5 năm nhìn lại công tác khuyến học ở thành phố Đà Nẵng

.

Trong 5 năm qua, Hội Khuyến học thành phố đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp, làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cộng đồng. Phóng viên Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố, để tìm hiểu những kết quả nổi bật mà hội đạt được, cũng như những giải pháp để làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (XHHT) trong thời gian đến.

ng Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố
Ông Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố

* Công tác khuyến học, khuyến tài đã có những đóng góp như thế nào vào sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo và an sinh xã hội trên địa bàn thành phố, thưa ông?

- Trong 5 năm qua, mặc dù gần 2 năm ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, sự phối hợp các sở, ngành, hội, đoàn thể, chính quyền các cấp, Hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực chung tay, sáng tạo cách làm, triển khai phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT đạt được những kết quả quan trọng, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo và an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Thông qua sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, các nhà tài trợ, Hội Khuyến học thành phố đã thực hiện các chương trình học bổng dài hạn và ngắn hạn: Chương trình “Nuôi dưỡng ước mơ” giúp hơn 400 sinh viên (SV) hoàn cảnh khó khăn học hết bậc đại học; Chương trình “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ khuyến học” tài trợ cho hơn 100 học sinh (HS) có hoàn cảnh khó khăn, con gia đình chính sách với số tiền hàng trăm triệu đồng; cấp học bổng đặc biệt cho HS-SV có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng Covid-19 năm học 2021-2022 với số tiền 315 triệu đồng...

Hội Khuyến học các quận, huyện, xã, phường có các chương trình học bổng dài hạn, ngắn hạn, vận động hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ cho HS-SV con mồ côi, con gia đình khó khăn và khó khăn đột xuất. Thành Hội duy trì, phát triển các giải khuyến tài như: Giải thưởng “Khuyến tài Huỳnh Thúc Kháng”, Giải thưởng “HS xuất sắc toàn diện tiêu biểu”, Giải thưởng “HS-SV vượt khó học giỏi”, Giải thưởng “HS là cán bộ Đoàn Đội Hai Giỏi”, Giải thưởng “HS con dân tộc Cơtu vượt khó, hiếu học”... Các quận, huyện, xã, phường, tộc họ đã vận động các tổ chức, cá nhân trao giải thưởng cho HS-SV có kết quả học tập xuất sắc, thi đỗ vào các trường đại học, đạt học hàm, học vị.

Tính từ năm 2018 đến 6 tháng đầu năm 2023, các cấp hội vận động các tổ chức, đơn vị, cá nhân tài trợ, trao học bổng và khen thưởng với số tiển hơn 185 tỷ đồng cho hơn 360.000 suất học bổng và khen thưởng (chưa tính giá trị các hiện vật: 636 máy tính bảng, 58 bộ máy tính để bàn, 641 điện thoại thông minh, 182 đầu thu TV, 150 camera, micro… cho HS-SV học trực tuyến). Trong đó, riêng Thành Hội vận động hơn 7 tỷ đồng trao cho 4.480 suất học bổng và khen thưởng. So với nhiệm kỳ trước, số tiền cấp học bổng và khen thưởng tăng hơn 78 tỷ đồng. 

* Cùng với công tác khuyến học, khuyến tài, Hội Khuyến học thành phố đã triển khai các giải pháp gì nhằm đẩy mạnh xây dựng XHHT và phong trào học tập suốt đời trong thành phố?

- Từ năm 2018 đến năm 2020, Hội Khuyến học thành phố triển khai Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 44/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quyết định số 448/QĐ-KHVN của Hội Khuyến học Việt Nam về xây dựng XHHT. Về mô hình “Gia đình học tập”, đến cuối năm 2022, các đơn vị đạt tỷ lệ cao là Hội Khuyến học Cẩm Lệ, Sơn Trà, huyện Hòa Vang và một số quận, huyện khác. Về mô hình “Dòng họ học tập”, các đơn vị điển hình là Hội Khuyến học huyện Hòa Vang, Sơn Trà.

Về mô hình “Cộng đồng học tập”, các đơn vị đạt tỷ lệ cao là: Hội Khuyến học các quận Cẩm Lệ, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn. Về mô hình “Đơn vị học tập”, Hội Khuyến học các quận Liên Chiểu đạt tỷ lệ 97%, Thanh Khê đạt 90,6%, các đơn vị còn lại đạt tỷ lệ được công nhận 100%. Nhìn chung, phong trào học tập suốt đời của thành phố có sự chuyển biến mạnh cả trong nhận thức và tổ chức thực hiện.

Kết quả đánh giá công nhận các mô hình học tập đều có tỷ lệ cao hơn tỷ lệ Trung ương Hội giao. Giai đoạn 2021-2030, thực hiện việc xây dựng XHHT theo các Quyết định 1373/QĐ-TTg, 387/QĐ-TTg, 677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 22/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quyết định số 242/QĐ-KHVN và 123/QĐ-KHVN của Hội Khuyến học Việt Nam.

Hội Khuyến học thành phố phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thí điểm mô hình “Công dân học tập” tại quận Hải Châu, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang với 21 xã, phường, 210 hộ gia đình và 21 đơn vị. Kết quả, có 177.954/ 311.780 đạt danh hiệu Công dân học tập, tỷ lệ 57,08%.

Từ đầu nhiệm kỳ VI và thời điểm ngay sau khi tình hình dịch bệnh tạm ổn định, Thành Hội tổ chức hội nghị tập huấn cán bộ khuyến học cốt cán từ thành phố đến cơ sở nhằm quán triệt các đề án, chương trình, kế hoạch, hướng dẫn của Chính phủ, Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ Tài chính và của thành phố Đà Nẵng. Thành Hội đã tổ chức hội nghị, tập huấn, tọa đàm, giao ban, làm việc, kiểm tra tại cơ sở nhằm triển khai hiệu quả các giải pháp.

Hội Khuyến học phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục tổ chức triển khai công văn liên ngành hướng dẫn đánh giá, công nhận danh hiệu “Công dân học tập” và đánh giá, xếp loại “Đơn vị học tập” trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố. Kết quả thực hiện việc đăng ký và công nhận các mô hình học tập theo Quyết định 387 và 677/QĐ-TTg ngày 25-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ bước đầu khả quan.

Trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học trên địa bàn thành phố. Ảnh: X.D
Trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học trên địa bàn thành phố. Ảnh: X.D

* Thưa ông, mục tiêu công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT và phong trào học tập suốt đời được thực hiện thế nào trong thời gian đến?

- Trong nhiệm kỳ 2023-2028, của Hội Khuyến học các cấp tiếp tục thực hiện các đề án, chương trình của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Khuyến học Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2021-2026, các quyết định, kế hoạch, hướng dẫn của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố về khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT giai đoạn 2021-2030. Phấn đấu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành “Thành phố học tập”, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển thành phố và đất nước.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có 40% người lao động trong “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, 60% cán bộ, công chức, nhân viên trong “Đơn vị học tập”, 70% công dân đạt kỹ năng số; 70% gia đình được công nhận đạt danh hiệu “Gia đình học tập”; 65% dòng họ được công nhận đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”; 65% cộng đồng (thôn/tổ dân phố) được công nhận đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”; 80% các tổ chức, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn cấp xã, phường được công nhận đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”.

Để thực hiện mục tiêu đó, Thành Hội tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tham mưu, phối hợp nhằm nâng cao nhận thức về xây dựng XHHT và phong trào học tập suốt đời; nâng cao năng lực đội ngũ, xây dựng và củng cố tổ chức hội; triển khai các biện pháp kịp thời, sáng tạo, phù hợp thực tiễn đề hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đến năm 2025 và 2030. Trong các giải pháp đó, bên cạnh huy động nguồn lực toàn xã hội, việc khơi dậy nhiệt huyết, tinh thần cống hiến và bồi dưỡng năng lực, kỹ năng làm việc cơ bản trong thời công nghệ số của những người làm công tác khuyến học được chú trọng hàng đầu.

PHƯƠNG CHI

;
;
.
.
.
.
.