các trường chuẩn bị kỹ lưỡng để mở các ngành đào tạo trí tuệ nhân tạo, nhất là trong mùa tuyển sinh 2023.

Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng ký kết bản ghi nhớ hợp tác ba bên với Công ty CP Giáo dục NiX (NiXEducation) và Công ty CP NecScat (Nhật Bản). Ảnh: NGỌC HÀ
Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng ký kết bản ghi nhớ hợp tác ba bên với Công ty CP Giáo dục NiX (NiXEducation) và Công ty CP NecScat (Nhật Bản). Ảnh: NGỌC HÀ

Bắt tay với doanh nghiệp ngành công nghệ cao

Thời gian qua, các trường ĐH đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao nhằm tranh thủ sự tài trợ về thiết bị hiện đại đáp ứng đào tạo các ngành trí tuệ nhân tạo. Mới đây, Trường ĐH Bách khoa đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty ABB Việt Nam (Tập đoàn ABB Robotics Việt Nam).

Theo thỏa thuận hợp tác giữa hai bên, phía ABB tài trợ cho nhà trường Trạm Robot demo phục vụ việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu; triển khai phần mềm ứng dụng mô phỏng Robot Studio (gồm 1 máy chủ server và 100 máy con client) giúp sinh viên tăng thêm cơ hội thực hành và nghiên cứu khoa học. ABB sẽ chọn cử các chuyên gia đồng hành nhà trường hướng dẫn sinh viên thực hành, thí nghiệm; chia sẻ tri thức, công nghệ và kinh nghiệm thiết kế, chế tạo robot; đồng thời tài trợ học bổng và tiếp nhận sinh viên thực tập các ngành kỹ thuật có liên quan.

Tương tự, Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU) vừa ký kết bản ghi nhớ hợp tác 3 bên với Công ty Cổ phần Giáo dục NiX (NiXEducation) và Công ty Cổ phần NecScat (Nhật Bản). Đáng chú ý, Công ty Cổ phần NecScat sẽ hỗ trợ nhà trường thực hiện dự án Lab nghiên cứu liên quan đến thiết kế sáng tạo trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (Genertive Design AI) - lĩnh vực khá mới. Sự hợp tác giữa VKU và NiXEducation, NecSacat là cơ hội tốt cho giảng viên và sinh viên nhà trường nghiên cứu và phát triển các dự án về trí tuệ nhân tạo và tiếp cận các công nghệ mới.

Theo các doanh nghiệp, việc ký kết hợp tác sẽ giúp các trường rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết với môi trường sản xuất hiện đại. “ABB mong muốn đem lại thêm cơ hội học tập và trải nghiệm tốt nhất cho sinh viên Trường ĐH Bách khoa, nhất là đối với các ngành chế tạo Robot, điều khiển và tự động hóa”, ông Huỳnh Phong Phú, Giám đốc Ban Robot và Tự động hóa của ABB chia sẻ. Trong khi đó, ông Moriura Takayuki, Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần NecScat cho rằng, việc hợp tác hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực IT tại các trường ĐH cũng là cơ hội tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện Công ty Cổ phần NecScat đang tuyển dụng sinh viên lớp kỹ sư Kỹ thuật phần mềm tiếng Nhật của VKU.

Hướng đến nhân lực trí tuệ nhân tạo

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, với việc triển khai các chương trình đào tạo cử nhân tích hợp kỹ sư hay đào tạo kỹ sư (180 tín chỉ, tương đương với thạc sĩ thực hành), các khoa đã tiên phong đưa chế tạo Robot thông minh vào các chương trình đào tạo như ngành Cơ điện tử (khoa Cơ khí), ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa (khoa Điện)...; đào tạo chuyên ngành liên quan đến AI có chuyên ngành Khoa học dữ liêụ và AI; chuyên ngành Hệ thống thông tin và AI trong xây dựng. Đây là hướng đi phù hợp với xu thế hiện tại khi ứng dụng công nghệ 4.0 ngày càng phát triển mạnh; các vị trí việc làm ngày càng gắn liền với phát triển các sản phẩm, các hệ thống, tiện ích thông minh, kiến tạo đô thị thông minh…

Trong khi đó, mùa tuyển sinh năm 2023, các trường ĐH thành viên ĐH Đà Nẵng tiếp tục tuyển sinh các ngành nghề liên quan đến trí tuệ nhân tạo như: Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật. Các trường đã chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn lực để sẵn sàng mở các ngành mới.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Linh Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, để chuẩn bị cho việc mở ngành Robot và trí tuệ nhân tạo, nhà trường xây dựng đề án mở ngành với nòng cốt là đội ngũ gồm 11 giáo viên, trong đó có 9 tiến sĩ thuộc khoa Cơ Khí và khoa Công nghệ số, đều tốt nghiệp ở các nước phát triển như Pháp, Đức, Đài Loan với các chuyên ngành phù hợp với ngành đang dự kiến mở.

Về cơ sở vật chất, hiện Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật có 2 phòng thí nghiệm Cơ điện tử và phòng thí nghiệm Hệ thống nhúng và Vi điều khiển đủ khả năng phục vụ cho ngành mới. Ngoài ra, để phục vụ cho Cách mạng công nghiệp 4.0 và các công nghệ cốt lõi, từ năm 2021, nhà trường đã và đang triển khai 2 dự án trọng điểm là phòng Nghiên cứu và đào tạo thực hành chuyển đổi số trị giá 10 tỷ (đã đưa vào khai thác) và dự án do ODA tài trợ để xây dựng phòng thí nghiệm Động lực và Sản xuất tự động trị giá 32 tỷ (đã qua giai đoạn rà soát và dự kiến khai thác năm 2025).

PGS.TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng VKU cũng cho biết, năm 2023, nhà trường tuyển sinh ngành Trí tuệ nhân tạo (hệ kỹ sư) với 60 chỉ tiêu. Đây được xem là một ngành hot trong thời đại kỷ nguyên số hiện nay. Để đáp ứng yêu cầu mở ngành trí tuệ nhân tạo, bên cạnh hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc, nhà trường hiện có đội ngũ giảng viên hùng hậu với hơn 10 tiến sĩ nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực AI. Đồng thời, VKU tiếp tục mở rộng hợp tác với nhiều đối tác doanh nghiệp trong và ngoài nước thông qua các biên bản hợp tác MoU triển khai xây dựng Lab nghiên cứu và các dự án nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ mới.

NGỌC HÀ

.