Khi công nghệ kỹ thuật số phát triển, các cửa hàng, cửa hiệu ảnh với công nghệ hiện đại tràn ngập thị trường đã đẩy nghề truyền thần xa dần “thời vàng son”; những người làm nghề truyền thần không còn đất làm ăn, hết mặn mà với nghề.
Một thời vàng son
Truyền thần bây giờ được vẽ trên đá với trang thiết bị hiện đại nên thời gian làm rất nhanh… |
Truyền thần ra đời khoảng từ thế kỷ 19, trước khi có kỹ thuật làm ảnh, người ta vẽ theo mẫu người thật, hoặc vẽ một người theo lời kể lại, nên mới có tên là “truyền thần”. Thời vàng son của những người làm nghề truyền thần là vào những năm 60-70 của thế kỷ 20. Theo ông Hoàng Mẫn, người có nhiều năm gắn bó với nghề, thì thời đó, nhiếp ảnh là thứ vô cùng “xa xỉ”.
Chiến tranh liên miên, biết bao người ra đi không trở lại. Tấm lòng của người sống là muốn có một tấm ảnh thờ người đã khuất và họ tìm đến những người vẽ truyền thần để thỏa tâm nguyện ấy. Đó là một lý do để nghề phát triển. Lúc đầu người ta vẽ truyền thần bằng mực nho, về sau các thợ vẽ sáng tạo thêm nhiều chất liệu như than pin, muội đèn, muội cao su vẽ trên giấy trắng cũng tạo ra bức tranh có sáng tối, đậm nhạt, sinh động...
Ngày ấy, chỉ là nghề truyền ảnh người chết, phóng to ra để thờ, vậy mà rất đông khách. Thời hoàng kim, ở Đà Nẵng có vài chục cửa hàng trên đường Hùng Vương, Lê Duẩn, Lý Thái Tổ… Chiến tranh kết thúc, đất nước hòa bình, kinh tế dần phát triển, nhiếp ảnh ngày càng thịnh với những công nghệ hiện đại cũng là lúc nghệ thuật truyền thần thu hẹp phạm vi hoạt động và những người làm nghề truyền thần dần dần chuyển đổi nghề hoặc bỏ nghề. Bây giờ, người làm nghề truyền thần còn lại rất ít và khó có thể tìm ra các cửa hàng trên địa bàn thành phố.
Tương lai “ảm đạm”
Nói về chuyện nghệ thuật truyền thần đang mai một, ông Hoàng Mẫn tỏ ra buồn bã: Thị trường có quy luật riêng của nó, nhiếp ảnh phát triển, nên số lượng người truyền thần giảm là đúng với quy luật, vẫn biết rằng, vẽ truyền thần bây giờ nhanh gấp hàng chục lần ngày xưa. Trước, người ta chấm từng chấm một tạo thành con người, cho nên vẽ rất công phu.
Còn nay, người ta tính tỷ lệ bằng máy tính, photo hình ảnh cho tương thích nên vẽ rất nhanh, đẹp hơn, giá thành rẻ hơn. Chất liệu ảnh truyền thần giờ đây cũng phong phú hơn (có thể dùng thuốc nước, bột màu và phấn màu), trình độ người vẽ cũng cao hơn ngày xưa. Thế nhưng, bây giờ công nghệ kỹ thuật số phát triển, nhiều loại máy khắc ảnh truyền thần trên đá, trên gạch men ra đời nên nghề truyền thần bây giờ cũng không còn ai chọn lựa. Xem ra, nghệ thuật truyền thần thật là ảm đạm!
Bài và ảnh: NGỌC HÂN