Chủ động triển khai các mô hình học tập

.

Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao dân trí, hỗ trợ và khuyến khích phát triển tài năng, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ xây dựng và phát triển địa phương, trong đó có quận Thanh Khê.

UBND phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) phối hợp Hội Khuyến học phường tuyên dương, khen thưởng học sinh có thành tích cao trong học tập, năm học 2022-2023. Ảnh: L.H
UBND phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) phối hợp Hội Khuyến học phường tuyên dương, khen thưởng học sinh có thành tích cao trong học tập, năm học 2022-2023. Ảnh: L.H

Khơi dậy tinh thần tự giác học tập

Hội Khuyến học các cấp trên địa bàn quận Thanh Khê tích cực tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc triển khai các mô hình: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”. Nhờ đó, kết quả xây dựng mô hình học tập của các địa phương có những chuyển biến tích cực, ngày càng đi vào thực chất, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân.

Lãnh đạo UBND quận Thanh Khê cho biết, địa phương thường xuyên đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến với nhiều hình thức phong phú, thiết thực để người dân nhận thức rõ về sự cần thiết xây dựng xã hội học tập, phát triển các mô hình: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”. Từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nhằm khơi dậy tinh thần vươn lên tự giác học tập thường xuyên, học tập suốt đời; tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân toàn cầu.

Theo Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Khê Đào Thị Hằng, xác định phong trào học tập suốt đời thông qua xây dựng các mô hình học tập là một trong các phong trào thi đua yêu nước, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội đã lồng ghép với các phong trào do Mặt trận phát động. Do đó, phong trào học tập suốt đời trong nhân dân được đẩy mạnh và trở thành phong trào thi đua rộng lớn. Bên cạnh đó, mỗi tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp triển khai nhiều biện pháp phù hợp thúc đẩy việc học tập suốt đời của các thành viên, hội viên, góp phần cùng gia đình, dòng họ, tổ dân phố, cơ quan, doanh nghiệp, trường học... không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Song song đó, các cơ sở giáo dục thực hiện tốt các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác quản lý, dạy học, khai thác, sử dụng có hiệu quả kho học liệu điện tử của ngành, nguồn tài nguyên mở để nâng cao chất lượng dạy học; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh… Ngoài ra, các phường nỗ lực mở lớp xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ trong nhân dân từ 15-60 tuổi; thực hiện tốt công tác xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Công tác giúp đỡ học sinh khó khăn, bị thiệt thòi có nguy cơ bỏ học được quan tâm; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng học sinh THCS bỏ học giữa chừng… Hằng năm, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận tham mưu UBND quận tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ học nghề và việc làm cho người lao động với sự tham gia của các chuyên gia, nhà tuyển dụng lao động với hơn 4.000 vị trí việc làm

Áp dụng những mô hình có tính đột phá

Theo lãnh đạo UBND quận Thanh Khê, các cấp hội khuyến học phối hợp chặt chẽ các ngành, hội đoàn thể để huy động nguồn lực cho công tác khuyến học, khuyến tài. Hàng nghìn lượt doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm tham gia ủng hộ, đóng góp vào quỹ khuyến học, đặc biệt hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi tổ chức cá nhân gắn với địa chỉ khuyến học” nhằm bảo trợ dài hạn cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cấp học bổng và động viên khen thưởng học sinh đạt thành tích cao trong học tập. Xác định xây dựng quỹ khuyến học là nhiệm vụ quan trọng, các cấp hội khuyến học đã có nhiều cách làm sáng tạo để duy trì và phát huy hiệu quả nguồn quỹ. Nhờ đó, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập không ngừng phát triển và có sức lan tỏa sâu rộng, được nhân dân tích cực hưởng ứng. Đặc biệt, việc triển khai mô hình “Công dân học tập”, “Đơn vị học tập” cấp quận đã tạo cơ hội cho công chức, viên chức tích cực tham gia học tập, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, làm nòng cốt trong việc xây dựng các mô hình học tập trong công đồng...

Bà Đào Thị Hằng cho biết, quận Thanh Khê tiếp tục quan tâm thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế tri thức. Đồng thời, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực tìm kiếm và áp dụng những mô hình có tính đột phá để khuyến khích xã hội học tập trong kỷ nguyên số.

Trong đó, tiếp tục củng cố mạng lưới trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; chuẩn bị xây dựng chương trình, kế hoạch xây dựng xã hội học tập trong kỷ nguyên số. Cũng như, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, phát động các cuộc vận động, phong trào thi đua công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đơn vị học tập sâu rộng trên địa bàn, gắn kết chặt chẽ và hiệu quả với các cuộc vận động, phong trào thi đua khác nhằm thúc đẩy việc học tập trong mọi gia đình, dòng họ, cộng đồng. Cùng với đó, các phường tiếp tục thực hiện 5 mô hình: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”, “Công dân học tập” và các cơ quan, đơn vị thực hiện 2 mô hình: “Đơn vị học tập” và “Công dân học tập”.

LÊ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.