Khó khăn khi dạy học tích hợp

.

Môn tích hợp là điểm mới trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 nhằm hướng đến phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, các trường THCS đang gặp phải một số khó khăn nhất định.

Giáo viên và học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu) trong một giờ học. Ảnh: NGỌC HÀ
Giáo viên và học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu) trong một giờ học. Ảnh: NGỌC HÀ

“Tích hợp” nhưng vẫn còn “riêng lẻ”

Theo ghi nhận, triển khai chương trình GDPT 2018, nhiều trường học đã bảo đảm môn Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử - Địa lý do 1 giáo viên đảm nhận ở khối lớp 6 hoặc khối 6 - 7. Tuy nhiên, đến lớp 8, kiến thức đi vào chuyên sâu thì một giáo viên khó có thể đảm nhận hết các phân môn nên dù là môn “tích hợp” nhưng lại dạy “riêng lẻ” theo từng phân môn.

Ngay khi chuẩn bị kế hoạch năm học 2023 - 2024, Ban giám hiệu Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu) đã họp với tổ Khoa học tự nhiên để lấy ý kiến tổ chức phương án dạy học cho các khối lớp 6 - 7 và 8. Theo đó, đối với khối lớp 6 và 7, môn Khoa học tự nhiên vẫn duy trì phương án một giáo viên đảm nhận dạy cả 3 phân môn như 2 năm học trước đây.

Riêng lớp 8, nhà trường tổ chức dạy học theo hình thức tuyến tính. Giáo viên đảm nhận dạy các phân môn theo chuyên môn mình được đào tạo. Những chủ đề mang tính tích hợp, nội dung kiến thức của môn học nào nhiều hơn sẽ do giáo viên môn đó đảm nhận. Như vậy, môn Khoa học tự nhiên khối lớp 8 do ít nhất 2 hoặc 3 giáo viên đảm nhận.

Tương tự, ở Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Khê), môn Khoa học tự nhiên và môn Lịch sử - Địa lý chưa có giáo viên được đào tạo đúng chuyên môn nên môn Khoa học tự nhiên vẫn do 3 giáo viên chuyên ngành từng môn đảm nhận (trừ lớp 6), môn Lịch sử - Địa lý vẫn do 2 thầy cô dạy Sử riêng, Địa riêng.

Đối với một số trường có giáo viên tốt nghiệp hệ cao đẳng sư phạm, đào tạo liên môn như Sử - Địa, Hóa - Sinh hoặc đủ năng lực đáp ứng sẽ ưu tiên bố trí dạy môn tích hợp. Tại Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu), đối với môn Lịch sử - Địa lý, giáo viên có bằng cao đẳng liên môn Lịch sử - Địa lý đảm nhận dạy môn này, trong khi giáo viên bằng đại học chính quy môn Địa lý hoặc Lịch sử thì phụ trách từng phân môn. Tương tự, đối với môn Khoa học tự nhiên, lớp 6, 7 hiện do giáo viên được đào tạo liên môn Hóa - Sinh đảm nhận, lớp 8 do 3 giáo viên Hóa, Sinh, Lý dạy.

Cần sớm có giải pháp phù hợp

Qua trao đổi với nhiều giáo viên, lãnh đạo các trường, việc dạy - học tích hợp hiện đang gặp nhiều khó khăn. Cô Nguyễn Thị An, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Khê) cho rằng, các trường đang khá vất vả trong việc phân chia thời khóa biểu (thay đổi liên tục), nhất là với những trường có số lượng lớp đông; chưa kể một môn học mà nhiều giáo viên phụ trách dẫn đến khó khăn trong đánh giá, kiểm tra…

“Môn tích hợp bố trí 2 đến 3 giáo viên dạy nhưng mỗi giáo viên lại ghi điểm độc lập, sau đó phân công 1 giáo viên chịu trách nhiệm nhập điểm. Khi kiểm tra định kỳ phải 2 đến 3 giáo viên cùng hội ý 2 đến 3 lĩnh vực và sau khi kiểm tra cùng chấm trên một bài”, cô Nguyễn Thị An nêu ví dụ.

Theo thầy Lê Anh Đồng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (quận Sơn Trà), đối với giáo viên được phân công dạy môn tích hợp, họ mất nhiều thời gian để xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án) hơn. Hiện nay, nhà trường có vài thầy cô đáp ứng được môn Khoa học tự nhiên lớp 6; tuy nhiên các phần kiến thức chi tiết của từng môn Vật lý, Hóa - Sinh cần đi sâu hơn thì lại không bằng được các giáo viên có chuyên môn chính. Vì vậy, khi giảng dạy khó đưa ra những câu trả lời có thể thỏa mãn được mong muốn từ học sinh.

Giải pháp được giáo viên, lãnh đạo các trường đưa ra là cần đào tạo kịp thời giáo viên dạy môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên. Trong bối cảnh chưa có đội ngũ giáo viên sẵn sàng cho dạy môn tích hợp thì cần linh động điều chỉnh dạy - học môn này theo các phương thức phù hợp.

Theo thầy Bùi Duy Quốc, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu), tổ chức dạy học môn Khoa học tự nhiên theo phương thức tuyến tính chỉ phù hợp với khối lớp 6, những lớp lớn hơn không còn phù hợp. Lý do là kiến thức bắt đầu phân hóa dần ở lớp 7 và rõ rệt ở lớp 8.

Hơn nữa, kiến thức khoa học phải phát triển theo đường xoắn ốc thì mới liên tục và mở rộng được. Hiện nay, chương trình yêu cầu dạy tuyến tính nghĩa là kiến thức phát triển theo đường tròn đồng tâm, tức là có khoảng trống rất lớn về thời gian học của kiến thức thuộc các phân môn; khiến học sinh dễ quên hết kiến thức.

Về việc triển khai dạy học tích hợp trong thực tiễn vẫn đang gặp một số vướng mắc, Sở GD&ĐT cho biết Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức hội thảo tiếp thu và sẽ có hướng sửa đổi thời gian đến cho phù hợp.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.