.

Ngành Kinh tế bão hòa, Y dược dần "hút" thí sinh

.

(ĐNĐT) - Theo thông tin ban đầu từ các trường THPT trên địa bàn Đà Nẵng, số hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) Đại học, Cao đẳng (ĐH,CĐ) vào các nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ, đặc biệt là ngành Y dược tăng mạnh, khác với xu hướng “đổ xô” chọn nhóm ngành Kinh tế như năm trước. Với thí sinh (TS) tự do, nhóm ngành Công nghệ thông tin (CNTT) nhận được nhiều sự lựa chọn.

Y dược dần chiếm ưu thế

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Thường xuyên, Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng, kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 có 26.009 hồ sơ ĐKDT, tăng 1.557 hồ sơ so với năm 2012. Trong đó, số hồ sơ ĐKDT của nhóm TS tự do và vãng lai là 6.760 hồ sơ (năm 2012 là 526 hồ sơ).

Vì số lượng hồ sơ khá nhiều nên các nhân viên của phòng vẫn phải làm việc tích cực để tiến hành thống kê, phân loại và nhập dữ liệu kết quả số liệu hồ sơ theo từng khối mã ngành cụ thể để gửi báo cáo lên Bộ GD-ĐT.

..
Kiểm tra, phân loại hồ sơ ĐKDT tại Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng.

Tuy nhiên, theo thông tin ban đầu từ các trường THPT trên địa bàn thành phố cho thấy, lượng TS đăng ký thi vào nhóm ngành Kinh tế đã “chững” lại so với năm trước, thay vào đó là nhiều lựa chọn hướng đến ngành Y dược.

Ông Nguyễn Văn Quận, Trưởng phòng Giáo vụ - Thư viện, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) cho hay, những năm trước đây, hồ sơ ĐKDT vào trường, ngành Kinh tế chiếm đa số. Tuy nhiên năm nay, nhóm ngành Y dược lại thu hút rất nhiều sự lựa chọn của TS.

Trong gần 500 hồ sơ cho hơn 240 học sinh lớp 12 của trường, hồ sơ khối Kỹ thuật thi vào các trường như ĐH Bách Khoa, ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) khoảng trên 50 bộ; ngành Xã hội nhân văn (khối C) khoảng hơn 30 bộ; Kinh tế vài chục bộ, còn lại chủ yếu là Y dược.

“Nếu năm trước, xu hướng các em chọn Kinh tế thì năm nay qua tư vấn và thông tin của báo chí, biết nhu cầu và công việc sẽ khó khăn nên các em đã cân nhắc kỹ hơn. Nhiều em còn đăng ký thi hai khối, một khối phụ cho đảm bảo chắc chắn”, ông Quận cho biết thêm.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng trường THPT Hòa Vang (Đà Nẵng) cho biết, số hồ sơ vào ngành Kinh tế, Ngân hàng giảm hẳn so với năm trước. Trong khi đó, hồ sơ vào các ngành Y dược tăng đáng kể, đặc biệt là hồ sơ ĐKDT vào Trường ĐH Y dược Huế.

“Do các em được định hướng tốt hơn, nên lượng hồ sơ ĐKDT năm nay cũng giảm đi. Mỗi em bình quân 2 bộ chứ không còn 4-5 bộ/em như những năm trước. Ngành Kinh tế hiện đã cơ bản bão hòa, các em sợ khó xin việc nên năm nay xu hướng các em đăng ký ngành Y dược khá đông”, bà Thanh thông tin.

Còn theo bà Nguyễn Thị Minh Huyên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ông Ích Khiêm, qua khảo sát, năm nay HS của trường đăng ký dự thi khối A vào các trường như ĐH Bách khoa và ĐH Kinh tế (thuộc ĐH Đà Nẵng) chiếm số lượng khá đông. Còn đối với khối B, các em đã tìm hiểu và mạnh dạn đăng ký vào Trường ĐH Y dược Huế. Số lượng này cũng chiếm tỷ lệ khá và tăng rõ rệt so với năm trước, chỉ một số lượng vừa phải khác có lực học tầm trung thì chọn thi ngành Nông lâm (thuộc ĐH Huế).

TS tự lượng sức mình

Không chỉ tại các trường THPT, các điểm thu hồ sơ ĐKDT của TS tự do, TS vãng lai tại Đà Nẵng, theo ghi nhận của chúng tôi, các TS thể hiện sự tỉnh táo hơn khi chọn trường, học sinh học lực trung bình, trung bình khá đã ít chọn trường tốp đầu. Một số em cho biết, do năm trước tìm hiểu chưa kỹ và chọn chưa đúng ngành phù hợp với năng lực nên bị trượt. Vì vậy, trước khi nộp hồ sơ ĐKDT năm nay, bản thân các em và gia đình đã chăm chú lắng nghe, tiếp thu thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng để biết tự lượng sức, lựa chọn trường phù hợp với năng lực hơn.

Đông đúc thí sinh tự do tới nộp hồ sơ ĐKDT tại điểm thu hồ sơ của ĐH Đà Nẵng.
Đông đúc thí sinh tự do tới nộp hồ sơ ĐKDT tại điểm thu hồ sơ của ĐH Đà Nẵng.

“Năm trước, em cũng thi vào ĐH Bách Khoa Đà Nẵng nhưng chọn ngành Xây dựng vì các bạn cùng quê chọn nhiều, với lại ngành đó đang “hot” và khi ra trường sẽ dễ tìm việc với mức lương cao. Sau khi trượt em mới suy nghĩ kỹ lại và năm nay đăng ký thi vào CNTT vì thấy phù hợp với sức học và sở thích của em hơn”, TS Phạm Minh Hà (quê Thanh Hóa) cho biết.

Cũng theo Hà, sau khi đọc trên mạng, có thông tin tại Thanh Hóa, gần 25.000 sinh viên ra trường không có việc làm khiến em rất lo lắng. “Em chọn CNTT vì nếu thi đậu, em sẽ ở lại xin việc tại Đà Nẵng bởi em biết ngành này ở đây đang cần rất nhiều nhân lực trong thời gian tới”, Hà chia sẻ thêm.

Còn TS Nguyễn Thị Nga (quê Quảng Nam) cho hay, năm trước em đăng ký thi vào ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhưng không đậu. Năm nay, Nga đăng ký thi ngành CNTT của ĐH Sư phạm Đà Nẵng. “Ngành Kinh tế giờ dường như đã bão hòa mà khó xin việc, lại khó đậu nên em chọn Sư phạm cho vừa sức”, Nga nói.

Sự chuyển dịch trong xu hướng chọn nghề và sự lựa chọn của các TS khi ĐKDT năm nay có nhiều thay đổi theo hướng tìm hiểu kỹ nhu cầu thực tế cũng như biết tự lượng sức mình. Điều đó cho thấy sự cân nhắc và thận trọng của các TS trong việc định hướng tương lai của mình. Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng của một thế hệ nhân lực mới khi đứng trước sự chọn lựa quyết định trong cuộc đời.

Bài và ảnh: Đắc Mạnh

 

;
.
.
.
.
.