Giáo dục
Chuẩn bị tâm thế cho trẻ trước khi vào lớp Một
Thay vì lo cho con học trước kiến thức, phụ huynh, nhà trường rèn thói quen tự phục vụ cho trẻ và các kỹ năng cần thiết để sẵn sàng bước vào lớp Một năm học 2023-2024.
Nhiều phụ huynh năm nay có con vào lớp Một bày tỏ sự băn khoăn khi trẻ chuyển từ môi trường mầm non chỉ biết chơi đùa, sang môi trường nền nếp của việc học tập. Chị Nguyễn Thị Quyên (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) chia sẻ: “Con tôi ham chơi, khó ăn uống. Do đó, vào lớp Một, tôi lo nhất là con chưa thích nghi được với giờ giấc học, ăn uống, vệ sinh, chăm sóc cá nhân... Tranh thủ mấy tháng hè, tôi sẽ rèn cho con quen dần với việc này”.
Trong khi đó, chị Trần Thanh Tân (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) băn khoăn về việc cho con học trước kiến thức hay không. Chị Tân chia sẻ, ban đầu không có ý định cho con học trước chương trình nhưng thấy các phụ huynh cho con học nên cũng dao động. “Có lẽ, tôi phải cho đi học chữ, Toán cơ bản để con không bị mất tự tin khi các bạn khác biết đọc, viết. Đối với các môn rèn luyện kỹ năng, tôi không cố nhồi nhét vào nhiều lớp học mà chú trọng đến một số môn học nâng cao thể chất như bơi, võ thuật hay các môn con có năng khiếu như vẽ, nhảy”, chị Tân nói.
Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên, phụ huynh không nên lo lắng quá mức. Thời gian các con học ở những cơ sở giáo dục mầm non, giáo viên đã trang bị, hướng dẫn cho trẻ các kỹ năng, đặc biệt là tập tính tự lập để chuẩn bị tốt nhất khi bước vào bậc học mới. Theo cô Tống Thị Minh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tiểu My (quận Liên Chiểu), đối với trẻ 5 tuổi, trong hoạt động tổ chức chăm sóc, nuôi dạy trẻ hằng ngày, nhà trường lồng ghép kỹ năng cần thiết cho các cháu thông qua “chơi mà học, học mà chơi”, tổ chức dã ngoại…; các cháu cũng được làm quen với chữ viết, làm quen với Toán đủ để tiếp cận với kiến thức của lớp Một. “Việc nhiều phụ huynh gửi trẻ học dự thính chương trình lớp Một tại các trung tâm hoặc “nhồi nhét” trước kiến thức lớp Một là do nóng ruột, sợ con không theo kịp bạn bè. Tôi nghĩ không nhất thiết cho con học nhiều như vậy. Học trước, biết hết thì vào lớp Một các con sẽ không hứng thú học tập vì đã biết hết rồi, dẫn đến mất tập trung”, cô Minh nói.
Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu) cũng cho biết, nhà trường thực hiện đúng theo chương trình giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) để phát triển toàn diện cho trẻ. Bên cạnh đó, nhà trường động viên giáo viên nghiên cứu, tìm hiểu thêm các chương trình, phần mềm hữu ích làm tăng khả năng tìm hiểu, khám phá của trẻ. Nhà trường tổ chức các hoạt động vui chơi bên ngoài lớp học; nhất là tìm hiểu, tham quan trường tiểu học để trẻ 5 tuổi hình dung được môi trường học tập mới khi vào lớp Một là như thế nào.
“Trường mầm non không dạy chữ chính thống. Thông qua các trò chơi, giúp trẻ nhận dạng và nhớ được bảng chữ cái, số đếm; trẻ 5 tuổi còn được cô giáo hướng dẫn kỹ năng ngồi học đúng tư thế, cách cầm bút đúng… Điều quan trọng là nhà trường chuẩn bị cho trẻ các kỹ năng để sẵn sàng thích ứng với môi trường học tập ở tiểu học như: giao tiếp, chào hỏi, làm quen, kết bạn, cách tự chăm sóc, tự phục vụ, tự bảo vệ bản thân…”, cô Trâm chia sẻ.
Bà Đặng Thị Cẩm Tú, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT cho biết thêm, trang bị kiến thức, kỹ năng tốt nhất cho trẻ mầm non bước vào lớp Một nằm trong chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD&DT, các trường phải thực hiện trong hoạt động giáo dục hằng ngày. Hằng năm, Sở GD&ĐT tổ chức bồi dưỡng chuyên môn theo nội dung định hướng của Bộ GD&ĐT cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non trước khi vào năm học mới. Đồng thời, theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục mầm non đặt mục tiêu giúp trẻ đáp ứng chuẩn mầm non 5 tuổi, ưu tiên tổ chức các hoạt động trải nghiệm, linh hoạt trong mục tiêu giáo dục…
HÀ THU