Giáo dục
Bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư L.I.F.E: Cần đầu tư cho con người
Muốn trở thành nơi đáng sống, đáng đến, thì cần nhất là tạo điều kiện để hình thành con người có đủ tri thức, năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố và thẩm thấu bản sắc văn hóa, giá trị tinh thần, có đời sống văn minh, hiện đại.
Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành nơi đáng đến, theo tôi đến ở đây là đến để sinh sống và đến có thể chỉ để tham quan, du lịch. Nhưng muốn trở thành nơi đáng sống, đáng đến, thì cần nhất là tạo điều kiện để hình thành con người có đủ tri thức, năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố và thẩm thấu bản sắc văn hóa, giá trị tinh thần, có đời sống văn minh, hiện đại. Để bảo đảm điều kiện sống tốt thì hạ tầng giáo dục, y tế gần như là thước đo ban đầu đối với một thành phố phát triển. Riêng với giáo dục, điều kiện học tập, nhu cầu học tập và chứng thực giá trị được học tại địa phương chính là thước đo cho phát triển của địa phương đó.
Trong quy hoạch phát triển, thành phố đặt mình vào vị thế là thành phố trọng điểm của khu vực miền Trung - Tây Nguyên về đầu tư giáo dục chất lượng cao. Thời gian qua, thành phố dành nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục thông qua đầu tư công và xã hội hóa. Hiện nay, mảng giáo dục công lập của thành phố phát triển khá tốt so với mặt bằng chung của cả nước, thậm chí ở tốp trên. Tuy nhiên, thành phố làm sao phải kết hợp đầu tư công với chính sách xã hội hóa để thúc đẩy, nâng cao mặt bằng giáo dục; trong đó đặc biệt chú trọng dùng ngân sách cho những nơi còn khó khăn, khó kêu gọi đầu tư và xã hội hóa đối với những khu vực thuận lợi.
Bên cạnh đó, thành phố đang có nhiều dự án lớn, trong quy hoạch các dự án này đều có yêu cầu dành đất đai để phát triển cơ sở giáo dục, y tế; do đó các ngành chức năng cần có quan sát, nghiên cứu để các dự án góp phần vào nâng cao chất lượng giáo dục cho thành phố. Qua quan sát, tôi cũng nhận thấy cách tiếp cận, nhìn nhận đối với các chính sách giáo dục thời gian qua của thành phố khá mới mẻ, đơn cử như hỗ trợ những cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập bị ảnh hưởng do Covid-19, hỗ trợ học phí… đã khích lệ đối với lĩnh vực giáo dục ngoài công lập, tạo sự công bằng cho học sinh, giáo viên công - tư. Hướng đến xây dựng thành phố đáng sống, đáng đến, thành phố cần tiếp tục phát huy cách làm này đối với các chính sách dành cho giáo dục.
Ngoài ra, một thành phố định hướng phát triển du lịch, dịch vụ trước công nghiệp thì nguồn nhân lực đối với lĩnh vực này cần được quan tâm, đòi hỏi phải phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển của thành phố. Bởi tố chất con người làm du lịch, dịch vụ phải khác với con người làm công nghiệp. Để tạo ra nguồn nhân lực này, tôi nghĩ giáo dục phải đi trước một bước trong chương trình giáo dục địa phương. Chương trình này không chỉ dạy văn hóa, lịch sử địa phương mà cần định hướng phát triển con người Đà Nẵng trong tương lai như thế nào mới đáp ứng với yêu cầu nhân lực thành phố. Thành phố cần nghiêm túc xem xét vấn đề này, có sự hoạch định, hỗ trợ, ủng hộ để chương trình giáo dục địa phương đi sâu vào trong từng tiết học cho học sinh; đồng thời quan tâm đến vấn đề hướng nghiệp sớm và làm hiệu quả nội dung hướng nghiệp.
Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, ngành giáo dục đang đứng trước thách thức lớn, phải nhanh chóng chuyển mình kịp xu thế; do đó, cần một tư duy rất mới từ các cấp về vấn đề này. Đối với bản sắc văn hóa, khi càng văn minh, hiện đại, con người càng hướng đến giá trị tinh thần, tâm hồn nên phải làm sao để bản sắc văn hóa vừa thu hút du khách vừa làm cho người đang sống cảm thấy tự hào, hạnh phúc với điều đấy.
Bản sắc văn hóa không chỉ là những cái có sẵn mà làm thế nào để nó thẩm thấu trong từng hành động, tư duy và cách nghĩ của những người dân sống tại thành phố. Điều này chỉ có giáo dục mới làm tốt được. Nhưng câu chuyện giáo dục cần nhìn nhận không chỉ ở nhà trường mà góp phần của gia đình, xã hội. Trong lúc giá trị tinh thần đang ngày càng được khẳng định thì việc xây dựng thành phố đáng sống, đáng đến cần bảo đảm người dân được hạnh phúc.
Đối với giáo dục hiện nay, giá trị hạnh phúc đang được khẳng định trong định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo dục thông qua xây dựng trường học hạnh phúc. Nếu các trường học làm tốt điều này thì đây cũng là giải pháp góp phần hình thành nhân cách, trí tuệ con người Đà Nẵng, hướng đến xây dựng thành phố đáng sống, đáng đến.
NGỌC HÀ ghi
Báo Đà Nẵng hân hạnh đón nhận ý kiến, đề xuất, hiến kế của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước qua hộp thư điện tử: tsbaodanang@gmail.com |