Trước năm 1945, trong văn học Việt Nam hiện đại, thể loại truyện ngắn đã đạt thành tựu lớn với nhiều tên tuổi tiêu biểu: Thạch Lam, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Bùi Hiển, Tô Hoài… Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, phần đông các tác giả này vẫn thủy chung với thể loại truyện ngắn.
Từ Hiệp định Geneva năm 1954, đất nước bị chia cắt, phạm vi đề tài ngày càng mở rộng, nhưng chủ đề lớn và phức tạp ngày càng xuất hiện. Đội ngũ những người cầm bút ngày càng đông đảo, không ngừng được bổ sung. Và thể loại truyện ngắn trên Văn nghệ ngày càng nổi trội, tạo nên mặt mạnh của tờ báo.
Văn nghệ lại sớm có sáng kiến và thực tế thành một truyền thống tốt đẹp, vài ba năm báo lại tổ chức các cuộc thi sáng tác thơ và văn xuôi. Chính các cuộc thi này là dịp phát hiện và bồi dưỡng những tài năng văn học mới. Họ là lực lượng thường xuyên bổ sung vào đội ngũ những người cầm bút của nền văn học mới. Những tên tuổi như Vũ Thị Thường, Anh Đức, Ngô Ngọc Bội, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Tô Ngọc Hiến, Lê Lựu… bước vào văn đàn bằng các truyện ngắn dự các cuộc thi trên đây do Văn nghệ tổ chức.
Từ những năm 60 của thế kỷ trước, ngoài sáng tác của các nhà văn ở miền Bắc, bạn đọc đón chờ hằng tuần trên các trang Văn nghệ các truyện ngắn của các nhà văn từ khói lửa chiến trường miền Nam. Về làng của Phan Tứ, Mẹ vắng nhà của Nguyễn Thi - Nguyễn Ngọc Tấn, Bức thư Cà Mau của Anh Đức - Bùi Đức Ái, Bức thư làng Mực của Nguyễn Chí Trung, Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành - Nguyên Ngọc… xuất hiện đầu tiên trên tờ Văn nghệ đã đáp ứng sự chờ đón của người đọc và đem lại cho hoạt động văn học ở hậu phương một sinh khí mới.
Nhiều truyện ngắn xuất sắc của các nhà văn sống và viết ở các đô thị miền Nam (như Vũ Hạnh, Ngụy Ngữ, Lê Vĩnh Hòa…) cũng thường xuyên được trân trọng in trên các số Văn nghệ. Bút pháp và phong cách truyện ngắn của các tác giả trên Văn nghệ ngày càng đa dạng, thể hiện trách nhiệm tìm tòi sáng tạo của các nhà văn và góp phần khẳng định vị trí của thể loại truyện ngắn trong nền văn học nước nhà, bên cạnh thơ và các thể loại khác.
Từ khi nước nhà thống nhất, một lớp nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Phạm Thị Hoài, Phan Thị Vàng Anh, Hồ Anh Thái… đã đưa thể loại truyện ngắn lên một tầm mới. Nhiều truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, Đỗ Chu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Lập… khi xuất hiện trên Văn nghệ đã được người đọc đón nhận nồng nhiệt, nhiều lúc gây tranh cãi sôi nổi trong giới phê bình và người đọc.
Bộ truyện ngắn tinh tuyển 60 năm báo Văn nghệ bao gồm: Con đường sống (tập 1), Bút máu (tập 2), Mầm sống (tập 3), Muối của rừng (tập 4), Nợ trần gian (tập 5), do NXB Hội Nhà văn và Công ty Sách Bách Việt ấn hành, nhân kỷ niệm báo Văn nghệ tròn 60 tuổi (1948 - 2008).
PHƯƠNG THẢO