7 lần bị thương trong chiến tranh, 2 tháng trời điều trị ung thư đại tràng bị cắt 1,4 mét... nhà văn Đỗ Chu, Hữu Thỉnh đã bàn chuyện hậu sự, thế nhưng, bằng một sức sống phi phàm nào đó, ông đã tỉnh, khỏe lại và vẫn viết văn đều đặn. Nhà văn đó là Nguyễn Quang Hà, người luôn có nụ cười hiền hậu, dễ mến. Giờ đã có tuổi, nhưng sức viết của ông còn cường tráng, và luôn tâm niệm một điều: Viết để trả nghĩa nhân dân, đồng đội.
Lòng chưa yên bão
Nhà văn Nguyễn Quang Hà |
Từ những ngày đầu chiến đấu trên đất Huế, Nguyễn Quang Hà nghĩ ngay đến việc cầm bút. Ông tự nhủ lòng: “Nhất định phải cầm bút ghi lại những hành động dũng cảm, tấm lòng kiên trung, đức hy sinh cao cả của đồng bào, đồng chí xứ Huế trong những tháng năm đánh Mỹ rất đỗi hào hùng nhưng cũng vô cùng bi tráng này”. Tưởng nhớ nơi mình sinh ra, Nguyễn Trọng Trường đã lấy chữ cái đầu địa danh quê hương mình ghép thành tên bút danh Nguyễn Quang Hà. Ở Thừa Thiên-Huế, có một điều gì đó như là duyên nợ đã khiến ông ở lại, làm báo, viết văn cho đến ngày nay.
Trong ngôi nhà nhỏ và bình yên của Nguyễn Quang Hà ở đường Phan Đình Phùng - TP. Huế này, cảm giác lúc nào cũng có tiếng cười. Bởi ông có một người vợ dịu hiền, giỏi giang và hết mực chăm lo cho gia đình. Không ai biết chuyện tình riêng của ông có điều éo le. Độ đó, sau khi đất nước sạch bóng quân thù, ông trở về gặp bố mẹ và vợ con. Chẳng ngờ, ông phải chứng kiến cảnh vợ mình đã có thêm một đứa con riêng ngoài ba con chung khi ông còn ở ngoài chiến trường... Dường như, mỗi nhà văn đều có một cái bi kịch nào đó.
Chuyện tình với bà Võ Thi Quỳnh, vợ Nguyễn Quang Hà sau này cũng là câu chuyện ly kỳ. Một lần, đơn vị của ông chẳng may để xảy ra sự cố với một gia đình dân ở Hải Lăng, Quảng Trị làm người con trai của gia đình này chết. Đơn vị phải đến làm công tác chính sách, từ đó ông biết cô con gái của gia đình. Lần khác đi công tác tại Khe Sanh, có người nhờ ông chuyển đến cho cô giáo của con mình một món quà, ông nhận lời, tìm đến địa chỉ đó thì hóa ra là cô gái có người anh đã chết vì đơn vị ông mấy năm trước. Sau vài lần gặp nữa lại bén duyên nhau.
Hai người làm đám cưới năm 1982, sau khi Nguyễn Quang Hà đã bỏ vợ. Đến giờ, con chung của ông và bà Quỳnh đã lớn, là một thạc sĩ ngoan hiền, nết na. Nguyễn Quang Hà đón mẹ vợ và ba đứa con với vợ trước về sống cùng mình tại TP. Huế. Sau khi các con đã lập gia đình, ông bảo các con hãy đón nốt mẹ chúng và người em cùng mẹ khác cha về Huế để sống gần nhau cho đỡ tủi. Với Nguyễn Quang Hà, sắp xếp việc gia đình như vậy là ổn rồi, không còn phải “lăn tăn” gì nữa, nhưng vẫn thấy lòng luôn mắc nợ một điều gì khiến ông bất an.
Lòng ông trước cái bi kịch với người vợ cũ có vài ba vết xước, nhưng không hề hấn gì, thế mà giờ cảm giác trời yên bể lặng, vợ đẹp con khôn thì ông vẫn đang âm thầm tìm lại điều gì đó. Và ông khẳng định đó là văn chương.
Tôi nợ nhân dân, nợ đồng đội
Căn phòng nhỏ của ông chưa đầy 8 mét vuông nhưng chứa đầy sách đã tiếp rất nhiều bạn văn. Tôi nhận ra ở ông còn nhiều trăn trở, suy tư và những dự định. Một người đã có tuổi như ông mà còn nhiều dự định về văn chương như vậy, hẳn ông có nhiều điều muốn viết ra mà nếu không viết ông cảm thấy có lỗi. Ông nói: “Tôi luôn tâm niệm chỉ viết cho nhân dân và đồng đội và sẽ tiếp tục làm như vậy. Bởi vì tôi nợ nhân dân, nợ đồng đội”.
Vì sao chứ, vì nhân dân nuôi những người như ông, đồng đội ông vì chiến đấu mà hy sinh. Đại đội có 155 người thì 105 người hy sinh. Ông kể cho tôi nghe câu chuyện về bà mẹ Hải Lăng (Quảng Trị) nuôi giấu cán bộ, trong đó có Nguyễn Quang Hà, mẹ bị địch bắt tra tấn nhưng nhất quyết không khai. Chúng quấn tôn quanh người mẹ và đốt lửa, nhưng vẫn không nhận được thông tin gì. Rồi chúng đốt lửa cho đến khi chết.
Chúng đi rồi, cán bộ tháo tấm tôn ra thì thấy da thịt mẹ dính cả vào tấm tôn, cháy khét. Chuyện khác về một bà mẹ ở Phong Điền, mẹ quy ước với cán bộ rằng nếu tắt đèn là tín hiệu có địch, không được về nhà. Địch theo dõi và biết điều này nên đã bắt mẹ để đèn sáng lừa cán bộ vào. Mẹ vào bếp vờ nấu nước uống rồi nhân cơ hội đó châm lửa đốt nhà mình, bọn địch đã bắt và chặt đứt cánh tay mẹ.
Kể xong, Nguyễn Quang Hà rưng rưng: “Đấy, với những bà mẹ như thế, những người dân kiên trung, hết lòng vì cách mạng, những đồng đội không sợ chết, sẵn sàng lao vào kẻ thù như vậy, làm sao tôi không ám ảnh, không mang ơn. Có những người như vậy thì cách mạng mới thành công, những người bị thương nhiều lần như tôi mới sống sót được”.
40 năm mê mải đi và viết, Nguyễn Quang Hà đã có 26 đầu sách xuất bản, cả thơ, truyện ngắn, bút ký, tiểu thuyết. Năm 2008 này ông in 2 tiểu thuyết nữa và hoàn thành tập tiểu thuyết “Con nợ” dày 500 trang. Hiện ông còn cả ngàn trang bản thảo chưa in. Bao nhiêu năm rồi sống với Huế, nhưng ông vẫn giữ cái giọng đặc sệt chất Kinh Bắc. Chẳng phải ông không yêu Huế, mà với ông, nói giọng Huế không hay sẽ làm giảm bớt vẻ đẹp Huế. Chia tay bạn văn, bao giờ ông cũng dành cho nụ cười, rất trẻ, rất thơ và hiền.
Diên Khánh