Truyện ngắn của NGÔ NHÂN ĐỨC
Chị đẹp nhất làng. Lúc bắt đầu biết ngâm ngợi những bài thơ tình, thì tôi biết điều ấy. Cái đẹp như bông súng tím mọc giữa ao làng, như đôi mắt biếc đen lóng lánh có màu mây thu trong đáy nước. Bà tôi thường chép miệng, giữa tiếng nhai trầu bỏm bẻm: “Chậc, cái con bé, mắt thế kia, đời hắn rồi đến là khổ!” Nghe bà bảo, chị sinh vào một chiều mưa giông đầy tiếng sấm.
Tôi không tin lắm lời bà. Là đứa được học hành tử tế nhất trong đám cháu, đầu óc chẳng cho phép tôi suy nghĩ kiểu mê tín mơ hồ. Và cũng bởi, tôi vẫn thường thấy trai làng thậm thụt nơi đầu ngõ nhà chị, trong đó có cả anh Cường, con ông Bảy Mãi giàu nhất xã.
Bà chỉ có hai người con trai, bác Linh - ba chị và ba tôi. Mẹ chị mất sớm, bác Linh không tục huyền, gà trống nuôi con. Nhà tôi thì chỉ có mỗi tôi. Sau khi ba tôi xuất ngũ, vết thương ở bẹn đã ngăn ông cho tôi thêm một đứa em. Hai nhà sát vách, thuở nhỏ, tôi vẫn thường được mẹ gửi cho chị mỗi khi đi làm đồng. Tôi nhẩn nha theo chị hái rau, chăm lợn, lớn hơn chút nữa thì gánh nước, rảnh rỗi thả diều bãi sông. Những bãi dâu bạt ngàn mềm mại, xanh mướt lượn mình ven bờ thi thoảng còn thấp thoáng trong giấc mơ tôi.
Chị hơn tôi năm tuổi, nhưng gì cũng biết làm, chả bù với tôi. Lắm lúc mải chơi, tôi lấm lem như chú chuột chũi đào hang. Chị gọi về, lật mông tôi ra phét bôm bốp, rồi lại vừa tắm cho vừa dỗ nín khóc. Chị thôi không đánh nữa từ khi tôi hết tiểu học, nhưng vẫn cứ lột truồng tôi mà tắm cho đến tận năm sau. Rồi chị khác đi.
Lúc đó, tôi ngạc nhiên nhìn chị cao lên, da bắt đầu mịn màng và trắng ngà, tóc đen mướt dài, dù cứ phải phơi nắng đồng quanh năm. Đôi bận, tôi thấy chị bẽn lẽn quay đi khi bắt gặp cái nhìn chằm chặp của thằng em. Và tôi cũng thôi thắc mắc nữa, khi cũng bối rối nhận ra những thay đổi ở chính mình. Tôi cao hơn chị năm mười lăm tuổi. Tôi nhớ chính xác vì đó là năm mà chị thôi hẳn không tắm cùng lúc với tôi bên giếng nước, cũng là năm tôi học hết trung học cơ sở.
Có một lần, đang học bài khuya để thi chuyển cấp năm ấy, tôi nhìn thấy chị ở giếng. Cửa sổ phòng tôi nhìn ra đấy. Múc đầy đôi thùng nước gánh về uống, chị tắm. Trăng, tôi còn nhớ, trăng sáng dìu dịu, soi ánh bàng bạc lên mái tóc đen dài đẫm nước dọc tấm lưng thon, thân hình dong dỏng với bầu ngực nhô cao khi quần áo đã ướt bết vào người.
Những giọt nước rơi tí tách vung vãi, sáng lên dưới trăng huyền ảo, như những hạt mưa thủy tinh long lanh, như ngọc trai. Chị đứng giữa một vầng sáng phủ ướp lấp lóa đến tưởng là mộng mị. Khi lặng lẽ quay mặt đi nơi khác, tôi có cảm giác, có lẽ mình sẽ không bao giờ được nhìn một bức tranh nào hoàn mỹ và xa xôi hơn cảnh tượng ấy trong đời.
Tuổi thanh niên có nhiều điều quan tâm khác - những bài thơ tình cho bạn gái, những ngày vùi mặt giữa đống chữ nghĩa hỗn mang, những lo lắng cho kỳ thi cuối cùng - để tôi dần quên mất sự hiện diện của chị. Tôi đậu đại học, bà tôi mổ bò tạ ơn trời đất phù hộ cho đứa cháu nối dõi làm rạng danh dòng họ. Tôi vênh váo nhận lấy sự ngưỡng mộ vây quanh, không hề biết có một đôi mắt vẫn lặng lẽ nhìn mình từ sau những bức màn cửa nhà bếp.
Đêm trước ngày khăn gói vào Sài Gòn, tôi đi chơi về muộn. Vẫn còn chếnh choáng trong hơi men từ những ly rượu chúc tụng của bạn bè, tôi ngạc nhiên thấy chị đứng thinh lặng trong bóng tối trước ngõ.
Em về muộn quá, khéo không mẹ la đó.
Ngày mai em đi rồi, lo gì. Chị “ừ”, nhẹ như cơn gió đêm đang thổi vào mặt tôi, se lạnh. Tôi không chắc, đó có phải là tiếng “ừ” không, mà tôi nghe giống một tiếng thở dài.
- Lo học cho tốt. Chị nghe nói con gái Sài Gòn dễ thương lắm...
Đôi mắt chị long lanh sáng trong đêm khi bảo có quà mừng em lên đại học. Tôi ngẩn ngơ đứng nhìn cái khăn tay gói một ít tiền và chiếc khăn choàng cổ có màu những cánh hoa hồng khô.
Cái khăn choàng đó vẫn làm những cô gái tôi yêu thắc mắc lẫn ghen hờn, khi thấy nó được treo cao trang trọng giữa tường nhà trọ. Những cô gái tôi gặp đều có nét gì giống chị. Những khuya vắng lặng về sau cơn say, nhìn chiếc khăn im ỉm nằm, tôi hình dung đến khuôn mặt u buồn với ánh nhìn xa xăm của chị, bỡ ngỡ thấy mình nhói thót nhớ mơ hồ. Tiếng thạch sùng nghe rất rõ khi tôi trở mình trong đêm.
Tôi đi, mỗi năm về thăm nhà hai lần, dịp hè và Tết. Loáng thoáng đâu đó, tôi nghe mẹ bảo, chị chẳng chịu lấy chồng. Bao nhiêu đám tới nhà dạm hỏi, chỉ nhận được từ chị cái lắc đầu. Bác Linh khuyên nài mãi không được, chán nản: “Con này hâm!”, rồi mặc chị với nỗi im lặng của mình.
Tôi không có cơ hội nói chuyện với chị. Có một cái gì như ngượng ngập, lóng ngóng. Đôi bận vô tình, thấy chị đứng thất thần cạnh bờ ao cá sau nhà, đứng sững. Gió lộng vào tóc và áo chị. Vào tôi. Thảng thốt. Tôi không còn là đứa em bé nhỏ, mà là thằng sinh viên đã vắt vai năm bảy cuộc tình phiêu lãng không đầu không cuối ở một nơi khác, một nơi có nhịp sống chóng vánh hơn. Và cũng phù phiếm hơn nhiều.
Tôi biết điều đó mỗi lúc một rõ ràng. Đặc biệt vào hè năm ấy, sau khi Thanh Hương của tôi chắp cánh bay vù qua tận trời Âu, hòa mình ẩn đàng sau sương mù London. Tôi về nhà, chẳng buồn đi đâu, nằm gác tay lên trán, nhìn ra vườn cải đang quá thì. Cải lên ngồng, những cánh bông vàng lấm tấm trên màu xanh của lá, màu nâu của đất quê, hiền hòa cam chịu dẻo dai cái khoảng đời ngắn ngủi trên sân rau. Những cái dằm trong tim tôi bớt hoành hành.
Có mùi hương bưởi thoảng tới. Mùi tóc quen. Tôi bàng hoàng thấy đôi mắt xót xa của chị đang nhìn mình. Tôi thất tình cơ mà, đâu phải chị? Tôi gượng gạo:
Chị mới qua chơi.
Ừ!... Chị nghe nói...
Rồi bỏ lửng, nhìn ra vườn. Buổi chiều cũng lững thững im lặng dưới gốc khế đầu hè. Có tiếng võng cọt kẹt của ba tôi đâu đó. Hình như, trong tôi cũng có một nhịp võng nào len lén đưa, khi bỗng liên tưởng chị với vườn cải ngoài kia.
Ba tôi cùng bác Linh quyết định đưa cả hai nhà đi thăm lại thành cổ Quảng Trị, chiến trường xưa. Tôi chẳng tha thiết gì chuyến đi, uể oải lên đường. Chợt thấy nụ cười trên đôi mắt chị. Lóng ngóng nghĩ mình vô tâm. Chị thấy tôi nhìn, không dưng bờ môi hồng có phớt bóng xanh xao.
Đi loanh quanh ngắm những khẩu đại bác, những dấu tích hoang phế trong tiếng thuyết minh hùng hồn của tay hướng dẫn mãi, tôi đâm nản, lỉnh ra bên bờ thành, nằm duỗi chân trên bãi cỏ, ngó nghiêng. Mây trắng hoang mang, đem theo cái đuôi xám ở phía xa. Bứt cọng cỏ cho vào miệng ngậm, tôi lẩm bẩm:
Trời chiều nay mưa chắc rồi.
Có lẽ không tránh khỏi đâu.
Chị đến ngồi bên cạnh lúc nào, góp lời. Tôi khoanh hai tay gối dưới đầu, đánh trống lảng:
Chị coi, mấy cái hoa kia đẹp không?
Chị đưa mắt nhìn theo hướng tôi hất mặt. Những cây dại mọc lan lum tùm dọc theo bờ tường, có cây leo lên cả đầu tường, đang nở những đóa be bé tím nhạt, ngan ngát trải ra một khoảng lớn rộng mênh mang. Chị nhìn chăm, đột ngột bảo:
Tường thành cao quá! Đồ sộ nữa. Vậy mà hoa vẫn mọc được trên ấy, lạ thật! Em biết tên loài hoa ni không?
Tôi giật mình, lắc đầu:
Thiệt là em chịu! Không biết nó thường nở vào mùa nào nhỉ?
Chị im lặng. Lát lâu, bâng quơ:
Hoa dại thì chắc chẳng có mùa. Nó dại mà. Nở vào mùa nào chẳng được, có khi lại chẳng nở được nữa ấy chứ. Hai chị em mình có phúc lắm mới thấy cũng nên.
Có tiếng thở dài, rất khẽ. Tôi thoáng thấy một cái gì lướt qua ngực, nhủ lòng, chắc gió.
Hay là mình gọi nó bằng “Hoa không mùa” nhỉ?
Tôi ngồi trong quán nhỏ, nhìn ra phố. Bảy năm rồi tôi mới về lại đây, trên mảnh đất Quảng Trị này. Chị đã mất cách đây ba năm, không chồng. Cũng buổi chiều như buổi chiều nay, cũng mưa, cũng oi nồng hơi đất khi cái nóng chưa tỏa hết nhiệt của lòng mình dưới cơn mưa, tôi và chị ghé trú chân trong căn quán bé tí này, co ro đưa mắt nhìn ra, sau hai ly café màu bóng tối. Lá long tong lăn theo đường gió. Lòng chạy theo lá. Lòng lướt theo mưa.
Mắt chị xiêu nghiêng mái quán. Mắt chị đầy mưa xa phương. Mắt chị đóng đinh trên mặt bàn. Mắt chị nhìn em tê ngát. Mắt chị câm lặng vĩ thanh. Môi và môi không nói. Môi và môi im lìm. Môi và môi chết khát trong nhau. Úp mặt vào ly tách, chiều chung chiêng chếnh choáng. Úp mặt vào bùi ngùi, chiều chén đắng lêu bêu. Chị lênh đênh trôi vào hư mất. Còn đâu, tìm đâu một người con gái vĩnh viễn trinh bạch? Trinh bạch chết cóng.
Tôi khóc. ...
Mưa dứt, lan man tôi đi vào thành. Tường vẫn cao. Nhưng hoa kia vẫn nở, tím như thuở cũ. Tím như chị, như đôi mắt u uẩn hương mùi thanh xuân. Tôi bỗng muốn hét, muốn gào lên thật to: “Chị ơi! Hoa vẫn có mùa!”
N.N.Đ