.

Người chí sĩ chết vì... vi trùng

.

Ông Mai Dị sinh năm 1884 tại làng Nông Sơn, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn; nay là xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Xuất thân từ một gia đình nho học, ông đỗ cử nhân năm 1906, cùng khoa với Nguyễn Bá Trác (đỗ cử nhân) và Phan Khôi (tú tài).

Ông Mai Dị là một trong những người đầu tiên tán thành cuộc vận động hớt tóc ngắn của phong trào Duy Tân. (Ảnh TL)


Do sớm ý thức phải làm người dân mất nước nên ông không buồn lấy hoạn lộ làm phương tiện tiến thân, thu gom bổng lộc làm cho vinh thân phì gia! Sau khi đỗ đạt, ông trở về làng tham gia phong trào Duy tân, cùng với cử nhân Phan Thúc Duyện lập Trường Diên Phong, làm giáo viên chính cho Trường Phú Lâm (do ông Lê Cơ lập) ở Tiên Phước. Đó là những trường tư thục đầu tiên mở tại Quảng Nam dưới thời Pháp thuộc.

Ông là một trong những người đầu tiên thực hiện theo đúng đường lối đấu tranh của phong trào: Cắt tóc ngắn và hô hào nhân dân cắt tóc ngắn, học chữ quốc ngữ, mặc đồ tây… Ở trường thì dạy học trò nhiều môn theo chương trình mới như khoa học, lịch sử, tư tưởng dân chủ, thể dục, có những buổi hội thảo, tham gia nông nghiệp, hợp quần…

Ông và ông Nguyễn Bá Trác cùng là thành viên của phong trào Duy tân, cả hai đều được phong trào cử qua Nhật. Ông vì hoàn cảnh không đi được. Còn ông Trác qua Nhật một thời gian thì bị Nhật trục xuất sang Trung Quốc, trở về nước phục vụ triều đình Huế. Lúc nghe tin Nguyễn Bá Trác mở tiệc ăn khao thăng quan tiến chức, ông có gửi đến câu đối “chúc mừng”, dùng các từ trong truyện Kiều của Nguyễn Du kết lại: “Bấy lâu bể Sở sông Ngô, dọc ngang trời đất/ Bây giờ ngọc đường kim mã, ăn ngồi đỉnh chung”. Câu đối nổi tiếng này người đương thời thảy đều biết, nó đã khiến ông Trác rất ray rứt.

Năm 1916, ông tham gia Khởi nghĩa Duy Tân tại Huế, 3 lần bị giặc Pháp bắt giam và lưu đày. Năm 1919, ông ra tù lần cuối với chứng bệnh lao nan y. Ông lưu lại Hội An một thời gian để chữa bệnh, sau đó về Huế hợp cùng cử nhân Lương Thức Kỳ và cử nhân Trần Nhã Diệm (đều là Quảng Nam tâm giao) viết sách “Thừa Thiên địa lý chí”, “Thừa Thiên đăng khoa” và “Hán Việt từ điển”.

Công trình chưa hoàn tất thì ông trở bệnh nặng phải về quê tịnh dưỡng. Nhưng về quê, ông lại càng không yên tâm vì công việc còn dở dang, nên nhất quyết ra lại Huế, dù người thân hết lời khuyên răn! Làm việc quá nhiều, bệnh ông ngày càng nặng. Ông tự than “lực bất tòng tâm” rồi chỉ lưu bút cho gia đình bằng một câu đối - theo người nhà cho biết, đó là câu đối mà ông muốn sau khi ông qua đời sẽ được thờ trên bàn thờ của ông.

Năm 1928, ông qua đời tại Huế. Lưu bút ông để lại là một câu đối bằng chữ Hán, tạm dịch: “Không chết vì thương dài gươm bén, mà chết vì những con vi trùng, khá thương thay âm thạnh dương suy, thân hữu hạn này phải trả về cho tạo hóa/ Cuộc đời (luôn thay đổi) như mây trắng (biến thành) chó xanh, ai sống lâu trên dương thế được, nhưng điều đáng buồn là nhà nghèo, cha mẹ lại già, mọi việc sau này đành phó mặc cho sự rủi may”.

Ngày 22-5-1989, huyện Điện Bàn, xã Điện Phước cùng hậu duệ ông tổ chức đưa hài cốt ông về cải táng tại Nông Sơn quê hương ông, thể hiện sự tri ân tôn kính của chính quyền địa phương và tông tộc đối với bậc tiền bối đã một thời xả thân cho đất nước. Nhân kỷ niệm 80 năm ngày mất của ông, ghi lại những dòng này cũng không ngoài ý nghĩa đó.

TRƯƠNG DUY HY

;
.
.
.
.
.