Mùa xuân năm 2001, nhà điêu khắc nổi tiếng người Na Uy Oyvin Storbeakken đã đến tham dự một dự án điêu khắc tổ chức ở Non Nước theo lời mời của nhà điêu khắc Phạm Hồng (lúc đó là Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Đà Nẵng). Qua đó, ông đã thiết lập được mối quan hệ công việc và bắt tay vào việc hướng dẫn các nghệ nhân địa phương làm quen với các dụng cụ và kỹ thuật điêu khắc mới. Nhà điêu khắc nổi tiếng người Na Uy Oyvin Storbeakken tại Hội trại Điêu khắc quốc tế Đà Nẵng năm 2006.
Bộ Ngoại giao hai nước Việt Nam và Na Uy đã hỗ trợ ông để tiến hành một dự án thí điểm kéo dài từ tháng 12-2001 đến tháng 7-2002. Thông qua sự tiếp xúc rất mới mẻ giữa các nghệ nhân điêu khắc ở các trình độ khác nhau, mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Na Uy ngày càng thắt chặt và phát triển. Nhà điêu khắc Oyvin Storbeakken rất khâm phục sự hiểu biết sâu sắc và kinh nghiệm lâu năm về nghề chạm khắc đá của nghệ nhân ở làng đá mỹ nghệ Non Nước.
Từ đó, Oyvin Storbeakken phối hợp với Chi hội Mỹ thuật Đà Nẵng lập dự án xây dựng một Trung tâm điêu khắc đá ngay tại Non Nước, với mục đích góp phần vào việc phát triển môi trường thuận lợi để các nhà điêu khắc Việt Nam có cơ hội phát huy khả năng nghệ thuật. Dự án đã được Bộ Ngoại giao Na Uy tài trợ, sau đó là Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy (NORAD) với sự quản lý của đại diện Tổ chức Cứu trợ Nhà thờ Na Uy (NCA) tại Việt Nam là Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NAV).
Ngay sau đó, một Trung tâm điêu khắc đá đã được xây dựng tại Non Nước, một nơi có bề dày truyền thống về khai thác và chạm khắc đá, thuận lợi về sân bay và hải cảng giúp mọi người từ khắp nơi dễ dàng đến đây, và có các trại trẻ mồ côi có thể lựa chọn những em có năng khiếu để đào tạo... Đến nay, Trung tâm điêu khắc đá đã đào tạo được 13 thợ điêu khắc trẻ có tay nghề cao, tiếp cận được các kỹ thuật điêu khắc tiên tiến, hiện đại, làm cơ sở cho những hoạt động giao lưu văn hóa của hai nước.
Cây cầu Tolga tại Na Uy, biểu tượng của tình hữu nghị giữa TP. Đà Nẵng và trị trấn Tolga. |
Năm 2006, nhằm thúc đẩy giao lưu, hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Na Uy, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam và UBND thành phố Đà Nẵng đã tài trợ tổ chức Hội trại điêu khắc quốc tế tại Đà Nẵng. Hội trại đã tạo cơ hội cho 4 nhà điêu khắc Na Uy, 7 nhà điêu khắc Việt Nam và các thợ điêu khắc của dự án được làm việc cùng nhau, trao đổi ý tưởng, kinh nghiệm và hiểu biết thêm về nghệ thuật và thuần phong mỹ tục của hai dân tộc. Mười hai tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của hội trại được trao tặng cho thành phố Đà Nẵng trưng bày dọc bờ đông sông Hàn, là biểu tượng bền vững cho sự giao lưu văn hóa, hợp tác và tình hữu nghị giữa Việt Nam và Na Uy.
Tự hào và ý nghĩa hơn khi chiếc cầu Tolga được làm hoàn toàn bằng đá, bắc qua một con suối tại thị trấn Tolga (Na Uy) và các tượng như Xưởng cưa, Lò rèn, Cô gái vắt sữa… là những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, một biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai địa phương của hai nước do 9 thợ điêu khắc đá đến từ thành phố Đà Nẵng thực hiện trong năm 2007 hiện nay đang được đặt trang trọng ở Tolga. Qua đó một lần nữa đã khẳng định hiệu quả mang lại của một dự án điêu khắc là rất lớn và thật ý nghĩa.
Bài và ảnh : NGỌC HÂN