.

Chim và hoa đỗ quyên

.

Chim và hoa đỗ quyên

Chim đỗ quyên còn gọi là chim cuốc.
* Theo tôi biết, chim đỗ quyên là do một vị vua nước Thục chết hóa thành. Còn hoa đỗ quyên phải chăng cũng có cùng một xuất xứ? (Lê Văn Thái, Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

- Điển cố Văn học (NXB Khoa học Xã hội - Hà Nội, 1977), trang 134 ghi: “Theo Hoa dương quốc chí, vua Đỗ Vũ nước Thục có hiệu là Vọng Đế. Bị mất nước, Đỗ Vũ chết hóa thành chim đỗ quyên, cũng gọi là chim tử quy. Ở nước ta, các nhà nho thấy chim cuốc kêu vào cuối mùa xuân, đầu mùa hè đã dịch đỗ quyên ra chim cuốc”.

Nguyễn Du trong bài Độ Hoài hữu cảm Văn thừa tướng (Qua sông Hoài nhớ Văn thừa tướng) có câu: “Ai trung xúc xứ minh kim thạch/ Oán huyết qui thời hóa đỗ quyên”; Quách Tấn dịch thơ: Lòng thơm chạm trổ lời kim thạch/ Máu hận trào sôi kiếp tử quy.

Đỗ quyên (tiếng Anh: Rhododendron) là một trong những loài hoa cảnh rất được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới bởi vẻ đẹp dịu dàng, được nhắc đến trong các tác phẩm nghệ thuật như thi ca và hội họa Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc... Ở Việt Nam, đỗ quyên có ở những vùng núi cao như Đà Lạt, Fansipan, Tam Đảo...

Hoa đỗ quyên.
Gọi là hoa đỗ quyên vì mùa chim đỗ quyên kêu cũng là mùa hoa nở. Cao Quan Quốc (Trung Quốc) trong bài “Lãng đào sa (Đỗ quyên hoa)” có câu “Khả liên huyết nhiễm yên hà/ Ký đắc tây phong thu lộ lãnh”; Nguyễn Chí Viễn dịch thơ: Đáng thương máu nhỏ nhuộm yên hà/ Còn nhớ thu về sương gió lạnh. 

Xin nói thêm, đỗ quyên là quốc hoa của xứ Nepal, là biểu tượng hoa của hai tiểu bang nhiều núi đồi nhất nước Mỹ là West Virginia và Washington. Thông điệp từ loài hoa này là: Nhớ chăm sóc và giữ gìn sức khỏe em nhé! (Take care of yourself for me!).     

"Biển giã" hay "biển giả"
* Xin cho biết “biển giã” và “biển giả”, từ nào đúng? Tôi nghe có người nói là “biển giả” với nghĩa là biển không thật, lắm lúc tưởng trời yên bể lặng nhưng lại nhanh chóng nổi giông bão làm hại ngư dân. (Nguyễn Quốc Trung, Hội An,Quảng Nam).

- “Giã” là một phương ngữ, ngư dân vùng biển miền duyên hải miền Trung dùng để chỉ nghề lưới giã. Vì thế, chỉ có một số từ điển giải thích từ này, chẳng hạn như Từ điển tiếng Việt của Phan Canh (NXB Mũi Cà Mau – 1999, tr. 483 ) giảng là: “Thuyền mành: đi biển, đi giã”.

“Giã” đã đi vào địa danh như thị trấn Vạn Giã ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Theo tác giả Nguyễn Man Nhiên, Vạn Giã nguyên thủy nghĩa là làng của những người làm nghề chài lưới. Vạn: làng chài dọc theo vịnh biển, cửa sông. Giã: nghĩa hẹp là lưới giã, nghề biển trước đây rất phổ biến ở địa phương; nghĩa rộng chỉ nghề biển nói chung: biển giã. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn có chép: “Quán Vạn Giã: ở huyện Quảng Phước, dân cư trù mật, làm nghề đánh cá, từ khi binh lửa, dân bị điêu tàn”.

Vậy, từ đang xét phải viết biển giã (dấu ~) mới chuẩn xác. Việc nói/viết thành “biển giả” có lẽ xuất phát từ tình hình mưa bão thất thường trong mấy năm trở lại đây đã gây thiệt hại nặng nề về người và của, khiến ngư dân buồn tình nên “chơi chữ” như thế.                              
                                    
Đ.N.C.T

;
.
.
.
.
.