.

Đưa sóc sang sông

.

Truyện ngắn của NGUYỄN THỊ THANH THẢO

Cuối cùng, như một đợi chờ không chủ định, một đợi chờ gần giống một nỗi cầu mong và biết trước, anh nhận được thư báo tin Quỳnh lấy chồng. Quỳnh là đứa học trò anh dạy cách đây gần mười năm, bây giờ Quỳnh cũng đã là một cô giáo, Quỳnh dạy Văn một trường cấp ba xa anh hơn năm trăm cây số ở thị trấn có cái tên đẹp đẹp: Hà Lan.

Anh cầm lấy tờ thư báo tin mà trong lòng bâng khuâng những tình cảm thật khó tả của ngày cũ. Anh tự ngạc nhiên với chính mình khi đọc bức thư ngắn có nét chữ mềm mại của Quỳnh, có cái gì đó thật mơ hồ và đau đáu. Anh tưởng sau ngần ấy năm, cô học trò bé nhỏ của anh đã khác đi, nhưng không phải, thư Quỳnh vẫn là một cái gì khiến anh phải khắc khoải xúc động. Buồn buồn.

“Thưa thầy,Hình như, có một lúc nào đó trong cuộc đời, em đã từng thưa với thầy rằng, tình yêu là một cái gì quá đỗi mơ hồ và phù phiếm. Bữa đó thầy cười em quá chừng, thầy bảo, hai mươi năm sau, em cũng chỉ là một đứa bé ngông cuồng...

Thế mà, thầy ạ, khi thư này đến tay thầy thì có lẽ em đã không còn là một đứa bé như thầy từng sấm truyền. Nhưng không hiểu sao lúc này, trong lòng em tình yêu vẫn là một cái gì thật đỗi mơ hồ...”.

Ngân giành lấy chiếc cặp trong tay anh rồi bỏ ra dằn dỗi, anh ngày nào cũng về muộn, chả biết có cái gì ở sở làm giữ anh khéo thế không biết... Giọng Ngân hờn dỗi mà bóng gió như thể rằng vừa phát hiện ra ở chồng mình một lỗi lầm không thể tha thứ. Anh ngạc nhiên mất mấy giây vì biểu hiện khác thường ở vợ. Thực ra không phải anh không biết tính Ngân, nhưng vốn dĩ Ngân là một người phụ nữ trầm tính, đơn giản chứ không ồn ào như nhiều người khác.

Ngày xưa, lần đầu gặp Ngân trong khu giáo đường, anh bàng hoàng nhận ra ánh mắt phiêu diêu của chị mông lung giữa buổi thánh lễ. Anh nhớ đến câu chuyện đọc đâu đó ở một tác phẩm văn học nước ngoài về loài chim ẩn mình chờ chết, lúc đó anh có cảm tưởng như đôi mắt của Ngân là những thước phim ghi lại hình ảnh của một mối tình tan vỡ đầy tuyệt vọng. Nhưng anh nhầm, thực ra điều nhầm lẫn rất có lý và buồn cười ấy lại mang đến hạnh phúc không ngờ của cuộc đời anh. Vậy là anh đã tự sang cho mình một trang mới mà không cảm thấy lòng vướng bận một nỗi tư lự nào về Ngân. Còn anh, anh nghĩ và chấp nhận sự ra đi của nhiều cái bóng chấp chới của tình cảm mà trước đây anh từng có. Anh tự nhận mình chỉ là một người hơi đa cảm, và chấm hết.

- Em làm sao thế? Con hôm nay không chơi à?

- Chẳng sao cả, mẹ con em chẳng có gì để phiền đến anh... Ngân vẫn giữ giọng dằn dỗi, đánh rầm cái cặp sách xuống bàn, miệng làu bàu không ngớt khi bước xuống nhà dưới. Anh mệt mỏi thả người xuống ghế, định gắt lên câu gì đó rồi nghĩ sao lại thôi. Chiều nay anh vừa ký quyết định kỷ luật một đứa học trò lớp chín, một học trò nữ. Lúc đưa cho thầy Hiếu tờ quyết định, tự dưng anh lại nhớ đến Quỳnh. Ngày xưa, Quỳnh hay nói với anh là sau này nếu em đi dạy, em sợ nhất là phải đuổi học trò, học trò còn nhỏ xíu như tụi em mà bị đuổi học thì bơ vơ kinh khủng lắm phải không thầy?

Năm còn lớp chín, Quỳnh bé như cái kẹo, lớp học chuyên sáu đứa chỉ có Quỳnh là học trò trường làng xuống huyện trọ lại. Buổi học đầu tiên, xa nhà mà lạ thầy lạ bạn, Quỳnh cứ chăm chăm mặt xuống bàn mà không thèm ngước nhìn anh lấy một lần. Anh thấy lạ lạ lại gần chỗ Quỳnh mới biết là vở cô nhỏ đẫm nước mắt, anh thấy thương cô bé quá đỗi. Lúc đó, anh thấy Quỳnh sao mà giống đứa em nhỏ của anh ở nhà, rồi sáng sáng anh vẫn ghé chỗ khu nội trú chở Quỳnh đi học. Có bữa trời mưa, hai thầy trò đi chung một cái áo mưa dơi, Quỳnh lọt thỏm ở phía sau nói với lên là sau này em sẽ nhớ thầy chết đi được. Anh vừa cười vừa nghe mưa táp vào mặt mình mà vẫn thấy ấm áp, vui vui. Bây giờ tự nhiên anh lại muốn có Quỳnh ở gần, chỉ để có cái cảm giác của một đứa học trò lớp chín ngây thơ và hồn nhiên. Cũng là học trò lớp chín bây giờ sao khác ngày trước quá đỗi, khác đến mức nghĩ đã thấy có một chút gì buồn bã của thất vọng. Anh không cố ý nhưng tự nhiên lại thở dài.

Ngân vẫn hậm hực đi lên đi xuống mà miệng không ngớt làu bàu. Cô ngừng lại một chút khi thấy anh thở dài khi ngồi vào bàn làm việc, chờ anh mở lời nói một câu gì đấy. Anh biết tính vợ, định hỏi nhưng tự dưng buột miệng: - Chiều nay anh mới kỷ luật thôi học một đứa học trò...

- Lại học trò, Ngân cáu lên, anh thì lúc nào cũng học trò học trò đến phát ngán, mà ba cái đứa hư hỏng ấy, đuổi bớt đi là vừa. Giọng Ngân vẫn đầy tức giận, hằn học. Ủa, có phải anh chờ ở Ngân một điều vô lý trong lúc này là lời chia sẻ không? Không, anh sai thật rồi, Ngân đang giận anh, dù anh chưa biết thì rõ ràng đang có một điều gì đó bất ổn ở vợ. Nhưng nhìn điệu bộ của Ngân, anh thấy sợ sợ. Càng ngày, cái tổ ấm con con của anh càng không theo cái điệu nghĩ mà anh hằng mơ ước, anh rất sợ con người hằn học và thô lỗ ở người vợ mà anh vẫn thỉnh thoảng chứng kiến ở nhiều gia đình khác, nó có cái gì thật kinh người. Không biết có phải ở tuổi ba nhăm mà anh vẫn còn quá mơ mộng chăng? Rõ ràng, anh đang rơi vào một trạng huống gần như là mâu thuẫn khi chờ ở Ngân một lời như cô học trò nhỏ năm xưa. Anh cười chua chát, rút ngăn kéo ra, định bụng để mọi chuyện đến sáng ngày mai cho người tỉnh táo lại. Có thể lúc đó Ngân cũng đã nguôi ngoai.

Bức thư của Quỳnh rơi ra. Anh nhặt lên định cất vào trong thì đã nghe tiếng vợ khóc thút thít ở sau lưng. À thì ra là chuyện này. Hôm qua, lúc nhận được thư Quỳnh, anh định nói với Ngân nhưng nghĩ đi nghĩ lại rồi thôi. Không, anh thực sự không muốn giấu Ngân, chỉ vì dẫu sao anh cũng không muốn ở Ngân một hiểu lầm khác về anh, về Quỳnh.

Nhớ lại chuyện cũ, anh vẫn thấy lòng nhói đau và thương mến Quỳnh. Hồi Quỳnh còn học đại học, Quỳnh viết cho anh một bức thư, mà đó không hẳn là bức thư vì nó gần kín một quyển vở học trò. Bức thư ấy là tuổi trẻ của Quỳnh, mà tuổi hai mươi trong cảm nhận của anh hẳn còn quá nhỏ để đối mặt với những vấp ngã. Vậy mà, cô học trò của anh đã phải chịu đựng một nỗi mất mát lớn trong cuộc đời. Anh hiểu, và anh chưa bao giờ hồ nghi về Quỳnh, về tâm hồn của đứa học trò mà anh vẫn hằng thương yêu như một đứa em nhỏ. Đận ấy, không hiểu sao Ngân đọc được bức thư này, Ngân không nói với anh mà im lặng viết cho Quỳnh, đúng hơn là những lời nặng nề đến Quỳnh. (Ngân nghi ngờ Quỳnh hay là tâm hồn Ngân quá đơn giản để không bao giờ hiểu rằng, trong cuộc đời, có những tình cảm cũng thiêng liêng và mạnh mẽ không kém tình yêu?).

Câu chuyện kết thúc trong một nỗi bàng hoàng. Đứa học trò nhỏ của anh, biết cư xử như một người phụ nữ đầy lòng, chỉ có điều, anh biết trong lòng nó đã vĩnh viễn mất đi những năm tháng của sự hồn nhiên. Vĩnh viễn không bao giờ còn muốn trông cậy niềm tin vào con người mà nó đã từng kính trọng hết mình. Anh biết và hiểu thấu điều đó mà không cách nào giữ lại, cũng không có cách nào cứu vãn được. Thực ra tất cả là lỗi tại anh, nhưng anh chỉ có một chọn lựa, và nó cũng tầm thường như bao nhiêu cuộc mặc cả khác trong cuộc đời.

Bây giờ, Ngân lại lén đọc thư của anh rồi không ngớt hồ nghi, anh không giận sao được. Cái cảm giác hạnh phúc của buổi chiều hôm qua khi biết Quỳnh sắp lấy chồng, chuyện đại hỉ mà Quỳnh vẫn nghĩ đến anh, anh nghe như lòng được một cơn gió bình yên, thanh tịnh. Con người của Quỳnh mỏng manh nhưng không hề yếu đuối, chỉ có điều hơi đa cảm. Luôn luôn, nghĩ đến Quỳnh, anh vẫn muốn được cho Quỳnh cảm giác che chở như năm nao, cô nhỏ vẫn còn là đứa học trò ngồi lúp xúp sau lưng anh. Nhưng không thể, anh biết mình làm được mà không thể.

Bây giờ Quỳnh sắp lấy chồng, Quỳnh đi lấy chồng mà vẫn trĩu nặng hình ảnh con người cô đơn của tuổi hai mươi, anh thấy quả thực muốn nói với Quỳnh một lời gì an lòng. Anh biết Quỳnh không cầu toàn, Quỳnh rất thấu hiểu bản chất của đời sống, nhưng có điều, trái tim Quỳnh dường như cần hơn nữa một chốn nương náu như ngày xưa chưa bị thương tổn... Anh tự tin mình không hề có lỗi với Ngân khi nghĩ đến những điều này, cuộc đời anh đã gắn bó với cái nghiệp trồng người, anh chỉ muốn nuôi dưỡng đến cùng giá trị đó trong hoàn cảnh có thể. Ngân có thể hiểu anh hoặc không bao giờ cảm thông được cho anh, anh vẫn tự tin giữ ý nghĩ trong lòng mình không hổ thẹn. Chỉ có điều buồn, rất buồn. Có lẽ, anh đang cô đơn. Mà còn nghi ngờ gì nữa, anh đang cô đơn giữa những tình yêu con người chỉ vì ý muốn riêng tư đã thu nhỏ anh, làm cằn cỗi tâm hồn anh mà anh không có ý định cưỡng lại.

Đường phố đã vắng người qua lại, bây giờ có lẽ đã quá khuya. Bút mực thấm khô mà anh vẫn chưa viết được cái gì ngoài những giọng nghe đang thì thầm hờn dỗi trong lòng anh. Anh vươn mình, với tay lấy cuốn lịch bàn để xem đám cưới của Quỳnh trúng ngày thứ mấy. Rồi anh tìm lấy bức thư một lần nữa, sao bây giờ anh mới nhận ra là Quỳnh không hề nói cho anh hay ngoài cái thông tin sắp lấy chồng? Dấu bưu điện in trên phong bì đã hơn mười ngày, có thể khi viết bức thư này, Quỳnh chỉ còn hai ngày hay một ngày, hay cũng có thể là một đêm trắng để bận bịu với hàng trăm thứ lo toan. Anh hình dung có lẽ, khi viết bức thư này, lòng Quỳnh bấn loạn đầy ắp nhưng rồi đã rất bình yên, vì cuối cùng Quỳnh cũng đã gửi về cho anh cả một thời quá khứ buồn đau và hạnh phúc của mình như một kỷ niệm tha thiết đáng yêu. Anh đọc lại tờ thư một lần nữa, ngắm nhìn thật lâu nét chữ mềm mềm của cô học trò cũ, lặng lẽ dọn dẹp bút mực trong một cảm giác thanh thản dễ chịu. Trong lòng anh vừa có một cuộc tiễn đưa giản dị, thật giản dị.

Con sóc nhỏ của anh đã sang sông.

N.T.T.T

;
.
.
.
.
.