* Xin cho biết, người xưa lập nên Thiên can và Địa chi như thế nào? (Nguyễn Mạnh, Hòa Vang, Đà Nẵng).
- Thời xa xưa lấy mặt trời làm gốc, mọc thì đi làm, lặn thì nghỉ. Gặp hôm trời u ám chẳng biết dựa vào đâu. Tương truyền có một người làm quan dưới thời Hoàng Đế (2698 - 2599 TCN, Trung Hoa cổ) tên là Đại Nhiêu đã lập ra Thập can và Thập chi để tính thời gian.
Lập Thiên can, người xưa chọn số dương (số lẻ) của Hà đồ gồm 1, 3, 5, 7, 9; lấy số 5 ở giữa gấp đôi lên để tạo thành 10 can (Thập Thiên can) bao hàm cả âm can (Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý) và cả dương can (Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm).
Hà đồ với các số 2, 7 ở trên; 3, 8 ở bên trái; 4, 9 ở bên phải;5, 10 ở giữa. |
Còn Địa chi thì chọn số âm (số chẵn) gồm 2, 4, 6, 8, 10; lấy số 6 ở giữa gấp đôi để tạo thành 12 chi (Thập nhị Địa chi, 12 con giáp) bao gồm cả dương chi (Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất) và âm chi (Sửu, Mão, Tỵ, Mùi, Dậu, Hợi).
Thập Thiên can và Thập nhị Địa chi phối hợp với nhau để sinh ra Lục thập hoa giáp, đó là chu kỳ 60 năm (gọi là Nguyên), năm nay Mậu Tý thì 60 năm nữa cũng là năm Mậu Tý.
* Tôi từng được nghe một bài thơ rất hay về 12 con giáp, hình như của một nhà thơ xứ Huế. Xin quý Báo vui lòng giới thiệu bài thơ này. (Nguyễn Văn Nghi, Hội An, Quảng Nam).
- Về 12 con giáp, nhà thơ Thảo Am Nguyễn Khoa Vy (Phó soái Hương Bình thi xã, Huế, cách đây gần nửa thế kỷ) có bài thơ Đường nổi tiếng “Thập nhị thời thần” như sau:
Tha ra cắp lấy bộ loay hoay/ Đào lỗ không nên tiếng cả bầy/ Lạc ngõ theo đuôi đâu ngoại bức/ Cả gan bóp dái chẳng gờn tay/ Cám treo nhịn đói nhăn răng chịu/ Cối vẫn ăn no, ỉa miễu đầy/ Cá gáy hóa ra chi có cánh/ Mùng năm len lét trốn đi ngay.
12 con giáp |
Cái tài tình của bài thơ là câu nào cũng có tục ngữ:
Câu 1: Chó tha ra, mèo cắp lấy (tuất, mão). Câu 2: Chuột bầy đào không nên lỗ (tý). Câu 3: Lạc ngõ nắm đuôi trâu (sửu). Câu 4: Cả gan bóp dái ngựa (ngọ). Câu 5: Cám treo heo nhịn (hợi); Chết nhăn răng khỉ (thân). Câu 6: Gà què ăn quẩn cối xay (dậu). Câu 7: Cá gáy hóa rồng (thìn); Hùm mọc cánh (dần). Câu 8 : Len lét rắn mồng 5 (tỵ).
* Chỗ hẹp nhất và rộng nhất của lãnh thổ nước ta nằm ở đâu? (Trần Quang Nam, Sơn Trà, Đà Nẵng).
- Nơi hẹp nhất trên lãnh thổ Việt Nam đo được khoảng 37 km, đi qua thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Nơi rộng nhất đo được 600 km, từ bản Apachải (thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) đến thị xã Móng Cái (còn gọi là Múng Cỏi, thuộc tỉnh Quảng Ninh, giáp với thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc).
ĐNCT