.

Xin cho biết “thủy mạc” và “thủy mặc”, từ nào đúng?

.

* Xin cho biết “thủy mạc” và “thủy mặc”, từ nào đúng? Trường phái vẽ tranh này xuất hiện từ bao giờ? (Nguyễn Nghĩa, Hội An, Quảng Nam).

- Thủy mặc: thủy có nghĩa là nước, mặc là mực. Đây là phong cách vẽ tranh chỉ dựa vào hai chất liệu chính là nước và mực tàu (mực nho), chỉ với độ đậm nhạt của mực, độ loang nước ít nhiều của giấy là đủ tạo ra ánh sáng và màu sắc trong tranh.

Trường phái vẽ tranh thủy mặc được công nhận bắt đầu từ thời Bắc Tống (950-1120), Trung Hoa. Lúc đó, trong giới họa gia vốn vẫn vẽ theo đường lối từ xưa là nặng về hình thức, màu sắc, lấy kỹ thuật làm chủ. Nhưng Tô Đông Pha, một người không chỉ nổi tiếng về thơ văn mà còn là người viết chữ rất đẹp, đã đưa thư pháp của mình vào làm họa pháp, không cầu kỳ màu sắc, khai sinh một lối vẽ mới là tranh thủy mặc. (Tất nhiên người ta vì trọng Tô Đông Pha nên mới gán cho ông làm thủy tổ của tranh thủy mặc, mặc dù cách dùng mực đen, giấy trắng để vẽ vốn đã có từ lâu). Trường phái vẽ tranh thủy mặc là vẽ theo hứng, dùng một màu nhưng đậm nhạt, khác nhau để nhấn mạnh chủ ý. Vẽ kiểu này ít câu thúc, nhiều sáng tạo và không chú trọng đến kỹ thuật như trường phái cổ điển.

* Tôi nghe nói kỹ thuật làm ngói lưu ly rất khó. Việc phục hồi nghề làm loại ngói đặc biệt này cho công tác trùng tu các di tích ở hoàng thành Huế đã diễn ra như thế nào? (Nguyễn Quý An, Hội An, Quảng Nam).

Ngói lưu ly tại cố đô Huế

- Để trang trí ở các công trình kiến trúc thuộc Quần thể di tích Huế, người xưa đã dùng đến 42 loại có tráng men hoàng lưu ly và thanh lưu ly, trong đó quan trọng và khó sản xuất nhất là ngói thanh lưu ly và hoàng lưu ly. Men lưu ly là một loại men gốm, thuộc dòng men trong, dùng các loại oxyt như sắt, mang-gan, đồng, crôm... để tạo màu. Đây là một loại men khó sản xuất vì là men nhẹ lửa, đồng thời nó phải đáp ứng chỉ tiêu độ bền hóa lý cao, ngoài ra tông hay gam màu phải tương đối trùng với màu cổ.

Theo “Đại Nam thực lục chính biên”, tháng 12 năm 1810, vua Gia Long đã cho mời một số chuyên gia làm gạch ngói từ Trung Quốc đến Huế để hướng dẫn thợ người Việt cách nung ngói lưu ly tại Khố Thượng (ngày nay là Long Thọ). Việc sản xuất ngói lưu ly bị gián đoạn nhiều lần do những biến cố chính trị, thiên tai, trong đó lần lâu nhất là từ năm 1945.

Năm 1981, trong "Kế hoạch hành động" (Plan d"Action) của UNESCO về việc bảo vệ, tu sửa và phát huy giá trị quần thể di tích Huế đã có đề nghị thiết lập một cơ sở đúc gạch ngói. Năm 1990, sau mấy lần thử nghiệm thất bại, Xưởng phục chế vật liệu xây dựng cổ (Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế) mới sản xuất được mẻ gạch ngói tráng men đầu tiên, với sự tham gia tư vấn của ông Nguyễn Chi, một nghệ nhân sản xuất đồ gốm tráng men được mời từ Hà Nội.

Đến cuối năm 2002, dự án cấp quốc gia về nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ sản xuất ngói lưu ly thành công, chính thức khẳng định nghề làm ngói lưu ly tại Huế đã được phục hồi toàn diện.

Đ.N.C.T

;
.
.
.
.
.