.

Ca khúc hay của Đà Nẵng - cho đến bao giờ?

.

Nếu thử làm một phép so sánh với những Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay Nha Trang, một ca khúc hay về Đà Nẵng có cơ hội được “sống chung” với đời sống âm nhạc của cả nước trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, có thể thấy không đáng kể!

Chưa kể đến hơn 30 năm giải phóng, ca khúc Đà Nẵng vẫn chỉ quẩn quanh những “Cô du kích Đà Nẵng”, “Quảng Nam yêu thương”, “Sông Hàn vang tiếng hát” hay “Thu Bồn ơi!” vốn chẳng hề mới mẻ.

Ca khúc Đà Nẵng vẫn có “đất sống” trong văn nghệ quần chúng và với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, vẫn dành nhiều niềm tin cho ca khúc hay của Đà Nẵng.

Không thiếu những trăn trở của đội ngũ sáng tác, nhưng hầu như những nỗ lực của rất nhiều nhạc sĩ Đà Nẵng vẫn chưa mang lại một dấu hiệu lạc quan đáng kể nào, đủ để đặt một “dấu ấn” cho người nghe. Nếu định nghĩa một “ca khúc hay” căn cứ vào mức độ tạo được cảm xúc cho người nghe cũng như phần nào đó ở góc độ học thuật, có thể có những “Tan vào phố đêm” (Minh Đức, Nguyễn Minh Khôi) hay “Sông Hàn tuổi mười tám” (Minh Khang, Bùi Công Minh)…

Thế nhưng, để tìm một ca khúc “sống được” với thời gian và mang dấu ấn của một vùng đất như “Mùa Xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”, “Hải Phòng thành phố hoa phượng đỏ” hay “Hà Nội, niềm tin và hy vọng”, với Đà Nẵng, sao vẫn quá xa vời!

Nhạc sĩ Thái Nghĩa - Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố - từng trăn trở: ”Để có ca khúc hay cho Đà Nẵng vẫn là một yêu cầu quá khó đối với người sáng tác. Và các nhạc sĩ phải chấp nhận đối mặt với thực tế đó!”. Đã có lần, nhạc sĩ lão thành Phan Huỳnh Điểu từng nói về “Những ánh sao đêm” của ông chỉ được xếp hạng 13 trong giải thưởng thường niên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1962-1963).

Nhưng rốt lại, “Những ánh sao đêm” lại là một trong số 2 ca khúc - cùng với “Xa khơi” của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ (giải nhì) - được phổ biến và công chúng yêu thích. Cũng đã có những biện giải về những hạn chế trong việc phổ biến ca khúc mới về Đà Nẵng, song theo nhạc sĩ Phan Ngọc, tác giả của “Người Đà Nẵng” rất nổi tiếng: “Muốn có ca khúc hay, người nghệ sĩ phải có khát vọng nhưng không nên có tham vọng. Theo tôi, muốn có ca khúc hay, người nhạc sĩ phải có cuộc sống thật phong phú, tâm hồn dào dạt…”.

Chính quan điểm của nhạc sĩ Phan Ngọc lại gợi lên một Giáp Văn Thạch, chỉ với ca khúc “Quê hương” (lời thơ Đỗ Trung Quân), người nhạc sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh này đã được âm nhạc Việt Nam vinh danh xứng đáng. Ngay như nhạc sĩ Nguyễn Huy Hùng - Chủ tịch Hội Âm nhạc tỉnh Quảng Nam - cũng đau đáu: “Đã có nhiều nhạc sĩ nổi tiếng đến Đà Nẵng nhưng vì sao vẫn chưa sáng tác được những ca khúc đúng “tầm” của thành phố?

Nhạc sĩ Thanh Anh cho rằng: “Muốn có ca khúc hay, đòi hỏi người nhạc sĩ phải yêu mảnh đất và con người Đà Nẵng, phải có nhiệt huyết với lao động sáng tạo của mình và phải thường xuyên trau dồi, học tập qua nhiều kênh…”.

Cho dù nhạc sĩ lão thành Phan Huỳnh Điểu vẫn có một cái nhìn bao dung khi nhận định “không nên coi thường nhạc sĩ Đà Nẵng”; thế nhưng, để coi trọng những con người sáng tạo ấy, bản thân từng nhạc sĩ cũng phải “tĩnh tâm” và “biết tự ái” như cách nói của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.

Nhìn lại quá khứ không xa, vẫn có những Thái Nghĩa với những ca khúc rất hay cho thiếu nhi như “Điệu lý quê em”, “Mẹ cấy giữa mùa vui”…, hay “Tình khúc Thu Bồn”, “Thao thức với rừng”…, Trần Ái Nghĩa với “Cung trầm Hội An” - giải ba của Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2003- hay Nguyễn Duy Khoái với “Đêm hội phố Hoài”. Nhưng vì sao những tác phẩm về Đà Nẵng của chính những nhạc sĩ Đà Nẵng vẫn cứ… còn phía trước?

Phải chăng, từng nhạc sĩ của thành phố cũng cần thật tĩnh tâm để chiêm nghiệm lại những nhận định đầy gai góc của nhạc sĩ Thái Nghĩa: “Đến lúc, mỗi chúng ta cần xem lại vấn đề hội nhập trong từng tác phẩm của mình. Từ đó, mỗi người tự đặt lại trách nhiệm và có sự điều chỉnh cần thiết trong quá trình sáng tác...”? Hay một cách ví von như nhà thơ Pháp Raymond Quéneau (1903-1977) nói về sáng tác: “Nên cho lửa vào thơ của bạn; nếu không, nên cho thơ của bạn vào lửa”. Bởi, một sự tự mãn trong lao động sáng tạo cũng đồng nghĩa với sự cùn mòn, sáo rỗng.

Và câu hỏi: ”Ca khúc hay của Đà Nẵng, cho đến bao giờ?” vẫn không dễ có lời giải đáp.

BẢO AN

;
.
.
.
.
.