Thí sinh quan tâm đến kỳ thi đánh giá năng lực

.

Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học (ĐH) Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở để các trường ĐH xét tuyển thí sinh trong mùa tuyển sinh 2023. Chỉ tiêu các trường dành cho phương thức này khá thấp so với các phương thức còn lại nên tạo sự canh tranh giữa các thí sinh.

Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực tại hội đồng thi Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn. Ảnh: NGỌC HÀ
Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực tại hội đồng thi Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn. Ảnh: NGỌC HÀ

Số lượng thí sinh tăng

ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2023. Tại Đà Nẵng, có 3 điểm thi (Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Kinh tế) với 6 hội đồng, tổng số lượng 5.300 thí sinh tham gia. Theo thí sinh Nguyễn Nhật Hy (học sinh lớp 12, Trường THPT Hoàng Hoa Thám), kỳ thi đánh giá năng lực chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề. Về hình thức, bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan với thời gian làm bài 150 phút. Cấu trúc bài thi gồm 3 phần: sử dụng ngôn ngữ; toán học, tư duy logic, phân tích số liệu và giải quyết vấn đề nhằm đánh giá các năng lực cơ bản của thí sinh. Bài thi chú trọng đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng của thí sinh.

Kết quả đợt 1, Nhật Hy đạt 684 điểm, đây là số điểm ở mức an toàn nhưng để trúng tuyển vào các trường tốp đầu thì khó cạnh tranh. “Đề thi vừa sức nhưng do chủ quan nên em đã bỏ lỡ nhiều câu. Em dự kiến tiếp tục tham gia vào đợt 2 được tổ chức trong tháng 5 này. Nhiều bạn của em cũng thi trong đợt tới. Theo em, chỉ tiêu vào các trường bằng phương thức này càng thấp thì sự cạnh tranh càng cao. Hiện em đang tích cực ôn tập cho kỳ thi sắp tới. Nhiều người cho rằng, tham gia kỳ thi này sẽ ảnh hưởng đến việc ôn thi tốt nghiệp, song nếu biết sắp xếp khoa học, hợp lý sẽ góp phần đạt kết quả tốt tại kỳ thi sắp đến”, Nhật Hy bày tỏ.

Đến từ huyện Anh Sơn (tỉnh Nghệ An) để tham gia kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức tại Đà Nẵng, em Đậu Anh Hoành cho rằng kỳ thi là kiến thức tổng hợp của nhiều môn học, lĩnh vực… đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức tổng quát, suy luận, qua đó đánh giá khả năng của mỗi thí sinh khá chính xác. Vượt một chặng đường khá xa để tham gia kỳ thi tại hội đồng thi Đà Nẵng đối với em là sự cân nhắc kỹ lưỡng, với mong muốn tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường ĐH hàng đầu.

Bảo đảm chất lượng đầu vào

PGS.TS. Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU) cho biết, đợt 1, điểm thi tại trường có 4 hội đồng thi với 3.500 thí sinh dự thi; điều này cho thấy sức hút của kỳ thi ngày càng lớn. Điều quan trọng là kỳ thi tiếp tục được phát triển theo hướng ổn định và bền vững; số trường ĐH, cao đẳng sử dụng kết quả kỳ thi này ngày càng tăng (năm 2022 có hơn 86 đơn vị, năm 2023 có 90 đơn vị). Mùa tuyển sinh 2023, VKU dành 5% chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi này với ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào từ 600 điểm trở lên. Với những thí sinh xét tuyển có điểm trúng tuyển từ 1.000 trở lên (thang điểm 1.200) sẽ được xét hỗ trợ tài chính tương đương 50% học phí của 2 học kỳ đầu của khóa học. Thời gian xét tuyển từ ngày 15-4 đến 31-5.

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) cũng là điểm thi của kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; số thí sinh dự thi tại điểm thi cũng tăng hơn khoảng 100 thí sinh so với mọi năm. Theo TS. Nguyễn Linh Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, năm nay, nhà trường dành 20 chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức sử dụng điểm thi của kỳ thi này để xét tuyển đối với hai ngành Công nghệ thông tin và Công nghệ kỹ thuật ô-tô. Đây cũng là 2 ngành có tỷ lệ cạnh tranh đầu vào rất cao trong các ngành xét tuyển của trường, sử dụng điểm thi của kỳ thi đánh giá năng lực nhằm tuyển được các thí sinh tốt, nâng cao chất lượng đầu vào của nhà trường.

“Một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo là chú trọng nâng cao chất lượng nguồn tuyển đầu vào. Chính vì vậy, việc phân tích, xác định và sử dụng các phương thức tuyển sinh nhằm xét tuyển được các thí sinh chất lượng là rất quan trọng đối với quá trình tổ chức và quản lý đào tạo sau này. Các em thí sinh quan tâm đến các phương thức có tính cạnh tranh cao nhằm mục đích trúng tuyển vào các ngành học/trường học có chất lượng”, TS. Nguyễn Linh Nam phân tích.

Theo Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tổng cộng có 88.052 thí sinh đã tham dự kỳ thi đợt 1 (tỷ lệ dự thi/đăng ký là 98,2%). Kết quả phân tích tổng số 88.052 bài thi đã được chấm, không có bài thi vi phạm quy định. Điểm trung bình thí sinh đạt được là 639,2 điểm. Thí sinh có điểm thi cao nhất kỳ thi là 1.091 điểm và thí sinh có điểm thi thấp nhất là 238 điểm (thang điểm 1.200).

Theo kế hoạch, kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 năm 2023 được tổ chức thi trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, dự kiến vào ngày 28-5, tại bốn địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, An Giang.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.