Học nghề để lập nghiệp

.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học đợt 1-2023 là 660.000, chiếm 66% trong tổng số thí sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT;như vậy có hơn 300.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học. Chưa có con số chính thức nhưng việc nhiều học sinh không chọn vào đại học mà quyết định vào học một nghề ở hệ cao đẳng, trung cấp là hiện tượng đáng khuyến khích. Dần dần con đường lập thân bằng một nghề nào đó trở thành bình thường và là hướng đi phù hợp với xu thế giáo dục nói chung.

Mô hình giáo dục tối ưu của một quốc gia có hình tháp nón, theo đó giáo dục phổ thông là đáy, trên đó là nghề, cao đẳng và trên đỉnh là đại học. Sinh viên được xem là bộ phận giỏi của những người thi đỗ tốt nghiệp THPT, sau thời gian hoàn thành bậc đại học, họ tốt nghiệp kỹ sư, cử nhân và tham gia vào quá trình thực hiện công việc có tính chất chuyên gia, hàm chứa yêu cầu sáng tạo. Như vậy đội ngũ kỹ sư, cử nhân này là trụ cột của đất nước, là tầng lớp tinh hoa của xã hội. Đương nhiên, nghề được đào tạo, được đam mê nghiên cứu sẽ gắn bó lâu dài với họ và chính họ làm nên thành tựu khoa học, công nghệ cho Tổ quốc.

Vì tính chất và yêu cầu của lớp người gánh vác trọng trách xây dựng quốc gia nên đại học và giáo dục đại học có ý nghĩa sống còn. Tiềm lực công nghệ, năng lực sáng tạo, nhất là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao bắt đầu từ đại học. Không có một nền giáo dục đại học tiên tiến sẽ không có đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và tầng lớp trí thức có trình độ, năng lực và khát vọng dấn thân. Do tính chất và yêu cầu có tính hàn lâm như vậy nên không phải mọi học sinh tốt nghiệp phổ thông đều có thể vào đại học.

Đại học là sự chọn lựa và có sàng lọc. Chỉ những người có khả năng mới chọn vào đại học.
Vì nhiều nguyên nhân trong đó có vai trò tổ chức và định hướng của ngành chuyên môn mà một thời kỳ dài chúng ta tạo ra tâm lý lập thân và thành danh chỉ có thể bằng con đường đại học. Cánh cổng trường đại học là hướng duy nhất vào đời. Tâm lý trên gây ra hiện tượng không bình thường: Đào tạo nghề trở nên ít hơn đại học và bậc học cao đẳng đứng trên đỉnh của tháp giáo dục đào tạo.

Việc có hàng trăm sinh viên sau khi trúng tuyển, thậm chí có người xong năm thứ nhất “quay xe” không tiếp tục học đại học và làm lại từ đầu bằng cách thi và học vào một nghề nào đó là việc không mới. Vài năm gần đây, nhất là năm học này có hàng ngàn bạn không chọn con đường đại học, mà quyết định vào cao đẳng nghề là một hiện tượng đáng mừng. Đó là sự vận động lành mạnh và bình thường một xã hội thực tế. Tốt nghiệp cử nhân, kỹ sư mà thất nghiệp, bỏ việc “ra khỏi biên chế” là việc không nên. Một nghề phù hợp được xã hội coi trọng và nhất là bảo đảm thu nhập ổn định vẫn hơn cử nhân mà phất phơ thầy thợ.

Thời đại số ngày càng phát triển, cuộc sống có những nhu cầu rất thực tế, theo đó sự phân bổ nhân sự của các ngành nghề có nhiều thay đổi và dịch chuyển lớn. Có những ngành nghề hot hiện nay không bằng cấp như nghề thiết kế thời trang, nghề trang điểm, nghề quản lý nhà hàng khách sạn, rồi những nghề như cơ khí, điện tử, thợ hàn, điện lạnh… có thu nhập khá cao lại là những nghề đang khan hiếm lao động. Hiện nay chỉ cần tập trung giỏi một nghề, chẳng hạn nghề chăm cây cảnh, một ngày có khi cả triệu đồng là chuyện bình thường. Còn rất nhiều công việc chỉ cần tốt nghiệp nghề là có việc làm, thu nhập ổn định và nhất là có sự tôn trọng của xã hội.

NHÃ ĐAN

;
;
.
.
.
.
.