.

Người đàn bà viết

.

Với tuyển tập Những ngôi sao, trái đất, dòng sông (The star, the earth, the river - NXB Curbstone Prees, Mỹ), nhà văn Lê Minh Khuê đã trở thành người đầu tiên nhận Giải thưởng văn học quốc tế Byeong Ju Lee lần thứ nhất.

Hội đồng giải thưởng nhận định: “Lê Minh Khuê là nhà văn hàng đầu, được biết đến bằng những tác phẩm viết về các cô gái tham chiến trong cuộc chiến tranh giữ nước.

Tác phẩm thời hậu chiến của bà quan tâm đến hậu quả chiến tranh đối với đất nước mình, những vấn đề sau khi thống nhất đất nước, sự nghèo đói và xói mòn văn hóa, tinh thần khi đất nước chuyển sang một xã hội tiêu thụ. Những vấn đề này được thể hiện bằng một văn phong đẹp, chua xót và trang nghiêm”.

Một người đang ở cái tuổi đã ngại đi, gắn bó với Hà Nội, rất khó có ai rủ được bà đi khỏi Hà Nội. Cũng là người ngại không muốn đi máy bay. Nhưng bà đi nhận giải thưởng ở Hàn Quốc (được trao vào cuối tháng 4 vừa qua)  không thể tránh được. Từ một cô thanh niên xung phong cho đến nhà văn Lê Minh Khuê hôm nay là một chặng đường dài.
 
Người đọc thấy một bút pháp hiện đại, sắc sảo hơn. Bà nói: “Con người tôi thì  hầu như vẫn vậy, không thay đổi mấy, chỉ ngòi bút là thay đổi, bởi vì nhà văn không thể giữ mãi mỗi kiểu viết, một cách mô tả”. Với văn chương, bà quan niệm là tiếng nói tự thân.
 
Viết văn còn mệt hơn đi cày. Bà dị ứng với người nào viết ẩu, không có trách nhiệm với ngòi bút. Viết văn giống như người thợ kim hoàn, từng chi tiết đều phải thận trọng. Vì vậy, tác phẩm của bà đưa ra công chúng được người đọc đón nhận, chia sẻ. Dù cho thời buổi ít người đọc sách hơn thì truyện của bà vẫn có bạn đọc.

 

Lê Minh Khuê sinh năm 1949 tại Thanh Hóa. Năm 16 tuổi bà gia nhập thanh niên xung phong, làm nhiệm vụ ở tuyến đường Hồ Chí Minh.

Sau đó bà trở thành phóng viên chiến trường của Báo Tiền Phong, Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau năm 1975, bà làm việc ở Đài Truyền hình Việt Nam, rồi Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cho đến khi nghỉ hưu.

Hiện tại, bà là Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi của Hội Nhà văn Hà Nội. 40 năm viết báo, viết truyện, làm biên tập, bà hai lần đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam với tập truyện: Một chiều xa thành phố và Trong làn gió heo may.

 
Lặng lẽ viết, không to tiếng, chẳng đố kỵ, bà chỉ nhận mình là người may mắn khi nói về giải thưởng lớn lần này: “Ở nước mình, nhiều nhà văn còn giỏi hơn tôi nhiều. Có lẽ, qua tập sách, hội đồng giải thưởng có chút đồng cảm nên xét thưởng cho tôi”. Với giải thưởng này, bà có chút vốn liếng để đỡ phải đi viết báo vặt, có thời gian đầu tư cho những cái lớn hơn. Tuy nhiên, văn chương chẳng thể nói trước được điều gì. Nó là “lộc giời”, cho ai người ấy được. Bà dự định sẽ viết tiểu thuyết, vì tiểu thuyết là nhu cầu chính đáng của bất kỳ nhà văn nào.

Nhưng viết tiểu thuyết phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, cả nội lực và vốn sống. Từ nay trở đi, công việc có phần đỡ vất vả hơn, vốn sống của bà đầy đặn hơn. Nhất là  khi bà đã có dịp đi nhiều nước trên thế giới như Thụy Điển, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc. Sự mở rộng tầm nhìn, giao lưu văn hóa cũng đem đến cho bà những hiểu biết, vốn sống nhất định. Trên những đất nước bà đặt chân đó, bà chỉ viết ký, tản văn, còn truyện và tiểu thuyết thì chưa.
 
Bà cứ cất giữ ở trong mình, đợi đến ngày cảm xúc chín, sẽ viết. Trong những năm gần đây, nhiều tác phẩm của nhà văn Việt Nam được dịch ra, giới thiệu ở nước ngoài. Bà nói: “Mỹ, Nga, Pháp... đều là những nước có nền văn học đáng để chúng ta phải học tập. Ai có nhu cầu tìm hiểu thông tin thì đều có hết, không bị hạn chế. Chúng ta đã có sự hội nhập, nhưng nhìn chung, vẫn ở phương diện hẹp. Nếu muốn lớn mạnh, thì chúng ta không thể mãi khép mình”.

Trong Hội nghị Văn học Á – Phi cuối năm 2007, bà bước lên diễn đàn đọc bản tham luận “Văn học và thân phận người phụ nữ”. Qua đó, bà muốn nói lên một số những thay đổi trong quan hệ của người nam và người nữ ở Việt Nam hiện nay.

Đàn ông trong chiến tranh dám hy sinh, sống đẹp, nhưng thời bình thì khác. Trong gia đình, người đàn ông rảnh rang hơn, ít phải lo toan, trong khi người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi, gắn với lo toan. Phụ nữ Việt Nam không được hưởng đầy đủ văn hóa tình yêu, như những vụ bạo lực gia đình đã và đang xảy ra... Đó chính là lý do để bà viết tham luận, với hy vọng bình đẳng giới, người phụ nữ phải được tôn trọng hơn.

Trong đời thường, Lê Minh Khuê cũng là một nhà văn giản dị, không son phấn, dù sống ngay chốn đô thành. Bà quan niệm: Sự hấp dẫn của phụ nữ là nhan sắc trời cho, là một cái gì đó không thể đem ra đong đếm được. Nhan sắc cũng chỉ riêng cho từng người. Thời trang, son phấn là thứ bổ trợ lớn, nhưng chỉ phù hợp với từng đối tượng.

Riêng bà, bà để cho mình mộc mạc, dù ngày trẻ đi lại khá nhiều. Trước đây, có người phân biệt “nhà văn nữ” với  “nhà văn nam”. Bà khẳng định quyết tâm rằng phải chống phân biệt giới. Không thể phân biệt nữ hay nam mà đem ra xếp hạng. Nhà văn nữ cũng có nhiều người viết rất tài, mỗi người một vẻ. Phụ nữ viết văn cũng có thân phận, số phận của họ.
 
Họ cũng đã từng phải sống khổ ải, từng có chồng không tốt, con không ngoan, bị dồn đuổi như cánh bèo trôi trên dòng nước. Cuối cùng, tâm sự của bà muốn nói rằng: Là một người đàn bà viết văn, bà đã chưng cất nỗi buồn, trải nghiệm cuộc sống để có những trang viết, nên cần được thông cảm, sẻ chia!

NGUYỄN VĂN HỌC

;
.
.
.
.
.